Lời giải cho bài toán giảm nghèo

Hà Liên

BPO - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mỗi năm giảm 2.000-2.500 hộ nghèo. Kết quả, giai đoạn 2021-2023, bình quân mỗi năm Bình Phước giảm 2.290 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn khoảng 1,03%. Để thực hiện mục tiêu này, trong nửa nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, chương trình hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo. Trong đó, các mô hình khởi nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện cho hộ nghèo tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã gắn với thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động là một trong những giải pháp sáng tạo giúp người nghèo phát triển kinh tế.

Nâng cao năng lực để phụ nữ khởi nghiệp

Với 300 con gà giống đối ứng của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã giúp chị Lương Thị Kim, dân tộc Tày ở ấp 2, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú mở rộng quy mô chăn nuôi gà thả vườn với hơn 500 con. Năng động, nhạy bén trong làm kinh tế, hộ chị Kim đã mua được 1 ha cao su và 6 sào điều. Nguồn thu từ trồng trọt và chăn nuôi, mỗi năm gia đình chị Kim dành dụm được gần 200 triệu đồng để chăm lo cho các con ăn học. Chị Kim chia sẻ: “Tôi tham gia tổ hợp tác nuôi gà thả vườn. Mỗi khi các hội, đoàn thể chuyển giao mô hình chăn nuôi, trồng trọt mới, tôi đều đăng ký để được hỗ trợ. Tôi tận dụng lợi thế mạng xã hội để đăng bán sản phẩm chăn nuôi, từ đó tìm kiếm được khách hàng ở xa mà không phụ thuộc vào thương lái”. Kinh tế gia đình ổn định, chị Kim đã giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Hiện chị là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp 2, làm hồ sơ cho nhiều hộ hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn đầu tư sản xuất.

Phụ nữ huyện Đồng Phú được tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để khởi nghiệp

Với việc triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, cộng với ý chí vươn lên trong cuộc sống nên số hộ nghèo ở xã Đồng Tiến liên tục giảm và vượt chỉ tiêu đề ra qua từng năm. Toàn xã còn 9 hộ nghèo, phấn đấu trong năm nay sẽ không còn hộ nghèo. Chị Đặng Xuân Nhạn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đồng Tiến cho biết: Hội đã triển khai các nguồn vốn xoay vòng với hơn 600 triệu đồng cho 125 hội viên vay; hỗ trợ 269 hộ nghèo, cận nghèo làm hồ sơ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội; hỗ trợ cây - con giống cho những hộ có nhu cầu, đặc biệt là phụ nữ có ý tưởng khởi sự kinh doanh hoặc khởi nghiệp. Nhiều năm nay, các hộ nghèo, cận nghèo ở xã không còn thụ động mà đã linh hoạt thay đổi nhiều mô hình kinh tế phù hợp tình hình thực tế ở địa phương. Điều này giúp loại bỏ tư tưởng ỷ lại, giúp người dân thoát nghèo bền vững bằng chính khả năng của mình.

Thực hiện khâu đột phá trong hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và khởi nghiệp sáng tạo, các cấp hội phụ nữ huyện Đồng Phú đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức hội, khơi gợi tiềm năng, phát huy nội lực của phụ nữ trong phát triển kinh tế, khởi nghiệp sáng tạo, giảm nghèo bền vững, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của hội viên, phụ nữ qua việc thành lập các tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã.

Điển hình như Tổ liên kết trồng cây ăn trái ấp Thuận Hải, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú được thành lập với 5 thành viên. Chị Hoàng Thị Hà có 9 sào đất trồng bưởi da xanh năm thứ 7, cho năng suất 18 tấn/năm. Kinh tế ổn định từ trồng cây ăn trái, chị Hà tham gia tổ liên kết với mong muốn hỗ trợ hội viên khó khăn về kinh tế vươn lên thoát nghèo.

Chị Hà cho biết: Tham gia tổ liên kết, tổ hợp tác, các thành viên được hỗ trợ sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm cây ăn trái. Các thành viên trong tổ liên kết còn tự quản lý, cung cấp cây - con giống cho nhau. Đồng thời, tạo điều kiện cho hội viên được trao đổi, chia sẻ kiến thức, kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi. Từ đó góp phần thực hiện chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm”.

