Một lần đến Tà Đùng

Chúng tôi đến hồ Tà Đùng thuộc xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông chiêm ngưỡng một vịnh Hạ Long trên cạn ở Tây Nguyên. Đứng trên cao nhìn xuống, nơi này đẹp như một bức tranh mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Tây Nguyên này.

Hồ Tà Đùng chìm trong sương. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Dưới lòng hồ, có những đảo núi với hàng chục gia đình ngư dân sống lênh đênh trên nhà bè, mưu sinh bằng nghề thả lưới, nuôi thủy sản. Tuy lênh đênh trên mặt nước nhưng cuộc sống của các gia đình ngư dân này rất yên bình.

Ngắm Tà Đùng từ trên cao

Từ quốc lộ 28 thuộc địa phận xã Đắk Som, rẽ phải vào con đường bê tông, đi khoảng 3km, chúng tôi đến điểm dừng chân tham quan du lịch bên hồ Tà Đùng. Gần 9 giờ, trời nhiều mây, hồ Tà Đùng vẫn còn chìm trong sương. Từ trên cao nhìn xuống, sương mù giăng khắp, lô nhô cồn đảo dưới lòng hồ mờ ảo. Cả đoàn vào quán uống cà phê chờ tan sương. Gần trưa, đảo núi dần hiện ra trên mặt hồ. Nhiều người say sưa chụp hình phong cảnh, núi thấp hơn người. Chỉ tay về phía xa xa, ông Lại Quý Vân, Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Nông, thổ địa hướng dẫn đoàn chúng tôi, chia sẻ: Từ đây qua xã Đắk P’lao (huyện Đắk Glong), xung quanh hồ Tà Đùng có nhiều điểm dừng chân. Trước đây xung quanh hồ là nương rẫy của đồng bào Châu Mạ. Từ khi Tà Đùng khoác trên mình chiếc áo du lịch, người ta mua đất rẫy xây dựng các điểm dừng chân đón khách. Đây là điểm dừng chân để ngắm Tà Đùng từ trên cao. Còn phía dưới có bến nước, có mấy chiếc thuyền máy đang đậu đón khách tham quan trên hồ.

Nhiều người ngỡ ngàng khi lần đầu tiên được ngắm nhìn hồ Tà Đùng. Những đám mây theo gió tạo thành thác mây trườn qua đảo núi dưới mặt hồ như tiên cảnh. Sau một hồi săn mây, ghi lại hình ảnh những đôi tình nhân chụp ảnh nơi người ta ghi dòng chữ “Thương lắm mình ơi”, chúng tôi hạ độ cao, đi xuống lòng hồ. Nhìn về phía trước, một chiếc xuồng máy lao ra lòng hồ nước trong xanh, để lại phía sau hai vệt sóng dài hình đuôi cá lượn qua mấy nhà bè. Chị Đặng Thị Nguyệt, một người nuôi thủy sản ở lòng hồ đi ngược chiều từ dưới lên, cho biết: Tôi nuôi cá ở lòng hồ Tà Đùng gần 10 năm nay. Hôm nay lên bờ đón người quen.

Điểm dừng chân đón khách ngắm hồ Tà Đùng từ trên cao. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Nghe giọng nói đặc sệt miền Tây Nam Bộ, cởi mở, dễ gần, chúng tôi hỏi thăm và được chị Nguyệt xởi lởi cho biết: Cuộc sống ngư dân trên nhà bè có đầy đủ tiện nghi như ti vi, internet… và luôn gắn bó tình làng, nghĩa xóm. Nhiều du khách đến tham quan lòng hồ Tà Đùng thưởng thức hoàng hôn, ngắm mặt trời lặn và tận hưởng những làn gió trong lành.

Theo ông K’Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Som, trên hồ Tà Đùng hiện có 24 hộ dân với gần 60 người sinh sống bằng nghề nuôi thủy sản, giăng câu, thả lưới đánh bắt cá tôm. So với cách đây 5, 6 năm, bây giờ đời sống của họ tương đối ổn, không có hộ nào thiếu đói, cuộc sống rất yên bình. Tuy nhiên, vì sống lênh đênh trên mặt nước nên chịu những thiệt thòi nhất định. Địa phương đang có kế hoạch đưa họ lên bờ định cư để ổn định cuộc sống, có điều kiện cho con em học hành.

Non nước hữu tình

Hồ Tà Đùng có diện tích khoảng 22.000ha vào mùa khô và có thể lên đến gần 50.000ha vào cuối mùa mưa, độ sâu trung bình trên 20m. Trong lòng hồ rải rác hơn 40 cồn đảo lớn nhỏ, cây cối xanh tốt. Do đó, hồ Tà Đùng được ví như vịnh Hạ Long thu nhỏ trên Tây Nguyên với cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ và thơ mộng.

