Mỹ cố gắng định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu

Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ của Đài Loan tăng mạnh là một ví dụ cho thấy căng thẳng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã định hình lại các chuỗi cung ứng...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Việc Tổng thống Joe Biden mới đây mạnh tay áp thuế quan lên một loạt hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ là động thái mới nhất trong một chiến dịch đã kéo dài mấy năm của Mỹ nhằm nắn lại các tuyến thương mại ở châu Á. Theo hãng tin Bloomberg, điều này được thể hiện trong các số liệu công bố mấy ngày gần đây.

Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ của Đài Loan tăng mạnh là một ví dụ cho thấy căng thẳng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã định hình lại các chuỗi cung ứng, và Trung Quốc đã bị đẩy khỏi một vài chuỗi cung ứng như thế nào.

Tháng 4 năm nay, giá trị xuất khẩu của Đài Loan sang Mỹ tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao kỷ lục - theo số liệu công bố hôm thứ Sáu tuần trước. Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu của Đài Loan sang Mỹ đã vượt cả kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan sang Trung Quốc, và xuất khẩu từ Đài Loan sang Trung Quốc đang tiếp tục xu hướng giảm. Nếu tính cả Hồng Kông, tỷ trọng của Trung Quốc trong thương mại của Đài Loan vẫn giảm.

Hôm thứ Ba tuần này, chính quyền ông Biden tăng thuế quan lên một loạt hàng hóa Trung Quốc, từ con chip máy tính tới ô tô điện, như một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm ứng phó với điều mà Washington cho là hành vi thương mại bất bình đẳng của Trung Quốc. Theo Nhà Trắng, thuế quan mới dự kiến sẽ ảnh hưởng đến khoảng 18 tỷ USD hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc mỗi năm.

Động thái này của Mỹ được xem là một phần trong một cuộc cải tổ lớn về thương mại đối với các đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Á, bao gồm những nền kinh tế lớn như Hàn Quốc và Nhật Bản. Cả hai nước này đều đang chứng kiến tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ gia tăng, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm xuống.

Động thực thúc đẩy sự thay đổi này là chiến dịch của Mỹ nhằm đẩy Trung Quốc khỏi các chuỗi cung ứng của Mỹ, nhất là đối với các sản phẩm nhạy cảm và công nghệ cao. Dòng vốn đầu tư cũng dịch chuyển cùng với dòng chảy thương mại, với các công ty toàn cầu đang đẩy mạnh đầu tư vào khu vực Đông Nam Á để tránh thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc, và nhiều doanh nghiệp Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng xây dựng luôn nhà máy ở Mỹ để tranh thủ các khoản trợ cấp của Chính phủ Mỹ dành cho ngành công nghệ cao.

“Đây là một chủ đề mang tầm khu vực phản ánh cuộc chiến thương mại và tiếp đó là cuộc chiến đầu tư. Tôi cho là xu hướng này sẽ được đẩy mạnh”, nhà kinh tế Trinh Nguyen của ngân hàng đầu tư Natixis nhận định.

Theo bà Nguyen, Trung Quốc không thua hoàn toàn vì các công ty của nước này cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào Đông Nam Á để tránh thuế quan của Mỹ và giữ thị phần của họ trong chuỗi cung ứng. Có một điều chưa hề thay đổi là “Mỹ tiếp tục là một thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ lực của châu Á”.

Tuy nhiên, các công ty nước ngoài ngày càng ngần ngại với việc mở rộng hoạt động ở Trung Quốc. Chỉ 13% trong số doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động ở Trung Quốc gần đây nói rằng nước này là một điểm đến đầu tư hàng đầu, bằng một nửa tỷ lệ của năm 2021. Trong khi đó, vốn đầu tư mới của Nhật Bản vào Trung Quốc đã giảm liên tục kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2021. Thị trường ô tô ở Trung Quốc - nơi các thương hiệu nước ngoài đang chứng kiến thị phần ngày càng giảm, là một ví dụ: hãng Hyundai của Hàn Quốc đang bán nhà máy ở Trung Quốc vì doanh số rớt thê thảm, trong khi hãng Mitsubishi Motors của Nhật Bản đã rút khỏi Trung Quốc.

Đài Loan là một trường hợp đặc biệt. Dù quan hệ chính trị giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục căng thẳng, hai bên vẫn có mối ràng buộc kinh tế. Nhưng mối quan hệ kinh tế này đang có dấu hiệu suy yếu.

Đơn hàng xuất khẩu của Đài Loan từ lâu cho thấy Mỹ vẫn là nguồn nhu cầu cuối cùng đối với hàng hóa thành phẩm của Đài Loan. Tuy nhiên, quy trình sản xuất thường đi qua Trung Quốc, nơi các công ty Đài Loan mở nhà máy trong làn sóng đầu tư hồi đầu thế kỷ này. Các công ty Đài Loan vận chuyển linh kiện sang Trung Quốc để lắp ráp, rồi vận chuyển hàng thành phẩm từ Trung Quốc sang Mỹ hoặc châu Âu.

Nhưng số liệu mới nhất cho thấy xuất khẩu của Đài Loan đã bắt đầu giảm việc đi qua nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Vốn đầu tư mới của Đài Loan và Trung Quốc đã giảm mạnh, chỉ còn 3 tỷ USD trong năm ngoái, từ mức đỉnh 14,6 tỷ USD vào năm 2010, trong khi các công ty Đài Loan đang đầu tư kỷ lục ra nước ngoài.

Tất cả những thay đổi này cho thấy các chuỗi cung ứng toàn cầu đang sắp xếp lại sau đại dịch và trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung được phát động bởi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều diễn ra đúng như những gì mà ông Trump và những người khác có thể đã kỳ vọng khi cuộc chiến này nổ ra vào năm 2018. Chẳng hạn, các công ty Trung Quốc cũng là một phần trong làn sóng đầu tư ra các nước khác trong khu vực như Việt Nam - quốc gia mà kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đã tăng hơn gấp đôi trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

“Thuế quan của Mỹ là hiệu quả nếu xét đến việc làm giảm được nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc vào Mỹ, nhưng không hiệu quả nếu xét đến việc hàng hóa của Trung Quốc vẫn tìm được đường để vào Mỹ”, giáo sư Henry Gao thuộc Đại học Quản lý Singapore, một nhà nghiên cứu về chính sách thương mại của Trung Quốc, nhận định.

Dù vậy, ông Gao cho rằng nếu mục tiêu cuối cùng của Mỹ là dịch chuyển chuỗi cung ứng về gần (near-shoring) hoặc tới những nước thân thiện (friend-shoring), thì chiến lược đó đang phát huy tác dụng.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/my-co-gang-dinh-hinh-lai-chuoi-cung-ung-toan-cau.htm