Một ngày ở thành phố di sản Warangal

Nằm ở bang Telangana phía Nam Ấn Độ, thành phố Warangal được mệnh danh là một kho tàng văn hóa, di sản và lịch sử phong phú. Nơi đây lôi cuốn du khách bởi lối kiến trúc đặc biệt có ảnh hưởng từ Hồi giáo và những di sản có nguồn gốc từ thế kỷ 12 kể lại hành trình trỗi dậy và sụp đổ của các triều đại hùng mạnh trên cao nguyên Deccan.

Vượt qua quãng đường dài 150 km từ thành phố Hyderabad, chúng tôi tới Warangal vào buổi trưa nắng chói chang. Trong cái nóng oi bức với ánh mặt trời như thiêu đốt, những đền đài, tàn tích ở đây lại hiện lên thật đẹp. Đắm chìm trong thần thoại và văn hóa dân gian, Warangal kể lại những câu chuyện về lòng dũng cảm, những cuộc chinh phục và tinh thần bất khuất của người dân qua các thời kỳ. Từ những pháo đài và đền thờ tráng lệ, đến những hồ nước và khu vườn yên tĩnh, thành phố mang đến cái nhìn thoáng qua về quá khứ sôi động của cả khu vực.

Có 40 Di sản thế giới được UNESCO công nhận ở Ấn Độ, đền Ramappa là di sản thứ 32.

Như đền Ramappa chẳng hạn, nhờ lối kiến trúc đặc biệt, nơi đây đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới. Nằm trong một thung lũng ở làng Venkatapur, thuộc quận Mulugu, ngôi đền này có niên đại từ năm 1213 và được xây dựng bởi vị tướng Recharla Rudra dưới triều đại của Vua Ganapati Deva. Đây là đền thờ thần Shiva, từng được Marco Polo trong chuyến ghé thăm đế chế Kakatiya gọi là "ngôi sao sáng nhất trong dải ngân hà các đền thờ".

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh đền, anh Kusuma Suryakiran, cán bộ Tổng cục Du lịch Telangana cho hay, toàn bộ đền được xây dựng bằng nhiều loại đá khác nhau nhưng cấu trúc chính là sa thạch đỏ. Sảnh trước của thánh điện trong đền có rất nhiều cột trụ chạm khắc được định vị để tạo ra hiệu ứng kết hợp giữa ánh sáng và không gian. Các cột tròn bên ngoài đền có chân đế lớn bằng đá bazan màu đen, được chạm khắc những con vật thần thoại, vũ nữ hoặc nghệ sĩ và là "những kiệt tác của nghệ thuật Kakatiya, rất đáng chú ý vì tinh xảo, tư thế gợi cảm, thân và đầu thuôn dài". Phần đỉnh của đền được làm bằng loại gạch có thể nổi trên mặt nước. Phần dưới là các tảng đá xếp chồng lên để khi có nước lũ chảy qua thì cũng sẽ trượt qua nhanh chóng và đền không bị đổ.

Cũng theo lời anh Kusuma Suryakiran, kiến trúc của đền Ramappa nói riêng và các di tích khác ở Warangal nói chung chịu ảnh hưởng của nhiều triều đại khác nhau trong lịch sử nhưng chủ yếu vẫn là của triều đại Kakatiyan vào khoảng thế kỷ 12. Trước đây, du khách đến thăm Warangal phần lớn là người Ấn, nhưng kể từ khi đền Ramappa được UNESCO công nhận Di sản thế giới năm 2021, thành phố này ngày càng hấp dẫn du khách nước ngoài. Ai đến cũng trầm trồ thán phục lối kiến trúc rất riêng ở đây, thêm vào đó là câu chuyện kể về ngôi đền cũng thực sự huyền bí và đầy màu sắc lịch sử.

Hiện, chính quyền bang Telangana đang thực hiện dự án mới phát triển đền Ramappa thành một trung tâm du lịch tâm linh và tích hợp ngôi đền vào mạch du lịch Kaleshwaram nối các hồ chứa như Mallanna Sagar, Kondapochamma Sagar, Ranganayakamma Sagar, hồ chứa Mid Manair và Lower Manair, Narasimhaswamy Sagar ở Yadadri...

Người dân Ấn Độ đi chân trần vòng quanh đền Ngàn trụ để cầu may mắn.

Để thúc đẩy du lịch phát triển, Tổng cục Du lịch bang Telangana đã thiết kế nhiều tour du lịch Warangal với hơn 20 điểm đến hấp dẫn khác nhau... Nhưng, vì chúng tôi chỉ có thời gian tham quan trong một ngày nên ngoài đền Ramappa, anh Kusuma Suryakiran quyết định dẫn chúng tôi tới thăm đền Ngàn trụ và pháo đài Warangal. Nằm ở chân đồi Hanamkonda, đền Ngàn trụ được coi là một trong những phần quan trọng nhất của thành phố lớn thứ hai bang Teleganal này. Ngôi đền được xây dựng vào năm 1163 sau Công nguyên bởi Vua Rudra Deva vĩ đại và mang phong cách kiến trúc Chalukya đặc trưng. Kiến trúc của đền là hình ngôi sao và các cột được chạm khắc tinh xảo, là minh chứng cho trình độ chuyên môn của những người thợ thủ công tuyệt vời.

