Lao động xuất khẩu tại Saudi Arabia kêu cứu

Từ lời kêu cứu của chị Phạm Thị Thắm - nữ lao động (LĐ) xuất khẩu tại Saudi Arabia gửi trên fanpage facebook Báo Lao Động nói về việc mình phải bỏ trốn do chủ bạc đãi và phải tìm tới ĐSQ Việt Nam tại Saudi Arabia nhờ giúp đỡ. Phóng viên Lao Động đã vào cuộc, tuy nhiên trong vụ việc này còn nhiều vấn đề chưa thực sự rõ ràng.

u PV Báo Lao Động làm việc với lãnh đạo xã Mỹ Tân (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) và gia đình chị Phạm Thị Thắm

Tự ý bỏ việc

Chị Phạm Thị Thắm (SN 1982 tại làng Beo, xã Mỹ Tân, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa), ngày 3.9.2014 ký hợp đồng (HĐ) giúp việc nhà tại Saudi Arabia (Arập Xê út) với Cty CP dịch vụ XKLĐ và chuyên gia Thanh Hóa (Leesco), chi nhánh Ninh Bình. Trong đơn kêu cứu đăng trên trang cá nhân, chị Thắm cho hay, chị được Cty đưa sang Saudi Arabia làm việc từ ngày 5.9.2014. Thời gian đầu, chị làm cho chủ ở TP. Riyadh. Sau 3 tháng, chị Thắm đình công, đòi văn phòng môi giới tại Saudi Arabia đổi chủ mới vì chị cho rằng bà chủ quá tàn ác, không cho ăn, ốm đau không được nghỉ, bắt nằm trong nhà vệ sinh. Sau đó, bà chủ lái xe đưa chị ra văn phòng môi giới. Tuy nhiên, văn phòng hôm đó lại đóng cửa. Theo chị Thắm, khoảng 8h tối cùng ngày, bà chủ gọi lái xe đến đón, nói là người của văn phòng môi giới. Sau đó, chị được lái xe đưa đến một nhà thờ ở TP. Riyadh trú lại một tuần, ngày 17.12.2014 chị được một bà chủ thứ hai đến đón về làm việc ở gia đình cách TP. Riyadh khoảng 1.000km.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Minh - GĐ Cty Leesco - cho hay, sở dĩ giữa chị Thắm và chủ sử dụng LĐ ngày càng có mối bất hòa vì chị Thắm thường xuyên sử dụng điện thoại di động, lên mạng mà không chú tâm tới công việc, luôn có thái độ chống đối chủ nhà, đòi đình công. Ngoài ra, ông Minh cho hay, “theo thông tin tôi có được, người đàn ông đến đón chị Thắm là bạn trai chị Thắm quen trên mạng”.

Hình ảnh chị Thắm gửi về từ Saudi Arabia.

Trước đòi hỏi đình công và đổi chủ, Cty Leesco đã liên lạc với văn phòng môi giới tại Saudi Arabia tìm giải pháp thay đổi chủ đồng thời khuyên Thắm khắc phục, cải thiện mối quan hệ cá nhân chờ văn phòng thu xếp chấm dứt HĐ trước hạn với chủ nhà và tìm chủ mới. Tuy nhiên, khi chưa thực hiện được việc trên, chị Thắm đã bỏ chủ ra đi, không báo cho Cty cũng như văn phòng môi giới. Sau đó, Cty mất liên lạc với chị Thắm. Tại thời điểm đó, gia đình chị Thắm có yêu cầu Cty Leesco bảo vệ quyền lợi cho chị Thắm. Cty Leesco đã gửi công văn tới chính quyền nước sở tại tìm chị Thắm. Tuy nhiên, khi kết nối điện thoại được với chị Thắm thì chị không cho biết mình đang ở đâu, kể cả việc gửi cho một tấm ảnh để xác định địa điểm chị cũng không gửi.

Theo công văn của Cty Lessco gửi UBND xã Tân Mỹ, huyện Ngọc Lặc thì việc chị Thắm “tự ý bỏ trốn khỏi nơi làm việc, LĐ đã vi phạm hợp đồng XKLĐ, LĐ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Việc LĐ tự ý liên hệ nơi làm việc bất hợp pháp, LĐ phải gánh chịu hậu quả”. Mặc dù vậy, Cty đã mọi cách tìm chị Thắm nhưng không được.

Bị chủ thứ hai đuổi

Theo đơn kêu cứu của chị Thắm, thời gian đầu ở với bà chủ thứ hai chị được đối xử rất tốt, không bị bỏ đói hay bị đánh chửi. Tuy nhiên, tháng đầu tiên bà chủ không trả lương, tháng thứ ba vẫn không trả, chị Thắm đã phải cầu xin thì bà gửi về cho chị 2 tháng lương và từ đó không được trả thêm đồng nào.“Cứ lúc nào tôi hỏi lương là tôi bị ông chủ đánh đến thâm tím mặt mày”.Trả lời phỏng vấn Báo Lao Động về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Minh cho hay, giai đoạn này do mất liên lạc nên Cty cũng như văn phòng môi giới không nắm được tình hình chị Thắm. Hơn nữa, văn phòng không ký HĐ cung cấp LĐ cho chủ nên cũng không thể can thiệp sâu.

Theo đơn của chị Thắm, đến ngày 30.11.2015, chị được bà chủ đưa trở lại văn phòng môi giới ở TP. Riyadh nhưng chị sợ những trận đòn nên không muốn tiếp tục làm và trốn ra ĐSQ. Cùng ngày, ĐSQ đã đưa chị vào trại tị nạn đến nay đã được 7 tháng, không được sự giúp đỡ của ai.

Về sự việc này, PV Lao Động đã liên lạc qua điện thoại với ông Đoàn Trung - Trưởng ban Quản lý LĐ xuất khẩu ĐSQ Việt Nam tại Saudi Arabia. Ông Trung cho hay, trường hợp chị Thắm ông nhớ rất rõ. Chính ông là người đưa chị thắm đến trung tâm bảo trợ xã hội chứ không phải là trại tị nạn như chị Thắm nói. “Ở trung tâm này, mọi người được ăn uống tắm giặt bình thường, được sử dụng điện thoại, đi lại thoải mái. Nơi đây chỉ là nơi tạm trú chờ giải quyết sự việc” - ông Trung nói.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/lao-dong-xuat-khau-tai-saudi-arabia-keu-cuu-577672.bld