Bình Dương - Thành phố thông minh, vươn tầm quốc tế

Sau hơn 27 năm tái lập tỉnh (từ 1/1/1997), phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, với chủ trương 'trải chiếu hoa mời gọi nhà đầu tư', Bình Dương đã phát triển vượt bậc, lọt top 3 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước.

Khu công nghiệp VSIP 1 - Bình Dương. (Nguồn: HTLand)

Khu công nghiệp VSIP 1 - Bình Dương. (Nguồn: HTLand)

Tỉnh ưu tiên nhà đầu tư có tầm nhìn, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường để tạo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng xanh, góp phần xây dựng thành phố thông minh Bình Dương vươn tầm quốc tế.

Phát huy lợi thế

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương có các lợi thế về vị trí địa lý như: giáp TP. HCM và Đồng Nai - 2 địa phương có nền kinh tế sôi động bậc nhất cả nước. Bình Dương tập trung nhiều khu công nghiệp (KCN) hiện đại, quy mô lớn, có khối lượng sản xuất lớn với đa dạng các chủng loại sản phẩm xuất khẩu tạo, nguồn hàng dồi dào cho các hoạt động dịch vụ logistics. Hiện tại, hạ tầng logistics tỉnh phát triển khá đồng bộ, có khả năng phục vụ tốt cho các hoạt của ngành, bao gồm: Hệ thống cảng sông, cảng cạn, kho bãi hàng hóa, giao thông đường bộ.

4 tháng đầu năm 2024, kinh tế Bình Dương tiếp tục có những chuyển biến tích cực, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Tốc độ tăng trưởng (GRDP) quý I tăng 5,27% so với cùng kỳ năm 2023. Các KCN thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 167 triệu USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ lũy kế 4 tháng đạt 109.375 tỷ đồng, tăng 13,02% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu lũy kế 4 tháng đạt 11 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu lũy kế 4 tháng đạt 7,6 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ.

Đến nay, toàn tỉnh có 67.962 doanh nghiệp, tổng vốn 747 ngàn tỷ đồng. Lũy kế hiện có 4.280 dự án FDI, tổng vốn 40,6 tỷ USD, chiếm hơn 8,6% tổng vốn FDI cả nước. Bình Dương hiện đứng thứ 3 cả nước về thu hút FDI, sau TP. HCM và Hà Nội. Đứng đầu là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 74% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nhiều dự án đầu tư lớn của các tập đoàn nổi tiếng đã đầu tư vào Bình Dương như: Tokyu, Aeon, Mitsubishi (Nhật Bản), Procter & Gamble (Mỹ), Kumho (Hàn Quốc), Uni-President (Đài Loan - Trung Quốc), Lego (Đan Mạch)…

Năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu thu hút khoảng 130 - 140 dự án đầu tư vào các KCN, với tổng số vốn FDI khoảng 1,2 - 1,3 tỷ USD; thu hút 1.100 - 1.200 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước; vốn đầu tư xây dựng đạt 5.700 tỷ đồng; cho thuê và cho thuê lại đất 100 - 150 ha; thu hút 15.000 lao động; tổng doanh thu 35 - 40 tỷ USD.

Trải chiếu hoa mời gọi nhà đầu tư

Có thể nói, chủ trương xuyên suốt “Trải chiếu hoa mời gọi nhà đầu tư” là tiền đề quan trọng thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư đến Bình Dương. Đặc biệt, việc phát triển KCN Việt Nam-Singapore đã lan tỏa thúc đẩy nhiều KCN mới tại tỉnh ra đời. Nếu năm 1997 mới có 7 KCN với diện tích khoảng 1.500 ha thì đến nay, Bình Dương đã có 29 KCN, tổng diện tích đất hơn 13.600 ha, sẵn sàng tiếp đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 xây thêm 10 KCN mới.

Kiên định với quan điểm “xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của chính quyền tỉnh, xem thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh”, lãnh đạo Bình Dương thường xuyên quan tâm, có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Tỉnh đã thành lập các tổ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thường xuyên gặp gỡ, trao đổi để giải quyết thấu đáo, chi tiết những vướng mắc, yêu cầu của doanh nghiệp. Một số huyện cũng tiến hành lập tổ tháo gỡ khó khăn để sát sao hơn với doanh nghiệp trên địa bàn mình quản lý.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, công tác đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế được tỉnh đẩy mạnh, quan hệ hợp tác khu vực, quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu là yếu tố quan trọng trong chiến lược thu hút vốn FDI của tỉnh. Đến nay, Bình Dương đã ký kết hợp tác hữu nghị với 13 tỉnh, thành phố nước ngoài; tổ chức thành công 4 kỳ Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis.

