Một tối mưa La Habana cùng những người tài danh

Bay qua nửa vòng trái đất, để chúng tôi được biết bên cạnh một đời sống còn nhiều khó khăn, thi ca và âm nhạc hội họa Cuba vẫn tràn đầy sức sống. Một tối bên những người bạn văn nghệ sĩ tài danh quốc đảo này là một ân sủng.

Tiếng nhạc du dương cất lên từ chiếc đài có đầu đĩa CD đời cổ. Giọng hát khỏe khoắn trong trẻo nương theo tiếng nhạc. Ngoài sân, cơn mưa rào hiếm hoi đổ xuống thành phố La Habana khô khát đã nhiều tháng.

Chúng tôi ngồi trong không gian văn nghệ theo đúng nghĩa - “El patio de la amigos - Sân nhà của những người bạn”. Đây là không gian bè bạn do họa sĩ Jose Omar Torres Lopez tạo dựng từ chính mảnh sân nhà mình.

Cùng những người bạn Cuba

Những bài hát phổ thơ của nhà thơ nổi tiếng Cuba Waldo Leyva. Ông đội mưa đến, cẩn thận mang theo thơ của mình và những đĩa CD nhạc, vì nghe tin có nhà thơ Việt Nam muốn giao lưu. Và thế, rất tự nhiên, chúng tôi có một tối ngập tràn trong thơ ca và hội họa Cuba.

Chúng tôi uống bia Cuba, loại chứa trong chai 1,5lit rất ngon và ăn những món nhẹ nhàng theo kiểu bản địa do bà vợ họa sĩ Jose Omar làm ngay căn bếp ở đầu kia căn phòng khách. Đây là căn phòng có kiến trúc mở, phần hướng ra không gian vườn - nơi để sẵn những chiếc bàn và ghế sắt sơn trắng- không một cánh cửa; để có thể ra vào rất tự do thoải mái.

Khi chúng tôi vừa đến cửa nhà, thấy ngay một đôi voi gốm Biên Hòa. Đây không phải là sự sắp đặt, nhìn thì biết đôi voi đã nằm đó nhiều năm. Họa sĩ cho biết ông mua ở một hội chợ ngay La Habana. Một đồ mỹ nghệ rất bình thường nhưng ở nơi cách nửa vòng trái đất, như một lời chào hỏi ân cần.

Tranh của họa sĩ Jose Omar Torres Lopez

Jose Omar hào hứng mang ra rất nhiều tranh ông vẽ trong thời gian gần đây. Cảm nhận chung ban đầu đó là những bức tranh ngập tràn màu sắc tươi tắn mang phong cách rất đặc trưng Cuba. Họa sĩ lão luyện có một lối vẽ bay bổng kết hợp giữa những bố cục/mảng màu lớn với những chi tiết đường nét tinh xảo. Ông là một trong những khuôn mặt tiêu biểu của hội họa hiện đại Cuba.

Trong tranh của ông, người xem thấy biển và bầu trời rộng lớn cùng bóng dáng thành phố La Habana; thấy những ô cửa, những mái nhà, những không gian sống ấm áp của con người.

Chúng tôi đang ngồi trong ngôi nhà ấm áp, là khách của Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Tạo hình, một trong năm hội thành viên Hiệp hội Nhà văn và Nghệ sĩ Cuba.

Tranh Jose Omar Torres Lopez

Nghệ sĩ José Omar tự làm giấy. Ông xay các loại giấy bỏ đi và khi đổ dung dịch này ra một mặt phẳng trước khi định hình, có thể ông thêm vào những mảnh vỏ hộp carton còn nguyên những đường gân với ý tưởng định trước rồi vẽ lên trên. Họa sĩ hào hứng cho tôi xem những đồ nghề của ông. Ông lắng nghe và hỏi lại rất kỹ về những loại giấy truyền thống của Việt Nam như dó và trúc chỉ (Huế) và bảo “Tôi sẽ làm thử”.

Điều thú vị là nhà thơ Waldo Leyva cũng vẽ rất nhiều và đẹp. Khi tôi đã trở về Hà Nội, nhận được nhiều tin tức về những buổi triển lãm và đọc thơ ông (và tất nhiên, có ca sĩ hát những bài phổ thơ ông), nhân kỷ niệm nhà thơ lớn của Cuba tròn 80 tuổi – ông sinh năm 1943.

