Lệch chuẩn đạo đức trong giáo dục: 'Bức tường' nào ngăn được hành vi?

Mới đây, dư luận chưa nguôi ngoai việc cô giáo túm cổ áo nữ sinh thì mạng xã hội tiếp tục lan truyền clip thầy giáo xưng 'bố mày' với học trò.

Đây là những hành vi phản giáo dục; lệch chuẩn đạo đức nhà giáo cần phải xử lý nghiêm khắc.

Những "con sâu làm rầu nồi canh"

Cụ thể, tối ngày 1/10 trên mạng xã hội xuất hiện clip được quay lại trong lớp học với tựa đề: “Thầy giáo lại ứng xử không giống thầy giáo”. Trong đoạn clip dài 21 giây, thầy giáo đứng trên bục giảng chỉ vào mặt nam sinh xưng "bố mày", gọi học sinh là “con chó”. Sự việc xảy ra tại Trường THPT Phan Huy Chú - Thạch Thất (huyện Thạch Thất, Hà Nội).

Trước đó, ngày 29/9, mạng xã hội xôn xao clip một nữ sinh quỳ khóc trước cửa lớp đến kiệt sức, sau đó, cô giáo túm áo, kéo lê học sinh này. Đoạn clip được cho là quay tại hành lang lớp 12D4, Trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Mặc dù cả 2 nhà giáo trong vụ việc nêu trên đã bị tạm đình chỉ công tác để tiếp tục điều tra, nhưng sự việc một lần nữa dấy lên lo lắng về sự xuống cấp đạo đức, nhân cách của một bộ phận giáo viên, ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của phụ huynh và học sinh.

Giáo dục và đào tạo muốn được vận hành tốt thì thầy cô giáo là những người đóng vai trò quyết định. Ảnh minh họa

Thực tế thời gian qua, báo chí và mạng xã hội đã nhiều lần phản ánh: Bên cạnh những nhà giáo ngày đêm âm thầm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, hết lòng yêu thương con trẻ, thì vẫn còn một bộ phận thầy cô lệch chuẩn đạo đức nghề nghiệp.

Đau lòng hơn, có những thầy cô lợi dụng uy tín của nhà giáo để thương mại hóa hoạt động giáo dục, thậm chí vô tâm, có những hành động bạo lực, nhục hình xúc phạm nhân cách, danh dự học sinh… như thầy giáo thể dục Trường THCS Mường Cang (Lai Châu) hành hung nhiều học sinh; giáo viên Trường THCS Hua La (TP. Sơn La) để lộ hình ảnh "nóng" trong buổi tập huấn trực tuyến; giảng viên mắng sinh viên là "óc trâu" trong giờ học online… Có những cán bộ quản lý, nhà giáo vì lòng tham tiếp tay cho nạn tiêu cực trong chấm thi, mua bán điểm như ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018...

Sau sự việc như vậy, dư luận cũng đặt câu hỏi, liệu có còn hay không những vi phạm về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo chưa bị phát hiện?

Theo PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Phẩm chất đạo đức của một bộ phận giáo viên hiện đang giảm sút, bị thoái hóa. Những “tấm gương mờ” này không chỉ ảnh hưởng tới hình ảnh người giáo viên mà còn tác động xấu tới thế giới quan của học sinh. Nguy hại hơn, niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục nói chung, đội ngũ giáo viên nói riêng bị sứt mẻ. Do vậy, cần phải xử lý nghiêm và cương quyết đưa ra khỏi ngành những “con sâu” này.

Đồng quan điểm với PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, các chuyên gia giáo dục cũng cho hay, những hành vi phản giáo dục như vậy cần xử lý nghiêm để không gây ảnh hưởng xấu đến sự hình thành nhân cách của trẻ.

Dành tình yêu cho trẻ như một điều hiển nhiên

Trong bất cứ xã hội, thời đại nào, người thầy luôn được coi là tấm gương, sự chuẩn mực về đạo đức để thế hệ sau noi theo. Đạo đức nhà giáo là vấn đề luôn được đặt lên hàng đầu. Bởi giáo viên là người không chỉ truyền dạy về kiến thức trí tuệ mà còn vun đắp cả tâm hồn cho học sinh.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: "Có thầy giỏi thì rồi sẽ có phương pháp hay, do đó, sẽ có trò giỏi, còn thầy đã kém thì khó lấy gì bù đắp nổi".

Vì vậy, những tiêu cực liên quan đến chất lượng giáo dục thời gian qua, đặc biệt là đạo đức người giáo viên, khiến mỗi người càng thêm suy nghĩ. Nhiều ý kiến cho rằng, căn nguyên của vấn đề do không ít thầy cô chọn chưa thật đúng nghề. Bên cạnh đó, nghề giáo cũng như giáo viên đang chịu quá nhiều áp lực. Áp lực nghề nghiệp đòi hỏi phát triển năng lực để đáp ứng nhu cầu phụ huynh, yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục; áp lực từ phía phụ huynh và học sinh; áp lực của đồng nghiệp và của chính mình... Trong khi đó, quỹ thời gian, sự đầu tư về chế độ chưa theo kịp khiến không ít giáo viên chưa toàn tâm, toàn ý... với nghề.

Trước những sự việc đáng tiếc, để ngăn chặn thực trạng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định đạo đức nhà giáo, tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần đưa quy định vào luật để nâng cao tính pháp lý.

Trước đó, ngày 14/4/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư 01, 02, 03, 04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Điểm chung của Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT quy định: Giáo viên các cấp thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh; thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ chung của viên chức và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đạo đức nhà giáo...

Trong thời đại ngày nay, tất cả công việc, lĩnh vực hoạt động đều có những cán bộ, công nhân viên có hành vi lệch chuẩn, vi phạm đạo đức chứ không riêng gì giáo viên. Song nghề giáo với các tiêu chuẩn và giá trị đạo đức luôn được mọi người kỳ vọng nên khi xảy ra vụ việc nhà giáo vi phạm đạo đức, cả xã hội đều rất trăn trở.

Bất giác người viết chợt nhớ đến truyện ngắn “Sống dễ lắm” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - người từng 10 năm dạy học ở miền núi. “Tất cả là do tự nhiên điều chỉnh hết! - ông giáo Chi nói - Mình cứ sống thôi! Sống dễ lắm! Cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống...” (Trích đoạn trong truyện ngắn “Sống dễ lắm”).

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lech-chuan-dao-duc-trong-giao-duc-buc-tuong-nao-ngan-duoc-hanh-vi-276155.html