Nhớ lại những khẩu hiệu đi vào lịch sử gắn với đường Trường Sơn huyền thoại

Bao máu xương đã đổ xuống để mạch máu giao thông đường Trường Sơn được thông suốt. Qua 16 năm xây dựng, từ lối mòn giao liên bí mật len lỏi dưới các triền rừng, tuyến vận tải chiến lược Bắc - Nam đã phát triển thành một hệ thống trục dọc và trục ngang, ngày càng vươn xa vào chiến trường, vươn sâu vào các hướng chiến lược. Những câu chuyện về đường Trường Sơn và bao chiến sĩ hy sinh thân mình cho tuyến đường chi viện được kể trong phim tài liệu 'Bản hùng ca Trường Sơn'.

Khẩu hiệu "đi không dấu", "nấu không khói", "nói không tiếng"

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử của quân đội và nhân dân Việt Nam.

Với thời lượng 45 phút, những câu chuyện chưa từng được kể về con đường lịch sử có trong phim tài liệu Bản hùng ca Trường Sơn của đạo diễn Nguyễn Thanh Nguyên (Trung tâm Phim tài liệu, Đài THVN), phát sóng tối 15/5.

Nhà báo ,Trung úy Phạm Thành Long (nguyên là bộ đội Trường Sơn từ 1969-1975), Thiếu tướng Võ Sở (nguyên Chính ủy Binh đoàn Trường Sơn), ông Lê Hồng Huân (nguyên chiến sĩ lái xe Trường Sơn)... là những nhân vật góp phần làm nên thước phim tài liệu sinh động.

Với khẩu hiệu "Đánh địch mà tiến, mở đường mà đi", trong 16 năm (1959-1975), những chiến sĩ bộ đội Trường Sơn không ngừng củng cố, mở rộng con đường, kết thành mạng lưới giao thông liên hoàn.

Với khẩu hiệu "Đánh địch mà tiến, mở đường mà đi", trong 16 năm (1959-1975), những chiến sĩ bộ đội Trường Sơn không ngừng củng cố, mở rộng con đường, kết thành mạng lưới giao thông liên hoàn.

Tháng 5/1959, Tổng Quân ủy (nay là Quân ủy T.Ư) quyết định thành lập Phòng Nghiên cứu công tác chi viện quân sự miền Nam, trực thuộc Bộ Tổng tham mưu, có nhiệm vụ mở một con đường đặc biệt trên dãy Trường Sơn từ Bắc vào Nam để chuyển nhân lực, vật lực phục vụ cách mạng miền Nam cũng như cách mạng Lào và Campuchia.

Đến ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị T.Ư Đảng quyết định thành lập Đoàn 559, xây dựng tuyến chi viện chiến lược - đường Trường Sơn trên bộ và trên biển. Vai trò của đường Trường Sơn được Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy khẳng định là: “Con đường chi viện miền Nam, cho bạn là cơ bản nhất, chủ yếu nhất, có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng trước mắt và lâu dài".

Thượng tướng Vũ Hải Sản (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) khẳng định đây là một trong những sáng tạo chiến lược độc đáo, sự thành công xuất sắc trong lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đoàn làm phim Bản hùng ca Trường Sơn cũng gặp gỡ Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn (nguyên Bí thư Đảng ủy Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng). Ông kể lại ngay từ lúc mở đường Trường Sơn, chúng ta hoàn toàn giữ bí mật.

Cũng từ đó, xuất hiện những khẩu hiệu như "đi không dấu", "nấu không khói", "nói không tiếng". Vũ khí đạn dược và lương thực thực phẩm được vận chuyển cũng hạn chế.

Đường Trường Sơn là một sáng tạo lịch sử.

Đường Trường Sơn là một sáng tạo lịch sử.

Đến năm 1965, đường mòn Hồ Chí Minh trở thành một hệ thống đường chiến lược cơ giới, gồm ba tuyến liên hoàn, đảm bảo vận chuyển suốt bốn mùa, kể cả mùa mưa. Cách mạng miền Nam phát triển theo sự vươn xa của con đường mang tên Bác.

Bao máu xương cho đoàn xe chạy đêm, chạy ngày

Bà Trần Thị Hằng (cựu thanh niên xung phong tỉnh Quảng Bình) khẳng định tinh thần của các TNXP và bộ đội trên tuyến đường lịch sử: "Xe không qua thì nhà không tiếc. Đường chưa thông thì không tiếc máu tiếc xương. Đó là câu khẩu hiệu tự chúng tôi đặt ra để làm cho bằng được công việc", bà Hằng nói.

