Tân Thủ tướng Lawrence Wong sẽ chèo lái 'con tàu kinh tế' Singapore như thế nào?

Thuộc nhóm lãnh đạo 4G - thế hệ chính trị gia mới, tân Thủ tướng Lawrence Wong sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trước mắt để chèo lái 'con tàu kinh tế' Singapore đi đúng hướng.

Tối 15/5, ông Lawrence Wong, 51 tuổi tuyên thệ nhậm chức với tư cách là Thủ tướng thứ tư của Singapore - hoàn thành quá trình chuyển giao quyền lực được chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo tính liên tục tại quốc đảo giàu có này.

Ông Wong là người kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long - người đã đảm nhiệm chức vụ này từ tháng 8/2004, thuộc nhóm lãnh đạo 4G, nghĩa là thế hệ chính trị gia mới, được đảng Hành động nhân dân (PAP) - đảng cầm quyền lâu đời ở Singapore lựa chọn để nắm quyền điều hành trung tâm tài chính và thương mại chủ chốt của châu Á.

Theo hãng tin Bloomberg, ông Wong, người từng tốt nghiệp Đại học Harvard (Mũ) sẽ phải bắt tay vào xử lý một loạt vấn đề, gồm chi phí sinh hoạt tăng cao, rủi ro địa chính trị ngày càng lớn và ảnh hưởng của một vụ bê bối làm suy giảm hình ảnh của đảng cầm quyền.

Tân Thủ tướng Lawrence Wong cho rằng, Singapore đang bước vào một giai đoạn phát triển mới đúng vào thời điểm một trật tự toàn cầu mới. (Nguồn: Strait Times)

Tân Thủ tướng Lawrence Wong cho rằng, Singapore đang bước vào một giai đoạn phát triển mới đúng vào thời điểm một trật tự toàn cầu mới. (Nguồn: Strait Times)

Những thách thức chưa từng có

Nydia Ngiow, Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn kinh doanh BowerGroupAsia ở Singapore, cho biết ông Wong sẽ phải “đối mặt với thách thức chưa từng có trong việc điều hướng đất nước giữa bối cảnh không ngừng biến động, với lực lượng cử tri đa dạng hơn và kỳ vọng ngày càng cao về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình”. Động lực phát triển có thể “phá vỡ những kế hoạch từng được sắp xếp hợp lý nhất”.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc – hai đối tác quan trọng của quốc đảo này – vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, trong khi các cuộc xung đột ở Trung Đông và Ukraine đang tác động mạnh đến nền kinh tế chủ yếu dựa trên thương mại và gây nhiều ảnh hưởng đáng kể đối với một quốc gia có nền văn hóa đa dạng về sắc tộc và tôn giáo như Singapore.

Ông Lawrence Wong – người từng là thư ký riêng của Thủ tướng Lý Hiển Long trước khi trở thành Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính – đã thừa nhận những thách thức mà ông đang phải đối mặt, cũng như những “món nợ” của ông với những người tiền nhiệm đã đưa Singapore từ một tiền đồn thương mại trở thành trung tâm tài chính công nghệ cao, cạnh tranh với Hong Kong (Trung Quốc) và Dubai.

“Tôi đứng trên vai những người khổng lồ”, ông nói trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây.

Với chi phí sinh hoạt được coi là mối quan tâm hàng đầu của người dân Singapore, tân Thủ tướng Wong đã cam kết tăng cường mạng lưới an toàn và các chương trình đào tạo lại kỹ năng như một phần của chiến lược quốc gia tập trung vào bất bình đẳng thu nhập và tài sản.

Ông Wong cũng đề xuất ngân sách khoảng 5 tỷ SGD (3,7 tỷ USD) cho các biện pháp hỗ trợ lương, miễn thuế trong năm nay.

Tiếp đến là vấn đề lao động nước ngoài. Dưới nhiệm kỳ của Thủ tướng Lý Hiển Long, dân số không cư trú dài hạn ở Singapore đã tăng vọt 135%, dẫn tới sự bất bình đối với lao động nước ngoài và khiến đảng PAP phải chứng kiến tỷ lệ ủng hộ của cử tri giảm rõ rệt.

Để giải quyết những lo ngại đó, chính phủ Singapore đã tăng mức lương tối thiểu cho người nước ngoài đủ tiêu chuẩn, đồng thời thực hiện mô hình tín dụng tiền lương lũy tiến cho những người lao động được trả lương thấp hơn.

