Vấn nạn lừa đảo đầu tư ở Nhật Bản: Chứng khoán sốt, 'chứng sĩ' sa chân

Khi thị trường chứng khoán Nhật Bản bùng nổ, một vấn đề khác cũng đang gia tăng ở quốc gia này: Lừa đảo đầu tư.

Lừa đảo đầu tư tăng gấp 7 lần

Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, trong quý I/2024, Nhật Bản chứng kiến số tiền bị mất do lừa đảo đầu tư tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ quan này bắt đầu theo dõi dữ liệu vào tháng 1/2023 và số liệu thống kê mới nhất cho thấy có 1.700 vụ lừa đảo được báo cáo trong 2 tháng đầu năm 2024, với số tiền thiệt hại trung bình là 13 triệu Yên (83.500 USD)/vụ.

Cũng theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, thiệt hại do quảng cáo đầu tư giả mạo có sự góp mặt của các nhân vật nổi bật tràn lan trên mạng xã hội ở Nhật Bản, lên tới 27,8 tỷ yên (178 triệu USD) với 2.271 vụ, chủ yếu nhắm vào nam giới ở độ tuổi 50 và 60 và phụ nữ ở độ tuổi 40 và 50.

Trong khi các vụ lừa đảo đầu tư gia tăng trên khắp thế giới trong những năm gần đây, Nhật Bản lại tương đối bình yên, được bảo vệ bởi môi trường giảm phát khiến người tiêu dùng chỉ ưa chuộng tích trữ tiền mặt.

Nhưng sự trở lại của lạm phát, đạt mức cao nhất trong 4 thập kỷ vào năm 2023, kết hợp với các biện pháp của chính phủ nhằm lôi kéo người dân đầu tư vào chứng khoán Nhật Bản, đã tạo môi trường cho lừa đảo phát triển.

Tội phạm đã nhanh chóng khai thác sự thay đổi mô hình trong đó một nhóm dân số tương đối thiếu kinh nghiệm về tài chính chuyển sang đầu tư, được thúc đẩy bởi giá tiêu dùng tăng cao và sự khuyến khích của chính phủ để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn so với tiền tiết kiệm.

Điểm liên hệ đầu tiên của những kẻ lừa đảo với nạn nhân thường là Instagram, Facebook, ứng dụng nhắn tin Line hoặc ứng dụng hẹn hò. Nhưng trong 88,6% trường hợp, nạn nhân và kẻ lừa đảo đang liên lạc trên Line vào thời điểm nạn nhân bị lừa đảo, cảnh sát Nhật Bản cho biết.

Chứng khoán "sốt", nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm dễ sập bẫy

Tiết kiệm tiền mặt từ lâu vẫn là hình thức tích lũy hàng đầu tại Nhật Bản, với tỷ lệ tiết kiệm trên 50%, cao hơn nhiều so với mức 12,6% ở Mỹ và 35,5% ở khu vực đồng EUR, theo một cuộc khảo sát của BOJ công bố vào tháng 8/2023.

Chính phủ Nhật Bản đang khuyến khích chuyển đổi từ tiết kiệm sang đầu tư bằng cách mở rộng tài khoản tiết kiệm hưu trí được miễn thuế được gọi là Tài khoản tiết kiệm cá nhân Nippon.

Tuy nhiên, những kẻ lừa đảo cũng để mắt đến tiền và nhiều người Nhật dễ dàng trở thành con mồi do không được giáo dục về tài chính.

Sở Cảnh sát Thủ đô tiết lộ một người đàn ông Tokyo ở độ tuổi 70 đã bị lừa khoảng 140 triệu Yên sau khi được một tài khoản mạng xã hội mạo danh một doanh nhân nổi tiếng liên hệ, người này hứa sẽ chia sẻ "các kỹ thuật đầu tư đảm bảo mang lại lợi nhuận" và hướng dẫn nạn nhân tải xuống một ứng dụng lừa đảo.

Nạn nhân đã gửi hơn chục khoản tiền gửi vào tài khoản được chỉ định vào đầu tháng 4, tổng cộng là 140 triệu Yên. Trên ứng dụng hiển thị số dư cho thấy số tiền nạn nhân đầu tư vẫn sinh lãi đều đặn. Chỉ tới khi nạn nhân không thấy tiền lãi đổ về tài khoản ngân hàng, ông mới "tá hỏa" báo cảnh sát.

