'Muốn khẳng định tài năng phải có tác phẩm'

Là một trong 125 nghệ sĩ được tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đợt 10 vừa qua, Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B) ĐẶNG THỤY MỸ UYÊN luôn tâm niệm phải dốc hết tâm sức, yêu tác phẩm, xây dựng nhân vật thật tốt. 'Nếu không đam mê và tâm huyết sẽ không bao giờ thu được thành quả xứng đáng'.

Sự nổi tiếng chỉ là bề nổi

- Trong quá trình làm nghề, chị có từng nghĩ đến ngày mình được nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân không?

- Thực sự tôi chưa từng nghĩ đến và cũng không dám dùng những từ to tát như "cống hiến" hay "hy sinh". Đơn giản, tôi chỉ yêu nghề, yêu công việc của mình, phấn đấu hết mình cho nền nghệ thuật nước nhà. Đây là công việc mang lại cho tôi nhiều cảm xúc, có một đời sống tinh thần phong phú, bảo đảm đời sống vật chất, không phải làm nghề khác để mưu sinh.

NSND Đặng Thụy Mỹ Uyên

Sau khi được nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2012, đến năm 2018, tôi đã có đủ huy chương để có thể xét danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Dù vậy, tôi không làm hồ sơ vì... ngại, chưa dám nhận danh hiệu cao quý này. Còn hiện tại, tôi nghĩ bản thân xứng đáng với danh hiệu được trao tặng. Cùng dịp này, nhiều cô chú lớn tuổi mới được tôn vinh, nên tôi rất xúc động và hạnh phúc.

- Nhiều người cho rằng, nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân thấy mình thêm trách nhiệm với nghề. Chị có nghĩ như vậy không?

- Từ lúc ra trường tôi đã tham gia đóng phim về chiến tranh cách mạng và luôn ý thức phải làm những tác phẩm nghiêm túc. Vì thế, tôi luôn dạy học trò, thế hệ đàn em làm sao để sau này bước ra đời người ta không nhìn bằng sự nổi tiếng, bởi đó chỉ là bề nổi. Bạn có thanh sắc nhưng muốn khẳng định tài năng phải có tác phẩm. Với nghệ sĩ, quan trọng nhất là phải dốc hết tâm sức, yêu tác phẩm, xây dựng nhân vật thật tốt, để vai diễn của mình đóng góp cho sự thành công của tác phẩm, chứ chưa nói gì đến đóng góp cho đời hay cho xã hội. Nếu không đam mê và tâm huyết sẽ không bao giờ thu được thành quả xứng đáng.

- Yêu sân khấu và cũng tham gia nhiều phim truyền hình, cá nhân chị ấn tượng với vai diễn nào trong sự nghiệp của mình?

- Với sân khấu, tôi là diễn viên chính trong các vở kịch của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B như Ái tình ngoài hôn nhân, Tình lá diêu bông, Bồ công anh, Tía ơi chồng con đâu và các vở diễn cho thiếu nhi... Song vai diễn tâm đắc nhất lại không phải là một vai lớn, chỉ là vai nàng nô tì da đen Merita trong vở Con cáo và chùm nho từ năm 1997. Vai diễn để lại cho tôi nhiều ấn tượng bởi là một trong những tác phẩm đầu tiên của tôi tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B. Chỉ tham gia một vai diễn trong tác phẩm nhưng tôi mất khá nhiều thời gian tập, hóa trang, ghép lời… để sau này tôi đưa vào trong các bài giảng sân khấu cho lớp trẻ.

Ở mảng phim truyền hình, những năm đầu làm việc với Hãng phim truyền hình TP. Hồ Chí Minh (TFS), tôi đóng nhiều bộ phim dựa trên kịch bản văn học của nhà văn Hồ Biểu Chánh như: Nợ đời, Sương gió biên thùy, Người đàn bà yếu đuối… Sau này khi hợp tác với Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam (VFC), tôi góp mặt trong các phim Mùi ngò gai, Những đứa con thành phố, Hiệp sỹ đường phố, Nợ đời, Người đàn bà yếu đuối, Sống trong sợ hãi, Tháng năm rực rỡ, vàthích nhất vai diễn trong Cả một đời ân oán.

Không chỉ làm “thợ diễn”!

- Trong vai trò Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ thì sao?

