Liên kết để cùng nhau phát triển

Đợt bùng phát COVID-19 lần thứ tư khiến thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản nhiều nơi bị đứt gãy, hàng hóa lâm vào cảnh ế ẩm. Vậy nhưng, trên địa bàn tỉnh vẫn có những sản phẩm sản xuất không đủ cung ứng cho nhu cầu thị trường. Tín hiệu lạc quan này nhờ sự liên kết, hợp tác giữa các bên để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

Cam K4 khi lâm vào cảnh ế ẩm do COVID-19 trong năm 2021 đã được kết nối tiêu thụ tại Siêu thị Co.opmart Đông Hà - Ảnh: L.T

Sau khi tham gia Tuần lễ kết nối, trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh từ ngày 19 - 25/11/2021 tại Siêu thị Co.opmart Đông Hà, sản phẩm gạo sạch Hải Lăng của Liên hiệp HTX Nông sản an toàn Hải Lăng đã ký được biên bản ghi nhớ về việc bao tiêu sản phẩm từ 100 - 150 tấn gạo/năm. Vậy là toàn bộ sản phẩm gạo sạch mà thành viên Liên hiệp HTX sản xuất trong năm tới không còn lo lắng về thị trường đầu ra.

Liên hiệp HTX Nông sản an toàn Hải Lăng được thành lập năm 2019. Đây là mô hình liên kết các HTX cùng sản xuất, cùng tiêu thụ sản phẩm đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Sau gần 3 năm hoạt động, hiện có 10 HTX thành viên là các HTX: Đại An Khê (xã Hải Thượng), Văn Quỹ, Hà Lộc, Hưng Nhơn (xã Hải Phong), Diên Khánh (xã Hải Dương), Phước Điền, Tiền Phong Đông (xã Hải Định), Kim Long (xã Hải Quế), Cổ Lũy (xã Hải Ba). Mỗi năm Liên hiệp HTX sản xuất 40 ha lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc Liên hiệp HTX Nông sản an toàn Hải Lăng cho biết: “Đến thời điểm này, sản phẩm gạo sạch Hải Lăng đã hết hàng. So với những vụ sản xuất trước thì đây là thành công lớn. Tôi còn nhớ như in vụ sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ lần đầu tiên đơn vị thực hiện. Đó là vụ hè thu năm 2019, chúng tôi sản xuất giống lúa ADI 168 là giống lúa thuần chất lượng cao, gạo trắng, cơm dẻo, dai, ăn có vị ngọt. Đến khi sản phẩm đưa ra thị trường thì tiêu thụ rất chậm, thậm chí có lúc ế ẩm”.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do xu hướng tiêu dùng gạo hữu cơ thời điểm đó khá mới mẻ, giá bán lại cao hơn gạo thường nên ít người lựa chọn. Thất bại trong vụ sản xuất đầu tiên đã khiến 2 HTX thành viên của liên hiệp bỏ cuộc (từ 12 thành viên giảm xuống còn 10 thành viên như hiện nay). Tuy nhiên, các thành viên còn lại đều xác định phương pháp canh tác lúa theo hướng hữu cơ an toàn sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai nên vẫn quyết tâm theo đuổi.

Song song với việc động viên các đơn vị thành viên duy trì sản xuất, đảm bảo tiêu chí sản phẩm an toàn, Liên hiệp HTX Nông sản an toàn Hải Lăng đã tập trung chú ý đến hình thức, bao bì nhãn mác để đẩy mạnh khâu quảng bá sản phẩm, đồng thời tìm kiếm các kênh phân phối sỉ, lẻ và tiếp cận các doanh nghiệp trong nước để giới thiệu sản phẩm. Việc làm này đã giúp liên hiệp HTX nhận được một số đề nghị từ các đối tác đặt hàng sản xuất các giống lúa như Bồ Đề 688 X2, giống lúa tím than, lúa thơm RVT canh tác theo hướng hữu cơ với sản lượng bao tiêu sản phẩm lên đến cả trăm tấn nên đã nghiên cứu hướng sản xuất này. Liên hiệp HTX đã tổ chức bàn bạc giữa các thành viên, lựa chọn giống lúa phù hợp với nhu cầu thị trường đưa vào sản xuất, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

Qua các vụ sản xuất, đến nay liên hiệp HTX đã gieo trồng các loại giống lúa như ADI 168, Đài Thơm 8, ST24, Lộc Trời 1 và mới đây nhất là giống lúa ST25. Liên hiệp HTX Nông sản an toàn Hải Lăng cũng kiên định việc chỉ sử dụng phân bón hữu cơ Quế Lâm gồm các loại phân vi sinh, phân bón lá, chất khoáng và chế phẩm sinh học tự nhiên trong sản xuất để đảm bảo về chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, HTX đã tạo được uy tín, niềm tin với khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên. Hiện mỗi héc ta sản xuất lúa an toàn theo hướng hữu cơ của liên hiệp HTX có giá trị tăng thêm từ 6 - 10 triệu đồng so với sản xuất lúa thường.

Đúng thời điểm thành phố Đông Hà thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong tháng 9/2021, các loại sản phẩm tươi sống gồm các loại thịt gà, vịt, lợn theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Nông nghiệp sạch Tây Sơn, xã Vĩnh Chấp (huyện Vĩnh Linh) vẫn cung cấp đều đặn mỗi ngày vào thành phố. Để làm được điều này là nhờ trước đó HTX đã từng liên kết cung ứng sản phẩm với một hộ kinh doanh sản phẩm sạch ở thành phố. Vì thế, khi hầu hết các lò mổ trên địa bàn thành phố đều tạm dừng hoạt động vì có liên quan đến dịch tễ một số ca F0 trong cộng đồng thì HTX Nông nghiệp sạch Tây Sơn hưởng lợi vì địa điểm sản xuất và chế biến nằm cách xa thành phố hàng chục ki lô mét.

“Những ngày đầu thành phố phong tỏa, chúng tôi đưa hàng đến chốt kiểm soát trên Quốc lộ 1 giáp ranh giữa thành phố Đông Hà với xã Thanh An, huyện Cam Lộ để hộ kinh doanh đến nhận hàng và ship tận nhà cho khách. Những ngày sau thuận lợi hơn vì tỉnh ban hành giấy đi đường kèm giấy chứng xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ thì được lưu thông qua chốt. Chúng tôi đưa hàng vào tận cửa hàng để phân phối, đảm bảo thực phẩm tươi sống mỗi ngày cho thành phố trong thời gian giãn cách xã hội, trong khi đó HTX thì không còn lo đầu ra cho sản phẩm vì dịch bệnh khiến việc đưa sản phẩm đi thị trường ngoài tỉnh gặp khó khăn”, ông Nguyễn Đăng Vương, Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Tây Sơn chia sẻ.

Có thể nói, tiêu thụ nông sản là vấn đề bức thiết của các HTX nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Để hạn chế thấp nhất việc phụ thuộc vào thương lái, các HTX trên địa bàn tỉnh bắt đầu tìm kiếm các cơ hội kết nối đưa sản phẩm vào các kênh tiêu thụ hàng hóa ổn định như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chuỗi bán lẻ trên địa bàn tỉnh… và bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=163873&title=lien-ket-de-cung-nhau-phat-trien