Tại điểm dừng chân tham quan bên hồ Tà Đùng, chúng tôi gặp nhiều đoàn khách du lịch đến từ Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang… và các tỉnh phía Bắc. Bà Bùi Thị Duyên ở TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho hay: Hồ Tà Đùng đẹp như lời người ta truyền nhau. Cảnh sắc nơi đây rất đẹp, nhất là sương mây giăng giăng… Còn chị Trình Thị Liên, một thành viên của đoàn Phú Yên chia sẻ: “Tà Đùng giống như tiên cảnh. Lần đầu tôi đến đây và nhìn ngắm cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của núi rừng không biết chán”.

Hồ Tà Đùng ở Đắk Nông thời gian gần đây đã trở thành điểm đến thú vị cho những người đam mê du lịch khám phá những điều mới lạ. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Trên đường về qua xã Đắk Som nhìn xóm nhà trên giồng dưới dốc, ông Lại Quý Vân hỏi: Có ai quên gì ở Tà Đùng không? Cả đoàn ai cũng ngỡ ngàng. Ông cười hiền khô và tự trả lời: Quên dốc sương mù. Hôm nay phong cảnh hồ Tà Đùng đãi đoàn Phú Yên cảnh dốc sương mù.

Theo ông Vân, để có thể ngắm nhìn trọn vẹn nhất vẻ đẹp của Tà Đùng thì hãy tới đây vào mùa hồ tích nước. Bởi giai đoạn từ tháng 8 tới tháng 12 là lúc mực nước hồ dâng cao trong xanh và những cơn mưa làm cây cối trên các cồn đảo xanh mướt, khiến hồ Tà Đùng như một bức tranh thiên nhiên hoang sơ non nước hữu tình.

Còn theo người dân bản địa Châu Mạ, tà là núi. Vì có nhiều núi liền kề nhau, nên gọi là Tà Đùng. Bà con Châu Mạ cũng cho rằng, Tà Đùng được hình thành từ câu chuyện tình lãng mạn của người con gái Mạ tên H’Bung xinh đẹp, tài giỏi. Theo truyền thuyết, H’Bung là cô gái đẹp trong một gia đình giàu có và rất siêng năng nên được nhiều trai làng theo đuổi, nhưng nàng chỉ ưng một mình chàng K’Jang hiền lành, chăm chỉ. Nhà H’Bung thách cưới rất cao nên chàng K’Jang phải cần mẫn đi làm để gom tiền mua sính lễ. Trong thời gian chờ cưới, bỗng xuất hiện người thứ ba là Jong’Kjang - một tù trưởng hùng mạnh bên dãy núi Nâm Nung - đến Tà Đùng chơi đã mê đắm nàng H’Bung. Dù bị H’Bung từ chối nhưng Jong’Kjang vẫn tìm mọi cách để bắt nàng về làm vợ cho bằng được. Cuộc sống bên kia núi Nâm Nung khác xa với Tà Đùng, nàng H’Bung suốt ngày buồn rầu ủ rũ, nhớ về ngôi nhà yêu dấu trên đỉnh rừng xanh và không quên được K’Jang. Sau đó, H’Bung đã ôm con trở về Tà Đùng. Jong’Kjang tức giận mang quân đến Tà Đùng phá làng, chặt cây, giết hại muông thú. Chàng K’Jang khỏe mạnh đã dùng tay chống đỡ, ôm lấy ngọn núi. Đến nay, trên đỉnh Tà Đùng vẫn còn 2 ngọn núi nhỏ được cho là dấu tích bàn tay K’Jang, dân làng đặt tên cho 2 ngọn núi đó là Khéckhal.

Ý nghĩa sâu xa của truyền thuyết này cho thấy sự tôn thờ rừng xanh của đồng bào Châu Mạ. Họ cho rằng, bảo vệ rừng sẽ được rừng che chở, cho cuộc sống ấm no.

Hồ Tà Đùng còn có tên gọi khác là hồ thủy điện Đồng Nai 3. Sở dĩ có tên gọi này là do hồ tích nước chính của hệ thống thủy điện này. Sau khi được ngăn dòng, hồ Tà Đùng rộng lớn hơn, tạo nên một kiệt tác có một không hai. Ở đây cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ và thơ mộng. Phóng tầm nhìn từ trên cao xuống, vẻ đẹp của hồ tựa như một vịnh Hạ Long thu nhỏ trên Tây Nguyên.

Ông Lại Quý Vân, Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Nông

MẠNH HOÀI NAM

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/89/280837/mot-lan-den-ta-dung.html