May gia công mang lại thu nhập ổn định

Để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là lao động (LĐ) nữ ở khu vực nông thôn, thời gian qua, trên địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An hình thành nhiều cơ sở may gia công. Những cơ sở này không những mang lại thu nhập mà còn thu hút nhiều LĐ nữ xa quê trở về làm việc.

Những cơ sở may gia công trên địa bàn huyện Bến Lức góp phần giải quyết việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho lao động nữ khu vực nông thôn

Với mong muốn phát triển kinh tế gia đình và hỗ trợ LĐ địa phương ổn định đời sống từ nghề may gia công giày dép nên sau khi tìm hiểu thị trường, năm 2022, anh Đặng Trần Chung (ấp 3, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức) huy động hơn 500 triệu đồng đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị để nhận may gia công sản phẩm giày dép của một số công ty trên địa bàn TP.HCM. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của anh Chung nhận gia công từ 5.000-6.000 sản phẩm giày dép. Thời gian cao điểm, cơ sở gia công gần 8.000 sản phẩm/tháng.

Anh Chung cho biết: “Hoàn thành một sản phẩm giày dép phải qua nhiều công đoạn nên cần nhiều LĐ. Người LĐ không biết may chỉ cần học khoảng 1 tuần là có thể may được. Tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng người may cũng phải khéo tay và tỉ mỉ để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng và thẩm mỹ. Nếu cố gắng, trung bình, mỗi người có thu nhập 4-6 triệu đồng/tháng”.

Sau gần 2 năm phát triển, cơ sở của anh Chung đã có thêm nhiều đơn hàng, quy mô sản xuất cũng mở rộng hơn 2,5 lần so với thời gian đầu. Do đó, năm 2023, anh thành lập Tổ hợp tác Gia công giày dép Trần Chung. Hiện cơ sở của anh tạo việc làm cho khoảng 30 LĐ với thu nhập bình quân từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Sau khi trừ các khoản chi phí, doanh thu bình quân của tổ hợp tác từ 30 triệu đồng/tháng trở lên.

Tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng người may cũng phải khéo tay và tỉ mỉ để tạo ra sản phẩm chất lượng và thẩm mỹ

Không chỉ giải quyết việc làm cho LĐ trên địa bàn mà cơ sở còn thu hút nhiều LĐ xa quê trở về làm việc. Chị Trần Thị Phượng (xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức) từng là công nhân tại TP.HCM. Cuộc sống xa nhà bấp bênh nên chị quyết định trở về quê xin việc làm ở xưởng may gia công. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, chị có thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng.

Chị Phượng chia sẻ: “Sau khi học nghề là tôi may được. Công việc phù hợp và ổn định nên hàng tháng, tôi có thu nhập kha khá. Cơ sở may cũng bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho mỗi công nhân; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để công nhân có thể vừa tham gia sản xuất tại xưởng, vừa có thời gian chăm sóc gia đình”.

Chị Nguyễn Thị Thương (ấp 5, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức) bộc bạch: “Con còn nhỏ nên trước nay tôi chỉ quanh quẩn ở nhà để chăm sóc, đưa đón con đến trường. Khi biết Tổ hợp tác Gia công giày dép Trần Chung tại ấp 3 tuyển thêm người, tôi xin vào làm. Từ chỗ vừa học, vừa làm với thu nhập vài chục ngàn đồng/ngày, hiện tại thu nhập bình quân của tôi dao động 3-4 triệu đồng/tháng”.

Những cơ sở may gia công trên địa bàn huyện đã góp phần giải quyết việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho LĐ nữ khu vực nông thôn, tạo điều kiện để người dân vươn lên thoát nghèo. Do đó, tại nhiều địa phương, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở may gia công được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh; đồng thời, phối hợp các đơn vị, đoàn thể địa phương mở các lớp dạy nghề nhằm tạo nguồn LĐ ổn định, có tay nghề cho các cơ sở, xưởng may trên địa bàn./.

V.Hằng - Lê Hạnh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/may-gia-cong-mang-lai-thu-nhap-on-dinh-a168259.html