Lời nói dối của các Big Tech

Thông điệp 'công ty là gia đình thứ hai' đã dỗ ngọt nhiều nhân viên công nghệ ở Mỹ trong nhiều năm, cho đến khi họ bị sa thải một cách không khoan nhượng.

Đau đớn, như tát vào mặt, bị phản bội…Nhân viên ngành Công nghệ đang sử dụng tất cả từ ngữ chỉ cảm xúc tồi tệ để nói về làn sóng sa thải đang bao trùm lĩnh vực của mình.

“Tôi vẫn chưa hết sốc và tổn thương. Thật khó khăn khi cảm thấy bị phản bội, nhưng không có chỗ để trút giận”, Katie Olaskiewicz, cựu chiến lược gia về con người tại Google, viết trên LinkedIn tuần trước, sau khi cô thuộc số 12.000 nhân viên vừa mới bị công ty sa thải.

Trong 2 tuần qua, tổng cộng 40.000 nhân viên của Amazon, Google và Microsoft đã bị cho nghỉ việc. Trên LinkedIn và các nền tảng xã hội khác, hàng nghìn nhân viên cũ đang than thở về cách họ bị sa thải một cách tàn nhẫn. Cảm giác bị tổn thương và phản bội không có gì ngạc nhiên.

Trong nhiều năm, các công ty công nghệ luôn thể hiện môi trường doanh nghiệp không chỉ để làm việc, mà còn là nơi mọi thành viên hỗ trợ nhau như một gia đình. Còn giờ, sự thật hiện lên phũ phàng: nhân viên có thể bị “ruồng rẫy” bất cứ lúc nào.

Với những nhân viên thường xuyên được lãnh đạo nói rằng môi trường làm việc coi tất cả là một gia đình lớn, việc bị đột ngột cho thôi việc không khác gì "cái tát vào mặt". Ảnh: Fortune.

Sự an toàn đã bị phá vỡ

Khái niệm bấp bênh về mặt kinh tế, tài chính không còn xa lạ ở Thung lũng Silicon. Hàng năm, hàng trăm start-up khởi nghiệp về công nghệ ra đời rồi sụp đổ. Nhưng các gã khổng lồ trong ngành (gọi là Big Tech) vẫn phát triển ổn định và thu hút nhân tài, với môi trường tạo cảm giác an toàn tâm lý cho người làm việc.

Tại Google, các nhân viên được gọi là Googlers - cái tên mang ý nghĩa mỗi cá nhân là một phần ăn sâu của tổ chức. “Ông lớn” này mở ra kỷ nguyên của những khuôn viên tập đoàn rộng lớn, với đầy đủ mọi tiện nghi mà mọi người đi làm đều mơ ước. Nhân viên được khuyến khích “đem toàn bộ con người vào công việc”, thậm chí có thể ăn, ngủ, ở tại luôn công ty.

Đầu những năm 2010, trong khuôn viên trụ sở ở Menlo Park (Mỹ) của Facebook (giờ là Meta), nhân viên được tham gia các lớp tập thể dục theo nhóm, ăn sáng miễn phí ở các quán cà phê nằm rải rác trong văn phòng.

Năm 2018, Facebook được bình chọn là nơi làm việc tốt nhất ở Mỹ, một phần vì nó khuyến khích mọi người thể hiện "con người thật" của mình khi làm việc. Nhân viên dưới trướng Mark Zuckerberg hiện lên với hình tượng thành công, đạt trạng thái cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Chỉ một năm sau đó, “vết nứt” đầu tiên lộ diện. "Áp lực đè nặng nhưng chúng tôi phải hành động như thể mọi thứ đều ổn và yêu thích công việc, đến mức khiến chúng tôi đau lòng", một nữ nhân viên của Facebook tiết lộ với truyền thông Mỹ.

Giờ đây, trong vài tháng qua, chính những công ty từng xây dựng và thúc đẩy văn hóa gia đình ở Thung lũng Silicon đã tự tay đập tan ảo tưởng đó. “Gã khổng lồ” phần mềm Salesforce được thành lập dựa trên niềm tin của CEO Marc Benioff về triết lý “Ohana” – nghĩa là sự gắn kết gia đình.

