Loại tên lửa từng giúp Argentina làm 'bẽ mặt' Quân đội Anh

Trong chiến tranh Falkland 1982, những quả tên lửa chống hạm được mua từ Pháp đã được Argentina sử dụng rất hiệu quả và gây thiệt hại lớn cho quân Anh.

Tên lửa Exocet (cá bay) là tên lửa hành trình chống hạm cận âm nổi tiếng của Pháp, được sản xuất từ 1975. Với kích thước tương đối nhỏ gọn (nặng 780kg, dài 6 mét) đầu nổ tương đối lớn (165kg), có khả năng phóng từ nhiều phương tiện và khả năng bay thấp bám mặt biển.

Trước chiến tranh Falkland năm 1982, Argentina đã đặt mua tên lửa Exocet của Pháp nhưng chỉ kịp nhận rất ít tên lửa khi nổ ra chiến sự, chủ yếu là phiên bản AM39 sử dụng trên máy bay chiến đấu Dassault-Breguet Super Étendard của Hải quân Argentina, nhưng chúng đã kịp làm nên danh tiếng lẫy lừng cho tên lửa này.

Ngày 4/5/1982, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Sheffield đang làm nhiệm vụ cảnh giới thì bị 2 chiếc Super Étendard của Argentina tấn công. Một quả AM39 bắn từ máy bay đánh trúng mạn tàu, còn quả thứ 2 văng đi rơi xuống biển cách xa nửa dặm.

Tên lửa đâm vào Sheffield ở mạn phải, chọc thủng vách ngăn phòng động cơ phía trước ở độ cao 2,4 mét trên mực nước, tạo ra một lỗ thủng thân tàu khoảng 1,2 x 3 mét. Đầu đạn không phát nổ nhưng chấn động gây ra và đám cháy do nhiên liệu rò rỉ giết chết 20 người và làm 26 người bị thương. Chiếc Sheffield bốc cháy và đến 5 ngày sau chìm mặc dù quân Anh cố gắng cứu tàu.

Tàu SS Atlantic Conveyor vốn là 1 tàu chở container giãn nước 15.000 tấn được quân Anh trưng dụng hoán cải làm tàu chở máy bay, nhưng lại cải trang như tàu chở container thông thường để chuyển máy bay cho quân Anh.

Tuy nhiên, Argentia được cho là nhận thông tin tình báo của Liên Xô nên đã phát hiện ra. Ngày 25/5/1982, hai tiêm kích Super Étendard của Không quân Argentina đã phóng hai quả tên lửa Exocet AM39 vào tàu SS Atlantic Conveyor.

Cả hai quả đạn đều đánh trúng mạn trái tàu, gây cháy lớn trong khoang chứa của tàu. Vương tử Andrew, Công tước xứ York, lúc ấy là phi công trực thăng Sea King trên tàu Invincible kể lại rằng, mảnh vỡ của tàu đã gây ra "những tia nước bắn tung tóe tới cách đó khoảng một phần tư dặm ... đó là một trải nghiệm tôi sẽ không bao giờ quên ... thật kinh khủng".

Tổng cộng 6 trực thăng Westland Wessex, 3 trực thăng Chinook và một chiếc Lynx bị phá hủy, chỉ cứu được 1 chiến Chinook và 1 chiếc Westland Wesses. 12 thủy thủ trên tàu thiệt mạng. Bản thân Atlantic Conveyor bị hư hại nặng nề và chìm sau đó ba ngày trong nỗ lực kéo về cảng đồng minh để sửa chữa. Kể từ lúc đó lính Anh phải hành quân bộ khi tác chiến.

Ngày 30/5/1982, hai chiếc Super Étendards, một chiếc mang quả Exocet phóng từ trên không cuối cùng của Argentina, được hộ tống bởi 4 chiếc A-4C Skyhawk, mỗi chiếc mang hai quả bom 225kg, đã cất cánh để tấn công tàu sân bay HMS Invincible.

Quân Anh đã được cảnh báo trước và bắn rơi 2 chiếc Skyhawk bằng tên lửa Sea Darts, quả Exocet được cho là đã bắn ra nhưng nó có thể đã bị đánh chặn hoặc bắn trượt, vì quân Anh báo cáo là không bị thiệt hại. Vậy là có 3/5 quả Exocet được bắn ra từ máy bay Argentina trúng đích và gây thiệt hại.

Ngày 12/6/1982, một tên lửa MM38 Exocet được bắn từ một bệ phóng đặt trên bờ nhằm vào tàu khu trục Glanmorgan đang di chuyển ngoài khơi. Quả tên lửa đầu tiên được lệnh bắn đi nhưng thất bại; trong lần bắn thứ hai, một tên lửa đã được phóng đi nhưng không bắt được mục tiêu.

Quả tên lửa thứ 3 thì bắn "trúng" Glamorgan nhưng không đâm trực diện vào tàu mà lại quay ngang, va vào boong tàu gần bệ phóng tên lửa Seacat, trượt dọc theo boong và phát nổ, tạo ra một lỗ thủng rộng 3,0m × 4,6m trên boong chứa máy bay và một lỗ 1,5m × 1,2m trong khoang bên dưới.

Thân tên lửa vẫn di chuyển về phía trước, xuyên qua cửa nhà chứa máy bay, đúng lúc chiếc trực thăng Wessex đang nạp nhiên liệu và vũ khí, khiến nó phát nổ và gây ra một đám cháy nghiêm trọng trong nhà chứa máy bay. 14 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Con tàu hư hại nặng nhưng vẫn sửa chữa được trên biển và không chìm. Đến 1986, chiếc tàu được bán cho Chile.

Sau vụ đó, Quân đội Argentina không còn bắn được quả Exocet nào cho đến hết chiến tranh. Do Pháp từ chối giao hàng và đã cung cấp thông số kỹ thuật cho Anh để đối phó với tên lửa của Argentina.

Lê Quang (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/loai-ten-lua-tung-giup-argentina-lam-be-mat-quan-doi-anh-1947143.html