Liệu các siêu dự án đầu tư công có kéo giá thép ra khỏi vùng đáy?

Nửa đầu năm nay, ngành thép vẫn đang khó khăn khi sức cầu thị trường yếu, giá giảm sâu. Theo dự báo của các chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành, giá thép chưa thể nóng trở lại trong quý III do ít công trình dân dụng khởi công bởi tâm lý tháng cô hồn (tháng 7 Âm lịch). Ngành thép kỳ vọng tới quý IV thị trường tiêu thụ sẽ sáng sủa hơn khi nhu cầu xây dựng dân dụng gia tăng, cùng với việc đẩy mạnh tiến độ của các siêu dự án đầu tư công.

Số liệu báo cáo mới nhất vừa được Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố cho thấy, trong tháng 6/2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,012 triệu tấn, giảm 9,52% so với tháng 5/2023 và giảm 16,2% so với cùng kỳ 2022. Tiêu thụ thép các loại đạt 2,161 triệu tấn, giảm 6,41% so với tháng trước và giảm 4% so với cùng kỳ 2022.

Rất khó để biết giá thép ‘chạm đáy’ hay chưa?

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 13,103 triệu tấn, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tiêu thụ thép thành phẩm đạt 12,481 triệu tấn, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Tiêu thụ thép xây dựng bị ảnh hưởng vì chịu tác động mạnh từ thị trường bất động sản đóng băng.

Tiêu thụ thép xây dựng bị ảnh hưởng vì chịu tác động mạnh từ thị trường bất động sản đóng băng.

Nguyên nhân khiến sản xuất và tiêu thụ thép ảm đạm là do cầu thị trường xuống thấp. Đối với thị trường trong nước, hoạt động bán hàng chịu tác động mạnh từ thị trường bất động sản đóng băng bởi các chính sách tín dụng bất động sản siết chặt; thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn, lãi suất tăng cao… Thị trường xây dựng dân dụng đối mặt với sức mua yếu do lạm phát.

VSA cho hay, năm 2023, sản xuất thép của Việt Nam sẽ tăng khoảng 2-3% so với năm 2022, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu một phần ra nước ngoài. Tuy nhiên, do nhu cầu thép yếu tại hầu hết các khu vực trên thế giới và tâm lý tiêu cực đã tác động đến giá bán thép thành phẩm. Xu hướng giảm giá thép trên phạm vi toàn cầu càng được củng cố thêm khi các doanh nghiệp thép Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ giá giảm nhanh để cạnh tranh.

Tiêu thụ tại nội địa suy giảm cả về sản lượng lẫn giá bán vì thị trường bất động sản ảm đạm, giải ngân đầu tư công chưa như mong đợi, đồng thời xuất khẩu cũng trầy trật hơn bởi các nước xuất khẩu hầu hết đã và đang chuẩn bị điều tra thuế chống phá giá, như EU đưa Việt Nam vào danh sách áp hạn ngạch với thép nhập khẩu. Cùng với đó, chi phí đầu vào tăng cao; chi phí vận tải quốc tế, giá cước phí tàu bè cao, logistics, bao gồm đường sá, cảng chậm được cải thiện cũng làm giảm năng lực cạnh tranh, ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất nội địa.

Dù giá sắt, thép đang giảm mạnh nhưng việc kinh doanh, tiêu thụ vẫn ảm đạm do sức mua thấp. Riêng trong tháng 05/2023, các doanh nghiệp đã điều chỉnh giá bán thép xây dựng 5 lần, với tần suất giảm 01 lần/1 tuần, với các mức giảm từ 100 - 200 đồng/kg/lần, tùy chủng loại sản phẩm, nhưng sức tiêu thụ của thị trường vẫn yếu.

Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam đánh giá, nếu nói giá thép đã “chạm đáy” hay không thì rất khó vì phụ thuộc vào cung cầu trong nước và giá thép thế giới. Ở trong nước, nhu cầu đang rất yếu, chưa kể quý III thường là giai đoạn thấp điểm trong tiêu thụ nên nhu cầu yếu, trong khi giá thép thế giới vẫn đi xuống dù tốc độ có thấp hơn.

“Chúng tôi hy vọng giá thép không giảm thêm, phải nói chưa có năm nào nhu cầu thị trường thép giảm mạnh như năm nay với con số trên 20%, nguyên nhân chủ yếu là thị trường bất động sản gặp khó", ông Thảo cho biết.

