Một câu chuyện nhỏ, một ngày đã qua, một thời đang qua

Ngày 21.6 đã qua, nhưng câu chuyện nhỏ tôi muốn kể dưới đây lại liên quan ít nhiều đến ngày đó, đến chuyện viết báo, nghề báo.

Một ngày đã qua là ngày 21.6, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam mà các cơ quan báo chí, các nhà báo trong nước vừa tổ chức kỷ niệm khá rầm rộ trong khi báo chí Việt Nam đang đứng trước những thách thức sống còn cả về mặt phương thức, kỹ thuật, công nghệ làm báo và viết báo, lẫn đạo đức nghề nghiệp người làm báo và cả về tài chính - kinh tế báo chí trước sự phát triển hơn cả vũ bão của các phương tiện truyền thông hiện đại là internet và mạng xã hội, và sắp tới đây là trí thông minh nhân tạo (AI).

“Câu chuyện nhỏ” mà tôi muốn kể là khi “về thu xếp lại” một vài vật dụng cá nhân ở cơ quan cũ để mang đi sau khi thôi cộng tác với tòa soạn vì sức khỏe không cho phép, tôi bỗng sững sờ trước một tài liệu từ đâu tòi ra mà trí nhớ tồi tàn bây giờ khiến tôi không sao nhớ nổi nó nằm đó, trong hộc bàn của tôi, từ khi nào; tại sao nó lại nằm đó và tôi đã nhận nó từ ai.

Tranh minh họa của họa sĩ Loka cho nhạc phẩm Qua mùa phượng vĩ của nhạc sĩ Huỳnh Anh.

Đó là hai trang giấy viết tay đã ố vàng, gần mục nát. Trên hai trang giấy đầy kín chữ viết tay là một bài báo ngắn (hơn 700 từ) của một người ký tên Thanh Tú, viết về một họa sĩ thiết kế sân khấu cho nhiều sân khấu khác nhau, nhất là cải lương, suốt một thời gian dài ở miền Nam.

Đó là họa sĩ Loka (*), em trai của nhạc sĩ La Hối (tác giả ca khúc lừng danh không ngớt vang lên mỗi độ xuân về: Xuân và tuổi trẻ) và, theo tác giả Thanh Tú, là anh của nghệ sĩ cũng lừng danh - La Thoại Tân (?). Nếu người anh, nhạc sĩ La Hối, và người em, nghệ sĩ La Thoại Tân cực kỳ nổi tiếng thì họa sĩ Loka, tên thật là La Doãn Hân, ít được biết đến hơn do chính nghề nghiệp của ông: thiết kế sân khấu, làm việc ở hậu trường (**).

Tiết mục múa quạt do họa sĩ Loka thiết kế trong chương trình biểu diễn của Đoàn Văn nghệ Việt Nam tại Nhật năm 1962.

Kèm theo bài báo trên 700 chữ là một số hình ảnh tư liệu quý.

Bài báo của tác giả Thanh Tú đăng kèm được giữ nguyên như bản thảo kể cả lỗi chính tả như dấu hỏi ngã (xem hình sao chụp bài báo), chỉ thêm một chữ Loka vào tên bài báo, một chữ năm (trong 40 năm) ở dòng đầu của chapeau do tác giả có lẽ sơ ý viết thiếu chữ ấy và vài chỗ bị chú trong ngoặc đơn cho dễ hiểu.

Đoàn Văn nghệ Việt Nam biểu diễn ở Nhật năm 1962.

Tôi không nhớ tác giả đã trao bài báo này trực tiếp cho tôi hay nhờ ai đó chuyển cho tôi (thời gian đó đang làm tòa soạn báo), rõ ràng là với ý muốn bài báo được đăng, nhưng rồi vì lý do nào đó, phải chăng là vì hoàn cảnh, vì tình hình chưa thuận lợi nên bài đã không được đăng và tác giả cũng không đòi lại, còn tôi thì bị dòng thời sự cuốn đi, quên mất.

Vì bài báo chưa từng được đăng, nay tôi xin mượn trang báo này của tạp chí Người Đô Thị để đăng kèm bài báo năm xưa về họa sĩ Loka của tác giả Thanh Tú (mà không may tôi không biết tên thật và cũng không biết làm cách nào để liên lạc), với mong ước nếu may mắn tác giả đọc được bài viết này, có thể liên hệ với tòa soạn tạp chí Người Đô Thị để sắp xếp một cuộc gặp hầu tôi có thể cảm ơn tác giả vì bài báo tâm huyết về một thời đã qua và những con người đã qua, mà may mắn tôi còn giữ được.

Lá thư cảm tạ của rạp Mikado Nhật Bản về buổi biểu diễn của Đoàn Văn nghệ Việt Nam.

Một thời đã và đang qua là thời mà người làm báo, viết báo chuyên nghiệp cũng như người cộng tác viết bài cho các báo như tác giả Thanh Tú luôn đau đáu với những con người, những số phận kém may mắn hơn trong xã hội và mong ước điều tốt đẹp hơn đến với họ. Thời mà sự tử tế luôn được đánh giá cao, cái thời ấy phải chăng đang lặng lẽ qua để nhường chỗ cho toàn những “âm thanh và cuồng nộ”?

Loka: Một họa sĩ bị lãng quên

Sắp tới tại Hà Nội sẽ tưng bừng mừng kỉ niệm 40 (năm) ngành sân khấu và có nhiều cuộc gặp gỡ, vui vẻ nhưng với ai kìa, với những nghệ sĩ, nghệ nhân còn đương chức, chứ còn “nghệ sĩ bị bỏ lại bên đời”… lại là nổi đau thầm lặng.

