Mang Yang: Tự tin vào năm 2022

Năm 2021, huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đã hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu về kinh tế-xã hội. Đây là động lực quan trọng để huyện tự tin bước vào năm mới.

Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt

Ông Lê Trọng-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang-cho biết: Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của năm 2021, UBND huyện đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế-xã hội, vừa phòng-chống dịch Covid-19.

Xác định nông nghiệp là lĩnh vực kinh tế chủ yếu, huyện đã tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh để đẩy mạnh phát triển sản xuất; tích cực thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp. Năm 2021, bà con nông dân gieo trồng được 11.569/10.548 ha, đạt 109,7% kế hoạch, tăng 4,5% so với năm 2020. Đến nay, toàn huyện đã trồng 1.005 ha cây ăn quả, đạt 452,7% kế hoạch và 134,5 ha cây dược liệu, đạt 141,47% kế hoạch. Bên cạnh đó, huyện cũng đã trồng 263.654 cây phân tán, vượt 229,5% chỉ tiêu kế hoạch và 102,57 ha rừng tập trung, vượt 205,14% kế hoạch tỉnh giao. Trong năm, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung nguồn lực để xây dựng nông thôn mới.

Anh Trần Đức Tiến (xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) trồng chanh dây theo quy trình đảm bảo an toàn. Ảnh: Phan Lài

Huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất. Tính đến ngày 15-11-2021, toàn huyện đã thành lập mới 9 doanh nghiệp và 4 hợp tác xã. Toàn huyện có 91 doanh nghiệp và 18 hợp tác xã đang hoạt động. Công tác thu hút đầu tư được chú trọng, 4 doanh nghiệp đề xuất nghiên cứu xây dựng nhà máy tại Khu Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp huyện; thu hút 5 doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu xây dựng dự án trang trại nuôi heo; 3 nhà đầu tư đề xuất dự án trồng rừng và cây dược liệu; 1 doanh nghiệp khảo sát, nghiên cứu dự án bến xe khách trung tâm huyện.

Đi đôi với phát triển kinh tế, huyện cũng dành sự quan tâm, đầu tư phát triển văn hóa-xã hội. Chất lượng giáo dục-đào tạo không ngừng nâng cao. Toàn huyện có 22/39 trường học đạt chuẩn quốc gia. Công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất dạy và học được chú trọng. Các cơ sở y tế nâng cao năng lực khám-chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Công tác phòng-chống dịch Covid-19 được triển khai quyết liệt đi đôi thực hiện đầy đủ công tác an sinh xã hội.

Trong năm, 103 hộ dân di cư tự do tại làng Dơ Nâu (xã Kon Thụp) đã được bố trí về khu tái định cư. Song song với đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững. Tội phạm hình sự được kéo giảm, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chuyển biến tích cực.

Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm 2022

Trong năm 2022, huyện phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất 9,8%, trong đó, nông-lâm nghiệp-thủy sản tăng 8,34%, công nghiệp-xây dựng tăng 8,54%, dịch vụ tăng 13,31%. Huyện phấn đấu tăng thu nhập bình quân đầu người đạt 46,2 triệu đồng/năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 25,7 tỷ đồng.

Ông Lê Trọng-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang: Trong năm 2022, các cơ quan, ban ngành, địa phương nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế trong năm cũ, khai thác tối đa thế mạnh của địa phương, tiếp tục huy động các nguồn lực cho phát triển nông-công nghiệp. Trên cơ sở điều kiện tự nhiên và lợi thế về giao thông, tập trung phát triển ngành thương mại, dịch vụ và du lịch với sự tham gia của các thành phần kinh tế, đa dạng các loại hình phân phối… đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và phục vụ đời sống, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn tiến tới giảm nghèo bền vững.

Để đạt mục tiêu đề ra, huyện tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp. Triển khai các mô hình sản xuất tập trung, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích các mô hình sản xuất phù hợp với vùng dân tộc thiểu số. Áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản; chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học vào chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm; chú trọng mô hình trang trại chăn nuôi công nghệ cao.

Một góc thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang). Ảnh: Phan Lài

Giảm nghèo là một mục tiêu lớn của huyện trong năm 2022 với mức giảm hơn 2% hộ nghèo. Để thực hiện mục tiêu này, công tác chăm lo phát triển kinh tế-xã hội các làng khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số được ưu tiên. Theo đó, huyện đẩy mạnh áp dụng các mô hình, tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất... góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới, phấn đấu cuối năm 2022 có 3 làng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh đó, huyện chủ động thực hiện các biện pháp phát triển các chuỗi giá trị, sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, tăng thêm 10-15 sản phẩm OCOP. Tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp huyện, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, dược liệu… Thu hút các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án phát triển công nghiệp chế biến nông-lâm sản, đầu tư vào những ngành, lĩnh vực thế mạnh của huyện để khai thác hiệu quả tiềm năng, tăng thu ngân sách địa phương.

Đối với lĩnh vực văn hóa-xã hội, huyện tiếp tục đổi mới công tác giáo dục-đào tạo, nâng cao chất lượng dạy và học. Tăng cường đào tạo nghề, thu hút lao động nông thôn tham gia học nghề, lựa chọn nghề phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương. Từng bước hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, tăng cường đầu tư trang-thiết bị, cơ sở hạ tầng cũng như nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ y-bác sĩ. Lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường quốc phòng-an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, thực hiện có hiệu quả 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

PHAN LÀI

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12525/202202/mang-yang-tu-tin-vao-nam-2022-5765378/