Luật giao thông thủy thời xưa

Ít người biết, từ cách đây cả trên 350 năm, các phương tiện giao thông trên đường thủy tại Nam Bộ đã phải tuân thủ… luật giao thông.

Ảnh minh họa ITN.

Sách “Gia Định thành thông chí” do danh sĩ đầu triều Nguyễn là Trịnh Hoài Đức viết: Ở Sài Gòn, ghe thuyền đi đi lại lại trên sông rạch, thường đụng chạm nhau và thường sinh ra kiện cáo nhau. Cho nên quan trấn thủ là Nguyễn Cư Trinh đã đưa ra luật lệ: Phàm ghe thuyền đi bất luận gió nước thuận hay nghịch, khi đi gần gặp nhau thì đều phải hô là “bát” (đi phía tay mặt - tay phải). Ghe này đi qua phía mặt, ghe kia cũng phải đi phía mặt”, để cho “thuận lái thuận sào” để điều khiển mà tránh nhau.

Nguyễn Cư Trinh từng được chúa Nguyễn Phúc Khoát cử vào Nam Bộ làm tham mưu cho cuộc chinh phục Chân Lạp cuối những năm 1750. Đến năm 1765, ông được triệu về Kinh nhận trách nhiệm tại bộ Lại trong chính quyền chúa Nguyễn.

Khi ông mất năm 1768, sử nhà Nguyễn chép về ông như sau: “Cư Trinh là người có cơ trí mưu lược, giỏi quyết đoán, phàm có kiến nghị tâu bày đều là nói ngay bàn thẳng. Trong khi tham dự việc quân ở miền Nam, 11 năm mở mang đất đai, giữ yên biên giới, công lao danh vọng rỡ ràng. Lại giỏi văn chương, ưa ngâm vịnh, khi ở Gia Định, cùng với Tổng binh Hà Tiên Mạc Thiên Tứ thường lấy thơ văn tặng nhau, có tập Hà Tiên thập vịnh lưu hành”.

Theo “luật giao thông đường thủy” mà Nguyễn Cư Trinh ban hành thời đó, thì: Nếu ghe này đã hô “bát” mà ghe kia không tránh còn đi tới phía trái để đụng chạm nhau hư hỏng, thì ghe không tránh bị lỗi. Trong trường hợp kiện tụng mà chưa chịu thua, thì phải xem xét ghe nào chở nhẹ hơn và thuận dòng nước mà chạy mau đụng phải ghe kia thì ghe ấy bị lỗi. Tục thường ghe đi phía trái gọi là “cạy”, còn đi phía mặt là “bát”, cho nên, người đi thuyền ghe muốn bảo nhau đi tránh, thì chỉ hô tiếng “bát” là được.

Sang đến thời vua Minh Mạng, thì ghe thuyền các tỉnh miền Nam cũng phải có giấy tờ mới được lưu thông sang xứ khác. Theo bộ sử “Đại Nam thực lục”, năm Minh Mạng thứ 15 (1834), Bố chính An Giang là Đặng Văn Bằng tâu lên vua kêu về việc nhiều người dân sông nước hay dịch chuyển, khó khăn trong việc bắt lính và sai phái tạp dịch như dân sống ở làng xóm.

Chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng). Ảnh minh họa.

Việc này được vua giao xuống cho đình thần bàn. Họ cho rằng: “Các tỉnh ở Nam kỳ, đường thủy nhiều ngả, dân sinh sống bằng nghề ở thuyền, nay ở chỗ này, mai ở chỗ khác, dời đổi thất thường, không những một hạt An Giang mới thế đâu. Vậy xin hạ lệnh cho các tỉnh: Những thuyền bè của nhà dân, nếu đi lại hay đi buôn ở tỉnh hạt mình, thì không phải cấp giấy “bằng chiếu”; nếu đi sang hạt khác, từ 2 ngày trở xuống, thì cho đi lại tự nhiên.

