'Lửa nghề'

BHG - Hoạt động tại địa bàn rộng, giao thông khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, trách nhiệm xã hội cao, phải hội tụ đủ thể lực, trí tuệ và tinh thần dũng cảm, dám dấn thân và theo đuổi đề tài đến cùng; niềm đam mê với nghề đã giúp các nhà báo nơi cực Bắc vượt qua tất cả, dâng đời những “đóa hoa” thơm.

Nhà báo Biện Luân, Báo Hà Giang với người dân xã Quảng Ngần (Vị Xuyên). Ảnh: PV

Báo chí cách mạng là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, diễn đàn thể hiện tâm tư, ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, tuyến đầu đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ nhân dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”; bởi thế, không có một một mặt trận quan trọng nào, không có nơi nguy hiểm nào không in dấu chân của đội ngũ phóng viên. Họ chấp nhận rủi ro, lao vào các điểm nóng tiêu cực, tệ nạn xã hội, vùng tâm dịch hay nơi thiên tai nguy hiểm để phản ánh thông tin đến công chúng một cách chân thực, khách quan, nhanh nhất. Nhà báo Phạm Văn Bính, Đài PT-TH tỉnh chia sẻ: “Những chuyến công tác đi về nơi đang xảy ra thiên tai, mưa lũ rất nguy hiểm và vất vả, nhưng với trách nhiệm của người làm báo, đam mê với nghề mình chọn, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục lên đường, dấn thân, đưa thông tin kịp thời, nhanh nhạy, chính xác nhất đến với khán giả”.

Nhà báo Biện Luân, Báo Hà Giang là một trong những phóng viên nữ dám dấn thân với nghề. Sinh ra và lớn lên tại vùng quê Nghệ An, sau khi tốt nghiệp Đại học báo chí, thay vì lựa chọn những nơi có điều kiện làm việc thuận lợi hơn, chị chọn lên Hà Giang để lập nghiệp, bởi với chị, môi trường làm việc càng khó khăn, khắc nghiệt, càng rèn cho mình bản lĩnh. Hơn 10 năm tuổi nghề, khoảng thời gian chưa dài nhưng đôi chân của chị đã in dấu tại nhiều bản làng xa xôi nhất của tỉnh. Qua ngòi bút sắc sảo, uyển chuyển, tinh tế của chị, đời sống người dân vùng đồng bào các dân tộc hiện lên sinh động, chân thực, gần gũi. Đặc biệt, trong đại dịch Covid - 19 hay thời điểm thiên tai, mưa lũ diễn biến phức tạp, chị luôn tiên phong lao vào tâm dịch, đi về nơi người dân đang gồng mình chống chọi thiên tai để phản ánh thông tin một cách đầy đủ, kịp thời nhất. Nhiều bài báo của chị vinh dự nhận các giải thưởng cao tại Giải Báo chí tỉnh nhà.

Phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tác nghiệp tại vùng sông nước xã Thượng Tân (Bắc Mê).

Đại dịch Covid -19 xảy ra trong thời gian qua tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong khi mọi hoạt động KT – XH đều chậm lại thì guồng quay của báo chí lại nhiều hơn, nhanh hơn, rộng hơn. Với vai trò tiên phong trên mặt trận tuyên truyền, trong điều kiện tác nghiệp khắt khe về khoảng cách để đảm bảo công tác phòng, chống dịch và nguy hiểm vì nguy cơ lây nhiễm cao nhưng các phóng viên luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, năng động, vận dụng linh hoạt, hiệu quả các loại hình báo chí đa phương tiện, công nghệ số chuyển tải thông tin hiệu quả.

Để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống một cách sinh động, hấp dẫn, không khô cứng, ngoài việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, các phóng viên luôn bám sát cơ sở, phản ánh kịp thời những cách làm hay, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nghị quyết; đấu tranh phê phán những việc tiêu cực, biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xa rời nghị quyết, đề xuất, kiến nghị với cơ quan chức năng nhiều giải pháp quan trọng.

Khai thác mảng đề tài “nóng”, xoáy sâu vào những bất cập của xã hội, có khi bị đe dọa, dụ dỗ nhưng bản lĩnh giúp các nhà báo vững tâm vượt qua sợ hãi, cám dỗ, quyết tâm theo đuổi đề tài đến cùng để có những tác phẩm báo chí phản ánh rõ nét những vấn đề bất cập mà xã hội quan tâm. Các nhà báo: Tuấn Quỳnh, Văn Hương (Đài PT-TH tỉnh), Duy Tuấn, Kim Tiến (Báo Hà Giang) là những nhà báo điển hình như thế.

Chân đi, mắt quan sát, đầu suy nghĩ và tay viết. Muốn có bài báo hay, hấp dẫn, điều quan trọng nhất là không để đôi chân ngừng nghỉ, nhà báo phải đi về cơ sở, nơi có chất liệu cuộc sống vô cùng sinh động. Đi và quan sát, phát hiện đề tài đã khó nhưng để nuôi dưỡng đề tài và phát triển thành bài viết chất lượng là quá trình lao động sáng tạo nghiêm túc từ khâu thu thập, xử lý thông tin, cách thể hiện đều phải đảm bảo tính khách quan, chân thật, tính tư tưởng, tính Đảng, tính nhân dân và quan điểm cá nhân. Đều đó đòi hỏi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ tốt và cháy hết mình trong từng trang viết.

Nghề báo là nghề đặc biệt nhọc nhằn nhưng cũng mang lại nhiều niềm vui và hạnh phúc. Mỗi chuyến tác nghiệp đều là một trải nghiệm thú vị, mới mẻ và bổ ích, được tiếp thu nhiều kiến thức phong phú trong cuộc sống, được thỏa sức sáng tạo trong từng bài viết, được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, tìm hiểu nhiều nét văn hóa đặc trưng đồng bào các dân tộc. Phía sau mỗi bài báo không chỉ có mồ hôi mà còn là kỷ niệm đẹp. Dù bạn chọn nghề hay nghề chọn bạn, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, “lửa nghề” vẫn cháy trong từng nhịp tim, từng hơi thở của người làm báo.

Bài, ảnh: PV

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202206/lua-nghe-2917b93/