Song song với các chế độ, chính sách chung, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Đồng Phú còn lồng ghép vào các chương trình, dự án, chính sách khác. Hằng năm, hội phụ nữ các cấp của huyện Đồng Phú đều đề ra mục tiêu giúp phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo, trong đó tập trung nguồn lực hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số; duy trì các tổ tiết kiệm và vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Đặc biệt, hỗ trợ nâng cao năng lực cho phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, phụ nữ khởi nghiệp, chủ hộ kinh doanh…

Nông dân cùng hưởng lợi

Thị xã Bình Long có tiềm năng, lợi thế về trái cây, rau xanh, gia súc, gia cầm… Thế nhưng nhiều năm qua, giá trị sản phẩm đạt thấp vì thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ và chế biến. Nhận thấy điều này, địa phương đã tích cực xây dựng mô hình hợp tác, liên kết sản xuất các sản phẩm chủ lực. Nhờ đó, nông dân đã cùng hưởng lợi.

Chị Hoàng Thị Hà, ấp Thuận Hải, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú tham gia tổ liên kết trồng cây ăn trái với mong muốn hỗ trợ hội viên khó khăn về kinh tế cùng vươn lên thoát nghèo

Sau những khó khăn chật vật của những năm đầu mưu sinh trên vùng đất mới, ông Đặng Bá Quyết, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long đã chọn cách không chăn nuôi đơn lẻ mà tham gia tổ hợp tác. Nhờ đó, sau vài năm, việc chăn nuôi của gia đình ổn định hơn, quy mô đàn gà tăng lên hàng ngàn con. Cuộc sống gia đình nhờ đó khá giả, con cái có điều kiện ăn học và thành đạt. Cũng từ đó, ông đủ điều kiện thuyết phục, động viên những hộ còn khó khăn tham gia các tổ hợp tác chăn nuôi để thay đổi cuộc sống. Ông Quyết cho rằng: “Trước đây, mạnh ai nấy làm nhưng khi tham gia tổ hợp tác, giá cả thị trường bà con dễ nắm bắt hơn. Ngoài chăn nuôi, nhiều ngành nghề khác cũng liên kết thành lập tổ hợp tác, đời sống từ đó khá lên”.

“Để bảo đảm chỉ tiêu giảm nghèo giai đoạn và hằng năm, nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, toàn hệ thống chính trị thị xã Bình Long đã thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình giảm nghèo với phát triển kinh tế - xã hội. Bằng những nỗ lực không ngừng, đến nay, thị xã còn 50 hộ nghèo, chiếm 0,33%”.

Ông BÙI QUỐC BẢO, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Bình Long

Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh tiếp tục khẳng định công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy đảng, chính quyền ưu tiên, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời nhất quán tập trung các nguồn lực cho giảm nghèo. Theo đó, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh đã giảm được 2.481 hộ nghèo, đạt 115% kế hoạch. Trong đó, giảm được 1.166 hộ nghèo dân tộc thiểu số. Đầu năm 2023, Bình Phước còn 2.879 hộ nghèo, chiếm 1,03% tổng hộ dân; 3.062 hộ cận nghèo, chiếm 1,09% tổng hộ dân. Ước thực hiện đến cuối năm nay, toàn tỉnh tiếp tục giảm 2.000 hộ nghèo. Để đạt mục tiêu này, hằng năm, UBND tỉnh giao chỉ tiêu thoát nghèo cho từng địa phương.

Bà Phạm Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Đây là quyết tâm chính trị rất cao của cả hệ thống chính trị trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải pháp ngành lao động đưa ra là tập trung rà soát hộ nghèo đảm bảo đúng đối tượng, công bằng trong thực hiện chính sách; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; nâng cao ý chí tự lực, vươn lên của cá nhân từng thành viên trong hộ nghèo, không dựa dẫm, ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước…

Giảm nghèo bền vững được xem là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt nhiều năm qua của cả hệ thống chính trị. Công tác giảm nghèo đang được thực hiện với nhiều giải pháp mang tính chiều sâu, đồng bộ, thay đổi từ tư duy, ý thức, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước và định hướng cho người dân biết lựa chọn các mô hình phù hợp làm đòn bẩy phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đây cũng chính là lời giải cho bài toán giảm nghèo bền vững mà Bình Phước đang quyết tâm thực hiện.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/147960/loi-giai-cho-bai-toan-giam-ngheo