Và hôm nay, dưới ánh đèn vàng ấm, bên ngoài là tiếng mưa, ông say sưa đọc cho chúng tôi nghe những bài thơ tâm đắc của mình. Một trong những bài ấn tượng nói về khoảnh khắc khi mũi tên rời cây cung hướng về quả táo đặt trên đầu đứa trẻ. Khung cảnh từ một tiết mục xiếc thót tim, người cha biểu diễn nghệ thuật bắn cung để tiêu khiển cho người xem.

MŨI TÊN Ở TRÊN KHÔNG

Người bắn cung nhắm vào quả táo

đặt trên đầu đứa trẻ non nớt

trời bỗng tối sầm, gió luồn, đá vỡ

và cây cối kéo lê trên mặt đất

Anh nghe thấy những lời cầu nguyện,

những lời cầu xin sự tha thứ, những tiếng thét lên

rằng đó không phải là đường bay để mũi tên xuyên qua quả táo

những quả táo mục tiêu vẫn luôn đặt lên đầu đứa trẻ.

Mũi tên vẫn còn ở trên không.

Waldo Leyva nói, ông thấy đường bay của mũi tên dường như kéo dài vô tận. Ông cho đây là một hình ảnh sống động về thế giới của chúng ta, khi sự bất công, cái ác và sự bất an vẫn còn ám ảnh.

Hình ảnh biểu tượng này cũng là tên một tập thơ của ông mang tên Phi tiêu và quả táo (xuất bản ở México, 2000).

Điều thú vị là trong nhiều bức tranh của họa sĩ José Omar có hình ảnh một mũi nhọn màu đỏ như đầu mũi tên hoặc ngọn giáo. Khi chúng tôi hỏi về điều này, ông cười và bảo đó chính là mũi tên trong thơ của Waldo Leyva bay trong không trung. Họ thân thiết với nhau đến vậy!

Waldo Leyva ngồi ngay bàn bếp ký tặng cho tôi Tuyển tập thơ ông có tên Gặm nhấm ký ức liên tục và tỉ mỉ (in xong tháng 8/2022 tại thành phố Otavalo – Ecuador). Nhìn con người giản dị ấy, người mới gặp khó hình dung về một nghệ sĩ đa tài. Ông tốt nghiệp chuyên ngành diễn xuất và chỉ đạo sân khấu; một kịch tác gia - Giám đốc sáng lập Nhà hát Đại học Oriente.

Từng làm diễn viên phim và kịch nói. Cùng với nhóm nhạc Trovandante, ông tham gia các chuyến lưu diễn đến Tây Ban Nha, Venezuela và Mexico. Ông đã giảng dạy tại trường đại học với tư cách là giáo sư Thẩm mỹ và Văn học Cuba và Mỹ gốc Tây Ban Nha. Đồng thời giảng dạy báo chí với tư cách là người sáng lập và giám đốc các tạp chí văn hóa Del Caribe và Letras Cubanas.

Nhà thơ Waldo Leyva đọc thơ

Waldo Leyva, tác giả của trên 30 tập thơ, tiểu luận phê bình xuất bản tại Cuba, Tây Ban Nha, Venezuela, Romania, Mỹ… Có thể kể Về thành phố và những anh hùng của nó (giải thưởng thơ Cuba, 1974), Với làn da của nhiều người, Vết xước trên đá, Ký ức về tương lai, Tuyển tập ngắn gọn về thời gian, Những dấu hiệu của sự khởi đầu, Dòng thời gian (Giải thưởng X Casa de América cho Thơ Mỹ, 2010); Khi tấm kính không tái hiện khuôn mặt (Giải thưởng Thơ Quốc tế, 2012). Thơ của ông đã được dịch sang các tiếng Anh, Đức, Pháp, Nga, Ý, Bồ Đào Nha, Romania, Hungary, Serbo-Croatia, Ba Lan, Bungari, Ả Rập… Ông tham gia nhiều liên hoan thơ ở Mỹ, châu Âu và châu Phi.