Riêng tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis Trung Quốc 2024, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn của Trung Quốc và các nước đã ký kết hợp tác, nhận chứng nhận đăng ký đầu tư vào Bình Dương gần 200 triệu USD. Tỉnh còn phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức nhiều sự kiện mang tính quốc tế khác như: "Gặp gỡ Nhật Bản", "Gặp gỡ Singapore", "Gặp gỡ Hàn Quốc"... Sau mỗi sự kiện, Bình Dương đều đón “làn sóng” vốn FDI chất lượng cao.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp đã chủ động trực tiếp sang các quốc gia tiềm năng, thế mạnh như: Mỹ, Canada, Australia... và một số thị trường mới để gặp gỡ, mời gọi đầu tư. Các chuyến công tác vừa đạt được những kết quả quan trọng trong đối ngoại chính quyền, vừa thông qua chương trình xúc tiến đầu tư góp phần quảng bá hình ảnh Bình Dương năng động, thân thiện, là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Một yếu tố quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư là chất lượng hạ tầng. Bình Dương đã và đang tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, xuyên suốt các tuyến đường giao thông trọng điểm, mang tính chất lan tỏa và kết nối với các tuyến đường trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngoài ra, tỉnh cũng đang thực hiện chiến lược phát triển thành phố thông minh và vùng đổi mới sáng tạo. Bình Dương 5 năm liên tiếp được vinh danh là 1 trong 21 cộng đồng có Chiến lược phát triển Thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới (SMART21); 3 lần liên tiếp vào danh sách Top7 Cộng đồng có chiến lược phát triển Thành phố thông minh tiêu biểu; được vinh danh Cộng đồng có chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu thế giới năm 2023.

Chính sách kêu gọi đầu tư của Bình Dương đã có sự chuyển hướng sang thu hút đầu tư chọn lọc các doanh nghiệp có công nghệ và giá trị gia tăng cao, có mối liên kết với các doanh nghiệp nội địa và có đặt trung tâm R&D tại địa phương. Do đó, tỉnh ưu tiên nhà đầu tư có tầm nhìn, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng thành phố thông minh Bình Dương vươn tầm quốc tế.

Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. (Nguồn: Báo Bình Dương)

Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. (Nguồn: Báo Bình Dương)

Xứng đáng một trong những đầu tàu kinh tế quốc gia

Hiện nay, UBND tỉnh Bình Dương đang nỗ lực hoàn chỉnh đồ án Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trước khi thực hiện các quy trình thủ tục tiếp theo để tháng 6/2024 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Dự thảo Đồ án Quy hoạch xây dựng tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương trở thành vùng đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển.

Mục tiêu đến năm 2030, xây dựng, phát triển Bình Dương cùng với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ thành vùng động lực tăng trưởng quan trọng của quốc gia, thúc đẩy và lan tỏa phát triển với các địa phương trong vùng; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; khu vực vững chắc về quốc phòng-an ninh và hợp tác, cạnh tranh quốc tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 của tỉnh đạt khoảng 10%/năm. Dân số đến năm 2030 đạt 4,04 triệu người.

Để giữ vững vị thế và ngày càng phát triển, Bình Dương đã xác định cần vượt ra khỏi khuôn khổ mô hình phát triển kinh tế công nghiệp kiểu cũ để xác lập mô hình phát triển kinh tế với đẳng cấp cao hơn nhằm từng bước rời xa thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Xác định các KCN đóng vai trò trung tâm trong thu hút vốn FDI, Bình Dương đã chủ động và mạnh dạn chuyển đổi mô hình khu công nghiệp truyền thống sang hệ sinh thái công nghiệp xanh, kiểu mới, chú trọng xây dựng và thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, ít tác động đến môi trường, ít thâm dụng năng lượng, thâm dụng lao động. Những yếu tố này đều phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và tầm nhìn dài hạn của các nhà đầu tư quốc tế.

Với định hướng trên, chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh đã có những điều chỉnh hết sức cơ bản để vừa tiếp tục phát huy thế mạnh hiện có, vừa phù hợp với xu hướng của đầu tư trong kỷ nguyên số và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới mục tiêu Net zero, thông qua việc chuyển đổi mô hình phát triển từ công nghiệp - đô thị - dịch vụ sang các mô hình phát triển mới thông qua công cụ quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/binh-duong-thanh-pho-thong-minh-vuon-tam-quoc-te-271490.html