Lực lượng đặc nhiệm chống gian lận đặc biệt của cảnh sát Tokyo hiện đang điều tra vụ việc như một trường hợp lừa đảo đầu tư nghiêm trọng. Vụ việc có tất cả dấu hiệu của một vụ lừa đảo đầu tư trên mạng xã hội điển hình.

Những vụ việc như kể trên đã không còn quá hiếm tại Nhật Bản. Thậm chí, chiêu thức giả mạo nhà đầu tư, người nổi tiếng để chia sẻ kinh nghiệm, lừa tải ứng dụng đầu tư đã trở thành mô típ chung khiến những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm sập bẫy.

Không chỉ người dân, mà cả những người nổi tiếng tại Nhật Bản cũng bị "vạ lây" do bị tội phạm sử dụng hình ảnh trái phép để lừa đảo.

Mới đây, ngày 15/5, tỷ phú Nhật Bản Yusaku Maezawa đã kiện gã khổng lồ công nghệ Meta của Mỹ và đơn vị tại Nhật Bản về việc sử dụng tên và hình ảnh của ông trong các quảng cáo đầu tư gian lận trên nền tảng của họ.

Theo đó, những kẻ lừa đảo trực tuyến thường sử dụng tên và hình ảnh của ông Maezawa để dụ nạn nhân. Một quảng cáo điển hình có chú thích cho hình ảnh của ông với nội dung: "Bắt đầu với 10.000 yên (64 USD). Kiếm được 1,3 triệu yên trong 4 ngày."

Một quảng cáo sử dụng hình ảnh tỷ phú Yusaku Maezawa trên mạng xã hội Facebook, hứa hẹn giúp nhà đầu tư làm giàu nhanh chóng.

Một quảng cáo sử dụng hình ảnh tỷ phú Yusaku Maezawa trên mạng xã hội Facebook, hứa hẹn giúp nhà đầu tư làm giàu nhanh chóng.

Chính quyền phải can thiệp

Tình trạng lừa đảo đầu tư, đặc biệt thông qua mạng xã hội tại Nhật Bản "nóng" đến nỗi cơ quan cảnh sát và chính quyền phải đưa ra những cảnh báo tới người dân.

Tháng 4/2024, cơ quan Cảnh sát Quốc gia đã đưa ra cảnh báo chống lại các âm mưu “làm giàu nhanh chóng” đến từ các tài khoản trực tuyến không xác định.

Những cảnh báo thường gặp cần lưu ý bao gồm việc nhận được tin nhắn từ một tài khoản không xác định quảng cáo "kế hoạch kiếm tiền", bị thêm vào cuộc trò chuyện nhóm liên quan đến đầu tư mà không có sự cho phép, bị khuyến khích tải xuống và sử dụng ứng dụng đầu tư,...

Cơ quan này cảnh báo người dùng internet phải luôn cảnh giác để tránh trở thành nạn nhân của những hành vi lừa đảo này và thảo luận với gia đình, bạn bè hoặc cảnh sát trước khi tham gia vào bất kỳ điều gì có vẻ đáng ngờ.

Thủ tướng Fumio Kishida hồi tháng 4 cũng cho biết các biện pháp sẽ được công bố vào tháng 6 để chống lại sự gia tăng của các vụ lừa đảo, tập trung vào việc bắt giữ tội phạm.

Các nhà lập pháp của đất nước đang yêu cầu phản hồi nhanh chóng hơn từ đơn vị địa phương của Meta, công ty sở hữu Facebook. Đại diện của Meta cho biết công ty đang xem xét nghiêm túc thông tin có những nạn nhân của các vụ lừa đảo trong số người dùng.

“Meta đã đầu tư hơn 20 tỷ USD vào đội ngũ và công nghệ để bảo mật nền tảng của chúng tôi kể từ năm 2016 và chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc chống lại quảng cáo gian lận”, người đại diện cho biết và từ chối bình luận về các vụ việc đang diễn ra chống lại công ty ở Nhật Bản.

Linh Anh

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/van-nan-lua-dao-dau-tu-o-nhat-ban-chung-khoan-sot-chung-si-sa-chan-d111032.html