- Tôi coi Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B không chỉ là sân chơi cho các diễn viên trẻ thử sức, rèn giũa, mà còn cho các em cơ hội trải nghiệm các vai trò trên sân khấu như kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, thiết kế, hậu đài, phục trang… thậm chí soát vé, giữ chỗ. Khi về với ngôi nhà 5B, các nhân sự đều đã học diễn viên và đạo diễn, biên kịch tại trường sân khấu, điện ảnh, song dù là công việc gì cũng cần học hỏi. Tôi tự nhủ, nếu mình không tạo một sân chơi để các em trải nghiệm thì không thể có thế hệ kế cận chuyên nghiệp.

Nhìn các bạn trẻ, tôi như thấy bản thân mình lúc mới về 5B thuở nào, cũng phải lông bông đi xin vai diễn hay đóng thế để tích lũy kinh nghiệm nghề. Cho đến hiện tại, khi ra phim trường, tôi cũng luôn hướng dẫn các bạn diễn trẻ, góp ý với đạo diễn để cùng xây dựng nhân vật, hoàn thiện tác phẩm chứ không phải chỉ làm một “thợ diễn”.

NSND Mỹ Uyên (bìa trái) trong một vở kịch của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ. Ảnh: NVCC

- Sân khấu đang gặp nhiều khó khăn, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B cũng không phải ngoại lệ. Đây phải chăng cũng là giai đoạn nhiều thách thức đối với chị?

- Trước đây, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B là CLB Sân khấu thể nghiệm TP. Hồ Chí Minh (thành lập năm 1984 tại trụ sở của Hội Sân khấu Thành phố), sau đó mới thành Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP. Hồ Chí Minh (ra đời năm 1997, tên thường gọi là Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B). Những bậc tiền bối gồm nhiều nhà văn, biên kịch, đạo diễn, diễn viên... chung tay làm. Các tên tuổi như Thành Lộc, Hồng Vân, Ái Như, Khánh Hoàng, Kim Xuân, Hồng Đào, Hữu Châu... đều xuất thân từ đây.

Thời điểm sân khấu gặp khó khăn, chúng tôi phải đóng cửa năm 2015 - 2018 vì quy hoạch, năm 2020 - 2021 lại gặp dịch bệnh Covid-19, tôi đã phải bán xe hơi, mang giấy tờ nhà ra ngân hàng vay tiền để có thể duy trì sân khấu sáng đèn. Đó là lúc Sân khấu 5B ra mắt nhiều vở mới nhưng không có thu nhập bù lại. Tôi tính toán đủ đường xoay xở nhưng tiền chỉ ra mà hiếm vào... Tuy nhiên, đó là lựa chọn của tôi chứ không ai bắt ép. Chẳng ai lấy được tiền của tôi để đầu tư sân khấu kịch, ngoại trừ chính tôi muốn.

- Đến thời điểm này, Sân khấu 5B đã vượt qua được khó khăn chưa? Kế hoạch của chị trong năm nay là gì?

- Mặc dù chưa qua được khó khăn, song Sân khấu 5B vẫn “gồng” hết sức để sáng đèn mỗi dịp cuối tuần, cả sân khấu người lớn và sân khấu thiếu nhi. Trong năm nay, chúng tôi vừa tiếp tục phục vụ khán giả thành phố bằng các vở diễn như Những giấc mơ lóng lánh, Trời trao của lạ, Bên đàng dệt mộng, Gương mặt kẻ khác, Duyên ai, Ảo và Thật, Đẹp bất chấp, Chuyện tình nữ phạm nhân, Đại náo long cung, Vương quốc những người xấu xí… vừa chuẩn bị các vở diễn thể nghiệm, tăng cường quảng bá. Qua đây, không chỉ thu hút khán giả trẻ tìm đến Sân khấu 5B với mục đích giải trí mà còn tham gia đóng góp ý kiến, nói lên những trăn trở, suy nghĩ của họ về cuộc sống, trở thành chất liệu cho các vở diễn đầy tính thời sự thời gian tới.

Sau một thời gian vừa quản lý, giảng dạy, vừa diễn sân khấu, tôi đã từ chối nhiều kịch bản. Tuy nhiên, tôi sẽ trở lại trong phim Trạm cứu hộ trái tim của đạo diễn Vũ Trường Khoa (lên sóng VTV3 từ ngày 11.3 - PV)…

Xét cho cùng, với nghề luôn luôn bận rộn, nếu không biết nắm bắt cơ hội sẽ không thể trưởng thành. Đó cũng là bài học đưa tới thành công của chúng tôi hôm nay.

- Xin cảm ơn chị!

Hương Sen thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/muon-khang-dinh-tai-nang-phai-co-tac-pham-i362547/