Lời giải từ khoa học công nghệ

Với điều kiện địa lý tự nhiên thuận lợi và đặc thù, kết hợp với sự hướng dẫn, chuyển giao khoa học công nghệ trong thời gian dài của các nhà khoa học cùng kinh nghiệm sản xuất của các hộ nuôi artemia không chỉ giúp gia tăng năng suất, mà còn tạo ra sản phẩm artemia Vĩnh Châu nổi tiếng về chất lượng, được người nuôi thủy sản trong và ngoài nước tin dùng.

Artemia được du nhập vào Việt Nam từ đầu thập niên 1980, sau thời gian thử nghiệm, hoàn thiện quy trình sản xuất, đến năm 1989, Khoa Thủy sản của Trường Đại học Cần Thơ đã chuyển cho người dân các hợp tác xã làm muối ở Vĩnh Phước, Lai Hòa và Vĩnh Tân (thuộc TX. Vĩnh Châu ngày nay) và bắt đầu sản xuất đại trà kể từ năm 1991 tại TX. Vĩnh Châu và tỉnh Bạc Liêu. Ngày 3-12-2020, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) ban hành Quyết định số 4655/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm artemia của tỉnh.

Theo các tài liệu của Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ, trứng bào xác artemia Vĩnh Châu có màu nâu đậm, khô, trứng đều, hình cầu khuyết khi xem dưới kính hiển vi, khi nở vỏ nhanh nổi trên mặt nước. Kích thước trứng bào xác artemia Vĩnh Châu nhỏ hơn 245µm, hàm lượng axit béo không no lớn hơn 17mg/g. Với ưu thế, đặc điểm vượt trội trên giúp cho việc sử dụng ấu trùng làm thức ăn cho tôm, cá giống mới nở được dễ dàng, nên artemia Vĩnh Châu luôn được đánh giá là dòng sản phẩm tốt nhất và có giá bán cao nhất trên thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh sản phẩm trứng bào xác artemia Vĩnh Châu, sản phẩm sinh khối artemia Vĩnh Châu cũng là sản phẩm được người nuôi thủy sản tin dùng. Sinh khối artemia là sản phẩm được thu từ con artemia trưởng thành, gồm 2 dạng: sinh khối đông lạnh và sinh khối khô dùng làm thức ăn cho các loài tôm, cá cảnh, cá thương phẩm, cua, ốc…

Ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến giúp tăng chất lượng và giá trị trứng bào xác artemia ở Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu. Ảnh: TÍCH CHU

Theo ông Trần Văn Khởi – Phó Giám đốc Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu (Sóc Trăng), sau khi ấp nở, ấu trùng artemia được đưa xuống ao nuôi khoảng 15 - 20 ngày thì cho thu hoạch trứng bào xác. Trứng sau khi thu hoạch được rửa lại bằng nước muối có độ mặn từ 250 - 300‰ để làm trứng mất nước sinh học và loại bỏ tạp chất bám trên trứng, giúp cho tỷ lệ ấp nở sau này đạt cao và khi nở vỏ trứng nhanh nổi trên mặt nước. Riêng việc thu hoạch sinh khối được thực hiện bằng cách tỉa thưa con artemia trưởng thành khi mật độ trong ao nuôi tăng cao hoặc khi hết chu kỳ sinh sản hay độ mặn không còn phù hợp. Thường sinh khối sau thu hoạch được làm khô đến độ ẩm 10% thì đưa vào túi kín (hút chân không) để bảo quản và tiêu thụ.

Với kinh nghiệm nuôi artemia gần 30 năm, ông Lai Ca Lãnh, thành viên hợp tác xã chia sẻ: “Nói thiệt chứ artemia nó sợ tui chứ tui đâu có sợ nó nhưng tui thì lại sợ nhất là thời tiết, vì con artemia này nắng nóng quá nó cũng không chịu, mưa nhiều quá cũng chết và lạnh quá cũng khó nuôi. Đơn cử như năm nay, do thời tiết lạnh và có mưa trái vụ nên đến thời điểm này vẫn chưa có trứng bào xác artemia để thu hoạch”. Nhận định của ông Lãnh là khá chính xác khi trao đổi với phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam mới đây, ông Đinh Hoàng Vũ – Giám đốc Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu cho biết, do thời tiết đầu năm không mấy thuận lợi nên một số diện tích thả nuôi không đạt, một số phải thả lại.

Nói về kỹ thuật chế biến trứng bào xác artemia, ông Khởi giải thích: “Trứng thu hoạch không được để lâu, đặc biệt là không được đưa nước ngọt vào để trứng trương lên, tăng trọng vì như thế cực kỳ nguy hiểm cho công đoạn chế biến, do năng lượng trong trứng giảm, trứng không nở bung dù được, tỷ lệ thấp. Vì vậy, việc kiểm soát đầu vào luôn được hợp tác xã làm rất chặt chẽ, lô trứng của ai không đạt là biết ngay, hay nói cách khác là có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng”. Theo ông Khởi, để kiểm tra chất lượng trứng ban đầu, chủ yếu thông qua biện pháp kiểm tra độ đàn hồi của trứng. “Nói chung từ thu hoạch đến trứng được đóng lon là rất khó, phức tạp vì đây là loại phôi sống. Tuy nhiên, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ nên sản phẩm của hợp tác xã luôn đạt chất lượng tốt nhất, truy xuất nguồn gốc dễ nhất và hiện trứng bào xác artemia Vĩnh Châu đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao và được cấp chỉ dẫn địa lý” – ông Khởi cho biết thêm.

Đánh giá về tiềm năng, lợi thế trong phát triển nghề nuôi và chế biến trứng bào xác artemia, ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Ngành và địa phương xác định tiềm năng, lợi thế phát triển artemia là rất lớn, nên thời gian qua, được sự hỗ trợ nguồn từ các chương trình, dự án của Trung ương, địa phương; sự hỗ trợ về khoa học công nghệ của Trường Đại học Cần Thơ, việc nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi và chế biến trứng bào xác artemia ở Vĩnh Châu tiếp tục được ngành và địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả, không chỉ giúp tăng năng suất, chất lượng, giá trị mà còn xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm này”.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe/loi-giai-tu-khoa-hoc-cong-nghe-46227.html