'Mây đen' phủ bóng quan hệ EU - Thổ Nhĩ Kỳ

Mối quan hệ vốn không 'xuôi chèo mát mái' giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đối mặt nhiều thách thức khi khối này quyết định gia hạn lệnh trừng phạt đối với Ankara.

Mới đây, EU đã gia hạn thêm một năm các trừng phạt vốn được đưa ra từ tháng 10-2019 đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, EU cấm cấp thị thực và phong tỏa tài sản đối với các cá nhân liên quan đến hoạt động thăm dò khí đốt của Ankara ở Địa Trung Hải. Ngoài ra, các cá nhân và tổ chức ở EU cũng bị cấm cung cấp tiền cho những cá nhân thuộc diện trừng phạt. Theo AFP, Hội đồng châu Âu cho biết, lệnh trừng phạt này sẽ kéo dài đến ngày 12-11-2021. Diễn biến này cho thấy quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đang vô cùng căng thẳng.

Với trị trí chiến lược nằm giữa châu Âu và châu Á, Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác quan trọng của EU. Còn nhớ, tại Hội nghị thượng đỉnh EU hồi đầu tháng 10 vừa qua, sau nhiều giờ thảo luận, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định, EU mong muốn xây dựng quan hệ tích cực với Ankara. Tuy nhiên, bà Ursula von der Leyen cũng đưa ra thông báo về lập trường cứng rắn của EU khi tuyên bố khối này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt không khoan nhượng nếu Ankara có hành động khiêu khích ở Đông Địa Trung Hải.

Tàu nghiên cứu Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty Images

“Mây đen” bao phủ quan hệ giữa hai bên liên quan đến hoạt động thăm dò khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ tháng 8 năm nay, khi Ankara triển khai tàu nghiên cứu Oruc Reis tại Đông Địa Trung Hải. Hoạt động này là nguyên nhân gây tranh cãi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp-quốc gia thành viên EU. Trong khi Athens luôn khẳng định hoạt động của Ankara là bất hợp pháp thì Thổ Nhĩ Kỳ lại cho rằng nước này đang tiến hành thăm dò khí đốt trên vùng biển thuộc thềm lục địa của mình. Trước tình hình này, để bảo vệ Hy Lạp, EU đã đe dọa sẽ tung “cây gậy trừng phạt” trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục có các động thái làm leo thang căng thẳng. Bên cạnh đó, EU vẫn nỗ lực thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ dừng hoạt động thăm dò. Tháng 9 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã rút tàu Oruc Reis để mở đường cho các biện pháp ngoại giao trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU. Tưởng chừng như căng thẳng trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp có thể “hạ nhiệt” thì giữa tháng 10, Ankara lại thông báo đưa tàu Oruc Reis trở lại. Thêm vào đó, bất chấp sự phản đối của nhiều nước EU, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định sẽ tiếp tục hoạt động thăm dò cho tới ngày 14-11 tới.

Bước đi của Ankara được đánh giá là “đổ thêm dầu vào lửa” vào mối quan hệ vốn không hề yên ả với EU lâu nay. Theo Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh kiêm Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell, hành động này của Anrara tiếp tục gây thêm căng thẳng với EU, đặc biệt là trong bối cảnh khối này nỗ lực liên tục ở tất cả các cấp nhằm tạo không gian đối thoại. “Đối thoại một cách thiện chí và kiềm chế các hành động đơn phương là những yếu tố cần thiết để đạt được sự ổn định ở Đông Địa Trung Hải cũng như phát triển mối quan hệ hợp tác giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ", ông Josep Borrell nhấn mạnh.

Căng thẳng EU-Thổ Nhĩ Kỳ leo thang cũng đồng nghĩa với con đường gia nhập “ngôi nhà chung” châu Âu của Ankara trở nên khó khăn hơn. Sau khi nộp đơn xin gia nhập EU vào năm 1987, năm 1999, Thổ Nhĩ Kỳ mới được công nhận tư cách ứng cử viên. Và Ankara phải chờ đến năm 2015 để bắt đầu tiến trình đàm phán gia nhập EU. Từ đó cho đến nay, các cuộc đàm phán về vấn đề này gần như giẫm chân tại chỗ bởi giữa hai bên vẫn còn tồn tại nhiều mâu thuẫn. Người phát ngôn Hội đồng châu Âu Peter Stano cho biết, EU mong đợi một sự thay đổi trong hành động và tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ từ nay cho đến cuối năm. Theo kế hoạch, trong tháng 12 tới, lãnh đạo các quốc gia thành viên EU sẽ lại họp bàn để đánh giá các tiến triển từ phía Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến tiến trình gia nhập khối của nước này.

Việc EU quyết định gia hạn các lệnh trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nước này kéo dài thời gian triển khai tàu Oruc Reis như một lời cảnh cáo đanh thép rằng Ankara cần cẩn trọng trong hành động của mình. Bởi lẽ, dù cần quan hệ hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt trong việc ngăn chặn làn sóng di cư vào châu Âu nhưng EU vẫn đặt lợi ích toàn khối và tình đoàn kết với các nước thành viên là ưu tiên hàng đầu.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/may-den-phu-bong-quan-he-eu-tho-nhi-ky-643317