Có một lần tôi đọc 1 bài báo trên tờ TTCN (Tuổi Trẻ Chủ Nhật) của một tác giả viết về Hội An và đăng bức vẽ Hội An của họa sĩ LOKA. Tôi biết họa sĩ từ bức vẽ đó. Hôm khác tôi đến NVH Quận 5 xem triển lãm, tình cờ nghe họa sĩ Tốt mời một số họa sĩ khác đi thăm họa sĩ Loka nằm viện. Tôi vội vàng xin theo, mặc dù tôi chưa hề biết thân thế ông. Họa sĩ Loka vào nằm viện dưỡng lão với số tiền 60.000 đồng/ngày, quá đắt nhưng gia đình không thể bỏ rơi ông. Thấy vậy nhà thơ Kiên Giang lo làm thủ tục xin Hội Sân khấu cho ông được vào nằm viện miễn phí.

Họa sĩ Loka tên thật (là) La Doãn Hân, em trai của nhạc sĩ La Hối (tác giả nhạc phẩm Xuân và tuổi trẻ), anh nghệ sĩ La Thoại Tân. Ông sinh năm 1925 tại Hội An. Bước vào con đường hội họa bằng cách tự học, có 40 năm hoạt động trong ngành sân khấu - điện ảnh. Từ năm 1947 đến năm 1958 ông bắt đầu vẽ áp phích ciné cho các rạp hát: Ciné Nam Việt (Chợ Cũ), Văn Cầm (Nancy), Modern (Tân Định); Đại Nam, Thanh Bình... Từ năm 1959-1985 về vẽ cho sân khấu kịch - cải lương qua các đoàn Thúy Nga, Út Bạch Lan - Thành Được, Kim Chưởng, Thanh Minh - Thanh Nga, Minh Vương, Trăng Mùa Thu, Sao Ngàn Phương, Văn Công TP, Kim Cương, Bông Hồng, Hoàng Thi Thơ, Túy Hoa... và nhiều đoàn tỉnh. Năm 1990 vì tuổi già sức yếu ông đã trở về nhà ngồi bên giá vẽ, vẽ lại những bức tranh về phố cổ Hội An, bỏ lại bên đời những năm tháng “lãng tử”.

Hai trang viết tay bài báo của tác giả Thanh Tú về họa sĩ Loka.

Trên một tờ (số) báo Bút Thép năm 1964 có viết “La Doãn Hân là người đã đóng góp rất nhiều vào công cuộc đưa hội họa vào sân khấu ca kịch, từ năm 1954”. Ông đã có dịp đi Nhật, Hồng Kông để nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc hình thức trên sân khấu. Năm 1952 với vai trò họa sĩ thiết kế sân khấu cho “Đoàn Văn nghệ Việt Nam” do Hoàng Thi Thơ và nhạc sĩ Lê Thương phụ trách sang Nhật trình diễn đã để lại nhiều ấn tượng đẹp. Năm 1964 ông làm giám đốc kiến trúc sân khấu cho đoàn “Tiếng hát dân tộc”. Tôi tìm đến nhà thăm ông sau khi (ông) ra viện, người ông yếu lắm, tai lãng và ông đã kể lại với tôi “thật tình mà nói, hồi còn cầm cọ vẽ cho các đoàn có lắm lúc tôi cũng muốn bỏ nghề vẽ phông màn cho cải lương nhưng lời ca tiếng nhạc từ những bài vọng cổ cứ ám ảnh, tôi không bỏ được nghề. Giờ già rồi, ngồi nhà tôi buồn lắm”.

Làm họa sĩ thiết kế thời ông cũng lắm nhiêu khê, hồi đó nghệ sĩ hát còn kéo “micro” dây nên cảnh không được cao quá sẽ đụng dây, di chuyển thì khuôn vẽ quá 1m cũng bị phàn nàn. Ông tâm sự “có một lần ông bầu bảo tôi vẽ cảnh trí cho vĩ đại, tôi đồng ý nghe theo. Đoàn diễn xong đêm cuối, đổi bến hát phải để lại một nửa cảnh ở phòng vẽ còn mấy ông dọn cảnh thì la làng “ông vẽ cho to, cho nhiều rồi đi mà mướn tàu chở”.

Có một thời theo chân các đoàn hát dọc xuôi, xuôi dọc “lãng tử giang hồ”, thế mà giờ đây không một ai còn nhắc đến tên ông. Nhìn thấy nhiều nghệ sĩ “trẻ” được phong danh hiệu NSƯT mà chạnh lòng cho ông. Một thời say mê thiết kế, cách tân cho sân khấu nhưng lại bị đời lãng quên.

Thanh Tú

Đoàn Khắc Xuyên

________________

(*) Họa sĩ Loka (La Doãn Hân) qua đời ngày 24.4.2013 tại Rosemead, Hoa kỳ, hưởng thọ 88 tuổi
(**) Có thể tìm được trên mạng internet một số bài viết khác về họa sĩ Loka như:
- Họa sĩ Loka, một đời tâm huyết vì sân khấu cải lương (của soạn giả Nguyễn Phương) - cailuongvietnam.com; và https://www.thoibao.com/hoa-si-loka-mot-doi-tam-huyet-vi-san-khau-cai-luong
- Nhớ họa sĩ Loka, Tai Nạn Nghề Nghiệp trên sân khấu TMTN: Xão Thuật Khói, Lửa Trên Sân Khấu (soạn giả Nguyễn Phương) - cailuongvietnam.com

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/mot-cau-chuyen-nho-mot-ngay-da-qua-mot-thoi-dang-qua-40098.html