Kỳ vọng giá thép 'nóng' trở lại

Theo ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký VSA, ở thời điểm đầu năm, Hiệp hội dự báo nửa cuối năm thị trường của ngành thép sẽ phục hồi. Tuy nhiên, đến thời điểm này dự báo trên có thể hơi lạc quan, vì quý III thường trùng vào mùa mưa bão và có tháng cô hồn – tháng 7 âm lịch thông thường ít công trình dân dụng khởi công, nên hy vọng đầu quý IV, nhu cầu sẽ tăng.

Nhiều dự án đầu tư công được khởi công trong tháng 6 vừa qua được kỳ vọng sẽ giúp nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thép gia tăng trong những tháng cuối năm.

Nhiều dự án đầu tư công được khởi công trong tháng 6 vừa qua được kỳ vọng sẽ giúp nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thép gia tăng trong những tháng cuối năm.

Mặt khác, trong nước, nhiều dự án đầu tư công được khởi công trong tháng 6 vừa qua được kỳ vọng sẽ giúp nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thép gia tăng trong những tháng cuối năm.

Chẳng hạn, dự án đường Vành đai 4 được khởi công đồng thời tại Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh; Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1. Hay với dự án Sân bay Long Thành, siêu dự án này được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh thi công từ tháng 8/2023, tạo ra nhu cầu lớn về sắt thép, đá xây dựng.

Về mong muốn giá thép sẽ tăng theo việc đẩy mạnh các dự án đầu tư công, ông Thảo kỳ vọng nhu cầu thị trường trong nước sẽ cải thiện trong quý IV. “Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp, Chính phủ sẽ kích hoạt thông qua ưu đãi tín dụng như giảm lãi suất, kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng sẽ cải thiện trong những tháng cuối năm này”, ông Thảo nói.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký VSA Đinh Quốc Thái nhìn nhận, ngành thép chỉ được hưởng lợi gián tiếp bởi các công trình giao thông, bởi thép chỉ được sử dụng ở một số ít ở phần lan can cầu, đường. “Cái mà chúng tôi kỳ vọng lớn nhất là cầu cạn cao tốc ở Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ sớm được khởi công, giúp tăng nguồn nhu cầu cho ngành thép”, ông Thái cho biết, đồng thời nhấn mạnh, nhu cầu tiêu thụ thép vẫn chủ yếu nằm ở lĩnh vực bất động sản, nhà xưởng.

Thị trường của ngành thép bị ảnh hưởng cũng là nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành bị ảnh hưởng. Mới nhất, Công ty CP Thép Thủ Đức công bố kết quả kinh doanh quý II với khoản lỗ sau thuế 2,7 tỷ đồng, sa sút so với kết quả kinh doanh lãi 4,3 tỷ đồng của quý I/2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Thép Thủ Đức đạt doanh thu thuần 571 tỷ đồng và lãi ròng 1,6 tỷ đồng, giảm tương ứng 49% và 73% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) cũng đối mặt với sụt giảm với doanh thu thuần đạt 1.946 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp âm 24 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 78 tỷ.

Lũy kế 6 tháng 2023, Tisco đạt doanh thu 4.392 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm ít hơn cộng với việc các chi phí tài chính và chi quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh khiến doanh nghiệp lỗ trước thuế 117 tỷ đồng và lỗ sau thuế gần 118 tỷ đồng.

Cập nhật từ Tổng Công ty Thép Việt Nam cũng cho thấy, lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ quý II/2023 ước đạt 133,4 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, lãi trước thuế công ty mẹ hơn 194 tỷ đồng, bằng 373% kế hoạch cả năm và giảm 40% so với cùng kỳ.

Chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2023, song một số "ông lớn" trong ngành như thép Hòa Phát cũng có kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa trong quý I năm nay khi chỉ đạt doanh thu 26.867 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 383 tỷ đồng, đạt 5% so với kế hoạch năm 2023. Lĩnh vực sản xuất thép và sản phẩm liên quan vẫn là chủ lực và đóng góp 94% lợi nhuận sau thuế toàn tập đoàn này.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/lieu-cac-sieu-du-an-dau-tu-cong-co-keo-gia-thep-ra-khoi-vung-day-1094028.html