Trong nhiều năm, ông giảng dạy các khóa sáng tác thơ ở Cuba và các nước khác…

Nói thêm về hoạt động âm nhạc của Waldo Leyva. Ông cũng như nhiều nhà thơ – nghệ sĩ Cuba thường tham gia các buổi diễn thể loại âm nhạc Trova đặc trưng Cuba. Tôi đã được xem một buổi diễn tại hội chợ tại La Habana. Đó là một ban nhạc nổi tiếng và diễn ở hội chợ không phải là tầm thường mà là vinh dự.

Các nhà thơ lên sân khấu diễn tấu cùng với âm nhạc, không đọc. Âm nhạc và thơ Cuba và Mỹ Latinh luôn có tính ngẫu hứng là vậy. Chính Waldo Leyva là người tham gia sáng lập một Liên hoan thơ có cái tên rất hay: Cảm hứng Đột ngột Mỹ Latinh và Địa Trung Hải (tổ chức lần thứ nhất ở Almería, Tây Ban Nha, 1995).

Hôm nay chúng tôi nghe nhạc phổ thơ Waldo Leyva từ những CD Chắc chắn là Thứ Năm (Havana, 2000); Tôi tha thứ cho tương lai (Mexico); và Quà tặng (CD của nhóm Trovandante).

Bất ngờ, phía chủ nhà đề nghị nhà thơ Việt Nam đọc thơ. Không hề chuẩn bị cho một việc trọng đại như thế, tôi đành mở vội trang cá nhân trong đó có một vài bản thảo gần đây. Lâm vào tình huống này mới biết, việc dịch thơ “sống” như trong “liên hoan thơ mini đêm mưa La Habana” (về sau mọi người đùa chơi với nhau như thế) quả thật là rất “ngang”.

Bằng chứng là phía chủ nhà Cuba liên tục hỏi lại ý nghĩa từng câu khiến chị Maria Llorens (tên Việt Nam là Hiền) và cô Yoland Stefany (tên Việt Nam là Xuân) “toát mồ hôi”.

Ở đây cần chú thích nhỏ, nhờ cơ duyên may mắn, chuyến đi Cuba của tôi được chị Hiền giúp phiên dịch và trong một vài cuộc như cuộc này còn có thêm cô Xuân. Cả hai đều là những người phiên dịch Việt ngữ, từng làm ở đại sứ quán Cuba tại Hà Nội. Người đã có tuổi, có bề dày kinh nghiệm, người trẻ có sự cập nhật ngôn ngữ (biết rất nhiều câu đường phố) nhưng gặp kiểu thơ trúc trắc, chơi chữ lại gắn với nhiều sự kiện ngóc ngách “vỉa hè” kể cũng khó. Ngay chúng tôi khi nghe dịch thơ của thi sĩ Waldo Leyva cũng phải hỏi đi hỏi lại khá nhiều…

Sau cuối, ông Waldo Leyva đề nghị hai bên đọc thơ mà khoan đừng dịch nghĩa để còn lắng nghe cái sự truyền cảm và nhạc tính. Thêm một trải nghiệm để biết con đường của thi ca, để biết ngôn ngữ của thơ không chỉ là nghĩa; để biết trong thơ có ngôn ngữ bí mật để trao truyền vượt qua lớp vỏ của ngôn từ.

Họa sĩ Jose Omar Torres Lopez với bức tranh Nữ thần thành phố

José Omar Torres López- Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Tạo hình Cuba. Ông sinh ở Matanzas, Cuba, năm 1953. Từng học Khoa Ngữ văn, Đại học La Habana và điêu khắc, tốt nghiệp trường Nghệ thuật Quốc gia Cuba năm 1973. Từng làm việc ở Viện Nghệ thuật Cao cấp (Instituto Superior de Arte - ISA), La Habana với công việc nghiên cứu lịch sử nghệ thuật và giảng dạy từ năm 1979 đến năm 1987. Và sau đó là giám đốc của Xưởng Thực nghiệm Nghệ thuật Đồ họa (TEAG) cho đến năm 1998. Tranh của ông có mặt trong nhiều bộ sưu tập Cuba và quốc tế.

[ Lê Anh Hoài ]

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mot-toi-mua-la-habana-cung-nhung-nguoi-tai-danh-post1571783.tpo