Một góc trong trụ sở của Meta (Menlo Park, bang California). Ảnh: Patch.

Khi đến lúc phải cho 10% lực lượng lao động ra đi vào đầu tháng này, Marc tiếp tục nhắc lại khái niệm này. “Những người bị ảnh hưởng không chỉ là cấp dưới. Họ là bạn bè, gia đình”, ông viết trong thư chia tay và ví chuyện cắt giảm giống như việc chứng kiến một ai đó không còn nữa.

Tháng 11/2022, khi ông chủ Meta buộc phải cắt giảm 11.000 nhân viên sau khi đầu tư quá mức vào Metaverse, Zuckerberg vẫn đề cập tới hai chữ “gia đình”, cám ơn những nhân viên bị đuổi vì đã đặt “cả trái tim và tâm hồn vào nơi này”.

Trong số 12.000 nhân viên Google bị sa thải, có những người đang nghỉ thai sản với đứa con 4 tháng ở nhà hoặc đang mang bầu 8 tháng. Đa số bị sốc như "sét đánh ngang tay" khi bị cho thôi việc chóng vánh.

"Thật khó tin sau 20 năm làm việc tại Google, tôi bất ngờ biết về ngày làm việc cuối cùng của mình qua email. Nó như một cái tát vào mặt”, một kỹ sư phần mềm viết trên Twitter.

"Tất cả là người một nhà"

Ý tưởng về nơi làm việc như một gia đình nghe có vẻ bình dị trên giấy tờ, gợi cảm giác tin tưởng, song làm mờ ranh giới giữa công việc và gia đình có thể phải trả giá.

Lời khuyên của chuyên gia là nhân viên nên tách biệt công việc với cảm xúc cá nhân, để đảm bảo quyền lợi của mình, lẫn không nuôi sự ảo vọng nào về nơi mình đang làm việc. Ảnh: BI.

Nhà báo Charlie Warzel và Anne Helen Petersen đều đồng tình rằng khi công ty sử dụng lời hoa mỹ kiểu vậy, các ông chủ đang cố định hình mối quan hệ giao dịch thành quan hệ tình cảm. Nói cách khác, đây là hành động mang tính thao túng, thuyết phục người đối diện rằng “gia đình là trên hết”.

“Nó khiến người lao động nên làm nhiều hơn, hoặc hạn chế xin nghỉ phép, xin tăng lương hay khiếu nại về hành vi xấu ở văn phòng, trong khi đó là những thứ cần trao đổi thẳng thắn trong một mối quan hệ bình đẳng”, Warzel phân tích.

Eden King, giáo sư Tâm lý học tại Đại học Rice, đánh giá một số công ty rao giảng về tâm lý gia đình thực chất chỉ nhằm bòn rút nhiều hơn từ nhân viên.

“Ý tưởng tất cả đều là người một nhà nhưng cấp trên lại yêu cầu bạn làm việc thêm nhiều giờ với mức lương ít ỏi hoặc đối xử thiếu tôn trọng rõ ràng là sai hoàn toàn”, King đánh giá.

Sylvia Bonilla Zizumbo, từng làm 17 năm tại Google trước khi thành lập công ty riêng, cho rằng việc sa thải hàng loạt từ công ty có văn hóa gia đình dấy lên câu hỏi về mặt đạo đức. Ngay cả người ở lại cũng không thấy hài lòng.

Theo Zizumbo, các yếu tố tác động đến cá nhân ở văn phòng bao gồm: đầu tư thời gian, mục đích công việc, hiệu suất và thành quả công hiến. Những yếu tố đó khiến mỗi người thấy hài lòng hoặc thành công với việc làm hiện tại của họ, đồng thời thúc đẩy họ cải thiện hiệu quả hơn. Bên cạnh đó là việc hình thành các mối quan hệ và xây dựng lòng tin.

"Với tất cả điều đó, đột nhiên bị ruồng bỏ thực sự giống như bị phản bội và mọi cố gắng trước giờ của bạn đều là công cốc", cô so sánh.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loi-noi-doi-cua-cac-big-tech-post1398617.html