Tamara Henderson, nhà kinh tế chuyên khu vực Đông Nam Á tại Bloomberg Economics, cho biết chính phủ của đảo quốc này cũng đang tìm cách giữ giá nhà ở mức phải chăng, đề cập các khoản trợ cấp và điều chỉnh thuế trước bạ bất động sản. Đồng thời, Singapore cũng đang thúc đẩy việc xây dựng các dự án căn hộ vốn nhà nước và tư nhân.

“Chính phủ của ông Wong có thể sẽ tiếp tục, nếu không muốn nói là mở rộng, những sáng kiến này. Nhưng rủi ro kinh tế lớn nhất mà Singapore sẽ phải đối mặt trong những năm tới là những thách thức đến từ bên ngoài, xuất phát từ quá trình phi toàn cầu hóa và sự nóng lên của khí hậu toàn cầu”, bà Henderson nhận định.

Giai đoạn phát triển mới

Trong cuộc phỏng vấn kéo dài một giờ với The Business Times trước lễ nhậm chức Thủ tướng ngày 15/5, nhà lãnh đạo thế hệ thứ tư của Singapore đã chia sẻ tầm nhìn về tương lai của đất nước.

Theo ông Wong, Singapore đang bước vào một giai đoạn phát triển mới đúng vào thời điểm một trật tự toàn cầu mới - “có thể sẽ rất lộn xộn và khó đoán” – đang hình thành. Xu hướng chủ nghĩa bảo hộ gia tăng có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Singapore, nhưng điều đáng mừng là vẫn còn nhiều cơ hội ở châu Á, “nơi sẽ là trung tâm của nền kinh tế toàn cầu”.

Đặc biệt, ASEAN đang hấp dẫn các công ty đa quốc gia muốn gia tăng sự hiện diện ở châu Á và đa dạng hóa thị trường ngoài Trung Quốc.

Singapore hiện là quốc gia ở trình độ phát triển cao và được xếp hạng khá tốt trong nhiều lĩnh vực. (Nguồn: Bloomberg)

Singapore hiện là quốc gia ở trình độ phát triển cao và được xếp hạng khá tốt trong nhiều lĩnh vực. (Nguồn: Bloomberg)

Và nếu Singapore có những bước đi đúng đắn, đảo quốc sư tử có thể “tiếp tục phát triển và vượt trội ngay cả trong một thế giới đen tối và đầy khó khăn” – ông Wong nhận định.

Ông Donald Low, một đồng nghiệp cũ và hiện là chuyên gia về chính sách công tại Đại học Khoa học công nghệ Hong Kong (Trung Quốc), đánh giá ông Wong là người “khá bảo thủ” và “thích thay đổi từng bước hơn là thay đổi triệt để”.

Vì thế, ông Low cho rằng, sau khi trở thành Thủ tướng Singapore, ông Wong sẽ không tạo ra khác biệt quá lớn, mà sẽ thực hiện thay đổi liên tục.

Thủ tướng tiếp theo của Singapore cũng sẽ phải nỗ lực để giúp người dân đạt được ước mơ của một nền kinh tế tiên tiến đã vượt xa mô hình cũ.

“Singapore giờ đã đi đầu về phát triển và sẽ phải tự vạch ra con đường cho tương lai của mình”, ông Low nói.

Cá nhân ông Lawrence Wong cũng lưu ý, rất khó để tìm ra một chuẩn mực duy nhất cho giai đoạn tăng trưởng mới vì nền kinh tế Singapore đã đạt đến mức phát triển cao.

Về tốc độ tăng trưởng kinh tế, Singapore hiện là quốc gia ở trình độ phát triển cao và được xếp hạng khá tốt trong nhiều lĩnh vực như nhà ở, y tế, giáo dục, giao thông…

Theo dữ liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), thu nhập bình quân đầu người của Singapore đã tăng lên khoảng 105.000 USD vào năm 2023, đưa đảo quốc sư tử trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới.

Đất nước thuộc khu vực Đông Nam Á này cũng sở hữu hệ thống giao thông công cộng rộng lớn, hiệu quả, tỷ lệ người dân có nhà 89,7% và nằm trong danh sách “Blue Zones” – những quốc gia có tuổi thọ cao và khỏe mạnh nhất hành tinh.

“Trong giai đoạn mới này, đất nước chúng ta đang ở trong vùng lãnh thổ chưa được khám phá. Chúng ta phải tìm ra con đường phía trước, phải học hỏi từ những điều tốt nhất, những phương pháp hay nhất, khai phá những lĩnh vực mới. Chúng ta cũng phải tìm ra những giải pháp mới cho những vấn đề và thách thức của mình”, ông Wong khẳng định.

(theo Strait Times, The Business Times, Bloomberg)

An Nguy

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tan-thu-tuong-lawrence-wong-se-cheo-lai-con-tau-kinh-te-singapore-nhu-the-nao-271423.html