Nếu đi từ 3 ngày đến hàng tuần, thì tổng lý phải xét thực cấp giấy; đi từ 10 ngày trở lên, thì phủ huyện cấp giấy, hạn đi không quá 3 tháng. Mãn hạn rồi phải đổi giấy khác. Các dân xã ven sông sở tại thình lình kiểm tra, thấy ai làm mạo giấy tờ hay quá hạn trái phép thì bắt giải lên quan. Còn ai tự tiện cấp giấy “bằng chiếu” hoặc đáng được xét hỏi mà lại sách nhiễu, ăn hối lộ, dung túng, thì bị xử tội theo luật.

Miền Nam sông nước nhiều, nên cũng có nhiều bến đò. Do đó, năm Minh Mạng thứ 16 (1835), vua xuống dụ rằng: “Phàm những nơi có bến đò thì cho lấy người ở nơi cận tiện sung làm lái đò: Sông lớn 20 người, sông vừa 10 người, sông nhỏ 6 người, cho miễn hết các tạp dịch. Ra lệnh cho đóng thuyền bè, đêm ngày ứng trực, gặp có nhân viên do nhà nước phái đi và việc chuyển đệ văn thư thì lập tức tiếp ứng chở đi. Còn nhân dân đi lại, cho liệu lấy tiền đò, nhưng không được quá nhiều, do các Tổng đốc, Tuần phủ ra yết thị đặt làm lệ”.

Một ghi chép khác trong sử sách cũng cho biết thuyền ghe ở Nam Bộ thời Nguyễn cũng phải có thẻ “đăng ký” gắn trên thuyền để kiểm soát. Đó là theo lời tâu năm 1836 của hai vị Nam Kỳ kinh lược sứ là Trương Minh Giảng, Trương Đăng Quế rằng: “Lần trước trong tập thỉnh an của Bố chính Vĩnh Long Trương Văn Uyển và Bố chính Định Tường Trần Tuyên đều nói: Đất sáu tỉnh Nam Kỳ nhiều đường sông, mọi người đều có thuyền, dân lười biếng trốn tránh việc đi lính và lao dịch, côn đồ nhân sơ hở, mò mẫm đều do đấy. Vậy xin: Phàm tất cả thuyền bè mới cũ của dân đều cho trình sở tại để cấp bài chí (tấm thẻ bài) cắm ở mũi thuyền, hoặc là khắc chữ (ghi khắc tên xã, thôn) ở mũi thuyền”.

Và sau khi đã có biện pháp quản lý phương tiện, hai vị kinh lược cũng đề xuất đặt ra biện pháp để giám sát, đó là đặt các đồn xích hậu (tuần tra dò thám - như Cảnh sát giao thông đường thủy ngày nay). Ở những nơi giáp giới giữa sáu tỉnh Nam kỳ, chọn chỗ xung yếu, dựng một sở tuần tấn, phái lính phòng giữ. Phàm thuyền dân qua lại, xét đủ tờ bằng chiếu mới cho đi. Lại ở các xã thôn ven sông, liệu chỗ đặt đồn xích hậu, kiểm soát thình lình hễ thuyền nào không có bằng chiếu thì bắt giải tỉnh để trừng trị.

Cuối cùng, hai ông cũng đề ra quy định về việc các thuyền của mỗi tỉnh Nam kỳ sơn màu khác nhau để dễ phân biệt, trong đó tỉnh Gia Định đầu thuyền sơn toàn màu đỏ, Biên Hòa là kiêm hạt của Gia Định cũng sơn đỏ, ngoài viền màu đen. Tỉnh Vĩnh Long, mũi thuyền sơn toàn màu đen;

Định Tường là kiêm hạt cũng sơn đen, ngoài viền màu hồng. Trấn Tây và An Giang mũi thuyền sơn toàn màu lục; Hà Tiên là kiêm hạt cũng sơn màu lục, ngoài viền màu đỏ. Kẻ nào sơn giả mạo, sẽ trị tội nặng. Mục đích của việc sơn thuyền là để “Dân trốn tránh không còn chỗ nào để dung thân; mà côn đồ giặc cướp cũng không còn chỗ ẩn núp”. Các lời bàn này đều được vua Minh Mạng chuẩn y, cho thi hành ngay.

Lê Tiên Long

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/luat-giao-thong-thuy-thoi-xua-post648911.html