Ngôi đền thờ 3 vị thần: Shiva, Vishnu và Surya. Khi chúng tôi đến nơi, trời đã về chiều nhưng rất đông người Ấn Độ vào đền Ngàn trụ. Anh Kusuma Suryakiran cho hay, người dân Warangal bao gồm cả người theo đạo Hindu và đạo Hồi. Hầu hết mọi người nói tiếng Telugu và tiếng Urdu, cũng có người nói tiếng Hindi và tiếng Anh. Người dân ở đây thường đến đền Ngàn trụ để thực hiện các nghi lễ tôn giáo, đi chân trần 3 hoặc 5 vòng quanh đền để cầu nguyện.

Kể thêm cho chúng tôi nghe về đời sống của người dân Warangal, anh Kusuma Suryakiran cho hay, dân khu vực này có trình độ học vấn với tỷ lệ biết chữ chung là 84,16%, bao gồm 76,79% nữ biết chữ và 91,54% nam biết chữ. Hầu hết họ sống phụ thuộc vào nông nghiệp nhưng khi du lịch phát triển thì tham gia ngành dịch vụ cũng mang lại nguồn thu nhập mới. Tuy nhiên, người dân rất có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa. Cho đến nay, dù trang phục phương Tây gồm quần jean, áo thun, váy, quần short, quần dài khá phổ biến và được ưa chuộng vì chúng thoải mái, song nhiều người Warangal vẫn giữ phong cách thời trang truyền thống như phụ nữ mặc saree, đàn ông mặc lungi với áo sơ mi làm bằng cotton và chủ yếu có màu trắng...

Về lễ hội, do cả người theo đạo Hindu và đạo Hồi đều chiếm ưu thế trong khu vực nên tất cả các lễ hội của người theo đạo Hindu bao gồm Holi, Diwali, Dussera, Raksha Bandhan, Ram Navami, Vinayak Chavithi, Sankranthi, Ugadi... và tất cả các lễ hội của người Hồi giáo bao gồm Ramadan, Eid-Ul- Fitr, Eid al-Adha, Milad Un Nabi, Moharram đều được tổ chức.

Đoàn nhà báo Việt Nam trong chuyến tìm hiểu văn hóa Ấn Độ ở Warangal.

Một điểm nữa là Warangal luôn lưu giữ được lòng tự hào về lịch sử đầy hào hùng của thành phố mà pháo đài Warangal là một minh chứng cụ thể. Được xây dựng vào thế kỷ 13 bởi Vua Ganpatideva của triều đại Kakatiya, ngày nay, pháo đài chỉ còn là đống đổ nát nhưng người ta vẫn có thể nhìn thấy một bức tường đắp bằng bùn cao hơn 6 m bao quanh như một kỷ niệm về thời xưa cùng bức tường thứ hai được làm bằng đá granit. 4 cổng đá còn sót lại, dù không nguyên vẹn nhưng cũng khá ấn tượng với chiều cao hơn 9 m, có những hình chạm khắc hấp dẫn và một cổng vào được chạm khắc tinh xảo trong pháo đài hiện là biểu tượng chính thức của Telangana. Đó là chưa kể đến 45 cây cột và tháp trong pháo đài trải rộng trên diện tích 19 km.

“Những tàn tích ở pháo đài Warangal hầu như không giống với bất kỳ pháo đài nào vì những bức tường lớn điển hình, khẩu đại bác... đều bị thiếu. Song, những gì các bạn đang chứng kiến là tàn tích của một trong những công sự bất khả chiến bại nhất thời Trung cổ”, anh Kusuma Suryakiran nhấn mạnh.

Cổng đá còn sót lại ở pháo đài Warangal, với chiều cao hơn 9 m.

Những chiếc cột không còn nguyên vẹn ở pháo đài Warangal.

Trời về chiều, hoàng hôn dần buông xuống. Đứng trước những bức tường đổ nát trong pháo đài của những vương triều huy hoàng một thời ở Ấn Độ, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng và choáng ngợp bởi câu chuyện lịch sử đầy màu sắc. Và, thật khó diễn tả cảm xúc khi được tạo dáng bên những cột đá, đưa tay chạm những nét khảm tinh tế trên đá. Đến với vùng đất lịch sử hào hùng một thời của cao nguyên Deccan trong một ngày đầy nắng và gió, chúng tôi đã được thỏa mãn mọi giác quan. Đúng là không nơi nào trên thế giới lại có thể mang lại nhiều hình ảnh, âm thanh, cảm giác hay mùi vị như Ấn Độ và có lẽ phải mất cả đời, mới có thể ngắm hết được vẻ đẹp của quốc gia đa dạng về văn hóa, lịch sử, địa lý và tôn giáo này.

Sông Thương (Ghi từ Telangana, Ấn Độ)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/mot-ngay-o-thanh-pho-di-san-warangal-i726504/