Một dự án cao tốc không thu phí

Người dân ĐBSCL vui mừng khi hàng loạt dự án giao thông trọng điểm được triển khai và rất mong mỏi các dự án cao tốc nhanh chóng hoàn thành.

Các tuyến cao tốc tại ĐBSCL đang dần hình thành.

Trong các tuyến cao tốc tại ĐBSCL, tuyến Cao Lãnh - An Hữu là tuyến đường quan trọng trong mạng lưới giao thông của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và toàn vùng nói chung. Ngày 25/6, Bộ Giao thông vận tải phối hợp UBND 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang đã tổ chức lễ khởi công dự án cao tốc này; giai đoạn 1 tại nút giao với đường tỉnh ĐT.850, thuộc xã Mỹ Hiệp (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).

Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 có tổng chiều dài 27,4km. Điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp). Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang). Dự án chia làm 2 thành phần. Trong đó, Dự án thành phần 1 có chiều dài 16km, nằm toàn bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, có tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 dài 11,4km nằm trên địa phận tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp với mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án hơn 5.800 tỷ đồng.

Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe. Mặt cắt ngang giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế với bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80km/giờ.

Trước đó, ngày 24/6/2022, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1. Dự án thành phần 1 có 533 hộ nằm trong vùng dự án với diện tích đất thu hồi hơn 101 hecta.

Sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 được UBND tỉnh phê duyệt, Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Đồng Tháp đã nhanh chóng chi trả tiền cho người dân vùng dự án. Điều đáng nói là chỉ qua hơn 1 tuần thực hiện, có tới 513/533 hộ ở 8 xã của huyện Cao Lãnh đã nhận tiền bồi thường và giao đất cho dự án, đạt tỷ lệ hơn 96%. Ngay sau khi nhận tiền, các hộ đã khẩn trương di dời nhà ở, cây trồng và các vật kiến trúc khác cũng như bắt tay làm sinh kế mới để ổn định cuộc sống.

Ông Trần Văn Nghị (ấp 2, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) cho biết, gia đình ông có trên 3.000m2 đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi dự án, nhưng ông thấy rất vui mừng bởi Nhà nước bồi thường, hỗ trợ người dân rất thỏa đáng. "Khi được thông báo thu hồi đất, nhận tiền bồi thường tôi sẵn sàng hợp tác với chính quyền địa phương và mong muốn dự án sớm hoàn thành”. Còn theo ông Minh Đường (cũng ở xã Bình Hàng Trung) thì khi Nhà nước có chủ trương đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, người dân rất đồng tình và ủng hộ. Ai cũng mong các nhà thầu bắt tay vào làm ngay để dự án sớm hoàn thành.

Còn theo ông Phan Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hàng Trung, ngay khi dự án triển khai, địa phương đã chủ động tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của dự án. Nhờ vậy, các hộ dân trên địa bàn xã đã đồng thuận và nhất trí cao với địa phương nhận tiền, bàn giao mặt bằng để thi công dự án.

Đáng chú ý, theo ông Trương Hòa Châu - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, sau khi hoàn thành sẽ không thu phí, tạo thuận lợi cho việc lưu thông và phát triển kinh tế của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Ông Châu cũng cho biết, để đón đầu khi tuyến cao tốc này hoàn thành, tỉnh Đồng Tháp đã quy hoạch định hướng phát triển các cụm liên kết ngành, chuỗi kết nối và đưa vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ tiếp giáp theo tuyến. Đồng thời, kết nối các khu, cụm công nghiệp và vùng sản xuất hiện nay để chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hiện, tỉnh Đồng Tháp đang tập trung kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống các kho hàng, bến bãi, khu dân cư An Lạc 1 (56.22 ha), An Lạc 2 (39,51 ha), Khu công nghiệp dịch vụ Cao Lãnh (xã An Bình, Nhị Mỹ) quy mô 1.000 ha, Khu công nghiệp đô thị Cao Lãnh 2 (Mỹ Long) quy mô 900 ha, Khu công nghiệp Cao Lãnh 3 (xã Bình Hàng Tây), quy mô 94,34 ha.

Những cao tốc vùng ĐBSCL đang và sẽ xây dựng trước năm 2025, gồm: Trung Lương - Mỹ Thuận (tổng chiều dài 54km); Mỹ Thuận - Cần Thơ (23km); Cần Thơ - Cà Mau (130km); Cao Lãnh - Vàm Cống (32km); Cao Lãnh - An Hữu (27,4km); Chơn Thành - Đức Hòa (84km); Đức Hòa - Mỹ An (81km); Mỹ An - Cao Lãnh (26km); Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (155km); Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu (255km).

Thanh Tiến

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mot-du-an-cao-toc-khong-thu-phi-5721727.html