Mandalay: Bước chuyển mình của thành phố hoàng gia

Cho đến nay, cố đô Mandalay đang nỗ lực thoát khỏi 'bóng ma' quá khứ và hướng đến mục tiêu trở thành một trụ cột về kinh tế và văn hóa của Myanmar thông qua việc áp dụng mô hình thành phố thông minh.

Mandalay đang hướng đến mục tiêu trở thành thành phố thông minh đầu tiên của Myanmar. Ảnh: Reuters

Nằm nép mình bên bờ sông Ayeyarwady êm đềm và thơ mộng, “thành phố của những viên ngọc” Mandalay là nơi từng chứng kiến chương hỗn loạn nhất trong lịch sử 162 năm của Myanmar khi vương triều cuối cùng Konbaung sụp đổ và sau đó hàng thập kỷ Myanmar trở thành thuộc địa của Đế quốc Anh.

Cho đến nay, cố đô Mandalay đang nỗ lực thoát khỏi “bóng ma” quá khứ và hướng đến mục tiêu trở thành một trụ cột về kinh tế và văn hóa của Myanmar thông qua việc áp dụng mô hình thành phố thông minh lần đầu tiên tại quốc gia Đông Nam Á.

* Thành phố của công nghệ

Vào tháng 4/2018, Singapore - khi đó là nước giữ chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đề xuất thành lập một mạng lưới gồm 26 "thành phố thông minh", sử dụng công nghệ để giải quyết một số thách thức được tạo ra trong quá trình đô thị hóa.

Vào thời điểm đó, có ba thành phố của Myanmar đã được lựa chọn, nhưng Mandalay - ở vị trí trung tâm của đất nước là thành phố đã nỗ lực nhiều nhất.

Ở một quốc gia nơi giới quan chức vẫn chủ yếu làm việc một cách rất thủ công với giấy bút và mực, Mandalay đã chọn cho mình một lối đi riêng bằng cách sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội và những tiến bộ công nghệ mới, như phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) và máy bay không người lái để “tân trang” lại bộ máy chính quyền từng được coi là rất quan liêu của mình.

Trước năm 2011 khi Myanmar chính thức chuyển đổi sang nền dân chủ, người dân ở Mandalay chưa bao giờ có cơ hội được liên hệ trực tiếp với chính quyền cai trị của mình. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi.

Giờ đây, thay vì chỉ nhìn thấy các đoàn xe từ xa, người dân đã có thể trao đổi trực tiếp cùng với Thị trưởng Ye Lwin trên Facebook cũng như tận hưởng các dịch vụ thanh toán khi mua sắm bằng mã QR - điều thậm chí còn chưa được áp dụng tại “thủ đô” về thương mại Yangon.

Bên cạnh đó, để đảm bảo vệ sinh môi trường, các cơ quan chức năng tại Mandalay còn theo dõi tiến trình xử lý rác bằng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và thực hiện kiểm soát phân luồng giao thông bằng hệ thống cảm biến từ xa.

Sự thay đổi nhanh chóng của Mandalay đã nhận được vô số lời khen trên các phương tiện truyền thông trong nước cũng như các công dân người Myanmar ở nước ngoài.

Thậm chí, giới chuyên gia còn cho rằng mô hình này có thể được áp dụng trên diện rộng nhằm giúp Myanmar, sau hơn nửa thế kỷ bị cô lập từng bước “chuyển mình” và thâm nhập sâu hơn nữa vào thế giới công nghệ vốn đang phát triển từng ngày.

Các chuyên gia cho rằng Thị trưởng Ye Lwin của Mandalay, một cựu bác sĩ phẫu thuật mắt đã trở thành chính trị gia và là người đầu tiên được Chính phủ dân sự bổ nhiệm sau cuộc bầu cử năm 2015, đã góp công lớn trong việc mang lại cho thành phố này một bộ mặt mới.

Ông là người tiên phong sử dụng trang Facebook cá nhân để giao tiếp với người dân, bên cạnh việc gắn thẻ thông báo (tag) cho các cấp dưới khi ban hành chỉ thị.

Ye Myat Thu, một chuyên gia về công nghệ thông tin thuộc Ủy ban Phát triển Thành phố Mandalay, chia sẻ: "Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một thành phố không gây hại cho môi trường, một thành phố đáng sống với nền tảng kinh tế tốt và môi trường thân thiện". Chuyên gia này khẳng định: "Chúng tôi sẽ làm được điều đó bằng cách sử dụng công nghệ".

Cũng theo Ye Myat Thu, phần lớn các phương án cải cách của Mandalay được thực hiện từ tiền thu thuế.

Các nhà chức trách đã thực hiện một cuộc khảo sát số tại thành phố này, trong đó họ sử dụng hình ảnh 3D được quay bởi máy bay không người lái và dữ liệu thu được từ các thiết bị GPS để thu về một bức tranh toàn cảnh thông tin về các hộ gia đình và doanh nghiệp phải nộp thuế tài sản.

Một phần tiền thu về sẽ được dùng để chi trả cho một hệ thống và thiết bị kiểm soát giao thông do Australia sản xuất. Hệ thống này cho phép hóa đơn tiền điện tự động hiển thị trên máy theo dõi chỉ bằng việc đi bộ qua các ngôi nhà, thay vì phải kiểm tra từng máy đo.

Bên trong trung tâm điều khiển, các nhân viên giao thông sẽ theo dõi những con đường tắc nghẽn nhất trên 13 màn hình. Thiết bị cảm biến được cài đặt trong camera quan sát sẽ phát hiện những nơi xảy ra tình trạng tắc nghẽn và điều chỉnh trình tự đèn giao thông cho phù hợp, chuyên gia Ye Myat Thu giải thích.

* Những mặt trái

Cũng như ở nhiều quốc gia khác, những nỗ lực nhằm mang đến sự thay đổi cho Mandalay đang gặp phải không ít chỉ trích, không chỉ từ góc nhìn của bộ máy quan liêu mà còn từ quan điểm của các nhà hoạt động xã hội. Họ lo ngại rằng một khi các công nghệ thông minh được triển khai thì họ sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn.

Trong những tuần gần đây, đáng chú ý hơn cả là phản ứng dữ dội của người dân đối với thỏa thuận được đề xuất giữa Chính quyền Mandalay và “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Huawei nhằm cung cấp camera quan sát được trang bị công nghệ nhận dạng khuôn mặt và các thiết bị an ninh khác, như một phần của dự án "thành phố an toàn" trị giá 1,24 triệu USD mà Mandalay đang theo đuổi.

Động thái này từ phía Mandalay được đưa ra bất chấp việc Washington trước đó đã yêu cầu các đồng minh không sử dụng công nghệ của Huawei để đề phòng khả năng bị gián điệp theo dõi.

Nyi Kyaw, một nhà hoạt động thuộc tổ chức phi lợi nhuận Metta có trụ sở tại Mandalay, cho biết trước đây các nhà chức trách vốn đã luôn theo dõi chặt chẽ hoạt động của người dân, song tính năng nhận dạng khuôn mặt có thể bị lạm dụng. Chuyên gia này nói: "Nếu hệ thống này được áp dụng, các nhà hoạt động xã hội và hoạt động chính trị có thể sẽ bị theo dõi thay vì tội phạm"./.

Phương Nga/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/mandalay-buoc-chuyen-minh-cua-thanh-pho-hoang-gia/131717.html