Tính đến cuối năm 1964, đường mòn Hồ Chí Minh đã được xây dựng và nối dài gồm 781 km đường ôtô, hơn 600 km đường giao liên và gùi thổ. Đại tá Lê Hồng Huân (cựu chiến binh bộ đội Trường Sơn) kể tháng 4/1967, Tiểu đoàn 52 của ông nhận chỉ thị cử 4 xe xuất phát chạy ban ngày. Trước đó, các đoàn xe vận tải chỉ chạy đêm.

Cựu TNXP Trần Thị Hằng nhớ lại giây phút đồng đội hy sinh khi đang thông đường.

Cựu TNXP Trần Thị Hằng nhớ lại giây phút đồng đội hy sinh khi đang thông đường.

"Lúc đó cả tuyến Trường Sơn bị đánh phá ác liệt, suốt ngày suốt đêm. Khoảng 13h30 chính trị viên Tiểu đoàn nói: Hôm nay các đồng chí được vinh dự chạy ban ngày. 14h chiều, nắng chang chang như đổ lửa, mỗi xe chạy cách nhau khoảng 50 m. Thấy địch thả bom ở đèo Phu La Nhích, chúng tôi được lệnh dừng lại. Ngớt bom, đoàn xe lại vượt đèo. Từ đó, toàn tuyến chạy cả ngày lẫn đêm", ông Huân kể.

Công binh Trường Sơn vừa làm nhiệm vụ ra dọc tuyến bảo vệ đường khi xe xuất phát, vừa hỗ trợ sửa xe, san lấp hố bom. Các chiến sĩ có khẩu hiệu "Quay nòng pháo theo bánh xe".

Đại tá Lê Hồng Huân.

Đại tá Lê Hồng Huân.

Có một con đường đặc biệt trên tuyến đường Trường Sơn, được đặt tên Đường 20 quyết thắng. Giữ con đường này là những cán bộ chiến sĩ ở tuổi 20. Trung tá, AHLLVTND Trần Xuân Sinh nhớ lại địch dùng nhiều máy bay để ngăn chặn con đường chi viện của ta. Vì thế, vai trò của pháo cao xạ trong bảo vệ đường Trường Sơn, bảo vệ hàng hóa, bộ đội rất quan trọng.

"Chúng tôi có 6 người, bị một quả bom cách hầm khoảng 4-5 m phát nổ, 2 đồng chí hi sinh ngay, 3 người bị thương. Lúc đó còn mình tôi, đã bị thương ở phổi từ trước. Nhưng tôi nghĩ dù còn một mình cũng phải tiếp tục chiến đấu. Ngay lúc đó, tôi bắn rơi một máy bay địch", Trung tá Trần Xuân Sinh kể.

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng huyền thoại về con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại trong thế kỷ 20 mãi mãi là niềm tự hào của quân đội ta và dân tộc ta", cố Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ), Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn.

Để đảm bảo bí mật, có đoàn thậm chí còn dùng ván gỗ để khi đi không để lại dấu vết trên đất rừng.

Để đảm bảo bí mật, có đoàn thậm chí còn dùng ván gỗ để khi đi không để lại dấu vết trên đất rừng.

Bao máu xương đã đổ xuống để mạch máu giao thông thông suốt. Qua 16 năm xây dựng, từ lối mòn giao liên bí mật len lỏi dưới các triền rừng, với một số đơn vị nhỏ lẻ, tổ chức thành tuyến đường dây lấy phương thức vận tải thô sơ, gùi thồ là chủ yếu, tuyến vận tải chiến lược Bắc - Nam đã phát triển thành một hệ thống trục dọc và trục ngang, ngày càng vươn xa vào chiến trường, vươn sâu vào các hướng chiến lược, bao gồm một lực lượng hùng mạnh lên tới hơn 120.000 người.

Những người lính Trường Sơn hôm nay, cũng chính tại vùng núi non hùng vĩ, đang viết tiếp bản hùng ca mà cha ông đã tạo lập nên.

Ngọc Ánh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nho-lai-nhung-khau-hieu-di-vao-lich-su-gan-voi-duong-truong-son-huyen-thoai-post1637599.tpo