Lạng Sơn trên chặng đường đổi mới, phát triển

Lạng Sơn là tỉnh có bề dày truyền thống, văn hóa, lịch sử với 192 năm (4/11/1831 – 4/11/2023) xây dựng, trưởng thành. Trong những năm qua, lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên, người dân tỉnh Lạng Sơn luôn tự hào, phát huy truyền thống, ra sức xây dựng quê hương.

Đảng viên Chi bộ Tỉnh đoàn tham quan và tìm hiểu lịch sử, văn hóa, xã hội của tỉnh Lạng Sơn tại Bảo tàng tỉnh

Từ khi Nhà nước Văn Lang – nhà nước sơ khai đầu tiên của Việt Nam được thành lập, cùng với tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam, tỉnh Lạng Sơn dần được hình thành và phát triển qua nhiều thời kỳ: từ ban đầu chưa được đặt thành một đơn vị hành chính riêng thời Nhà nước Văn Lang, thời Bắc thuộc, thời nhà Đinh, nhà Lý, đến năm 1225, nhà Trần đã thành lập phủ Lạng Sơn và sau đó đổi tên thành trấn Lạng Sơn vào năm 1397. Năm 1466, nhà Lê đã đổi trấn Lạng Sơn thành thừa tuyên Lạng Sơn. Đến ngày 4/11/1831, năm Minh Mệnh thứ 12, thừa tuyên Lạng Sơn đã được nhà Nguyễn đổi thành tỉnh Lạng Sơn.

Truyền thống hào hùng

Đây là dấu mốc khẳng định sự phát triển của một địa phương đã hội tụ đầy đủ các yếu tố địa lý, dân cư, chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, xứng tầm là đơn vị hành chính cấp tỉnh trực thuộc Trung ương, mở ra thời kỳ mới trong tiến trình xây dựng và phát triển của vùng đất Lạng Sơn. Ngày 15/7/2009, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 08/NQ-HĐND về công bố ngày 4/11/1831 là ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn. Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn có 10 huyện, 1 thành phố với 200 xã, phường, thị trấn.

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, các thế hệ những người con của quê hương Lạng Sơn đã đứng lên kề vai sát cánh cùng quân và dân cả nước viết nên những trang sử chói lọi, đánh bại nhiều cuộc xâm lăng của các triều đại phong kiến phương Bắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, dân tộc, giữ yên bờ cõi. Cùng với đó, Lạng Sơn là mảnh đất đậm đà bản sắc văn hóa, từ mạch nguồn văn hóa Bắc Sơn, văn hóa Mai Pha đã hình thành vùng văn hóa Xứ Lạng đặc sắc với các giá trị văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể phong phú, đa dạng.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940; thành lập Đội cứu quốc quân 1, một trong những đội quân tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng; chiến thắng đường số 4, giải phóng biên giới, giải phóng Lạng Sơn năm 1950; là “cảng nổi” kiên cường trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ra sức chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.

Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Quang Thắng (phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn) chia sẻ: Với tinh thần yêu nước, đoàn kết một lòng, các thế hệ quân, dân Lạng Sơn đã đứng lên đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Không chỉ đánh bại nhiều cuộc xâm lăng của các triều đại phong kiến phương Bắc mà còn khiến thực dân Pháp, đế quốc Mỹ hùng mạnh phải chấm dứt những cuộc chiến tranh xâm lược vô nghĩa tại nước ta. Với cá nhân tôi, tôi luôn thấy tự hào khi được cùng đồng đội tham gia chiến đấu chống Mỹ cứu nước, qua đó góp phần vào thành quả bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, nền độc lập của Tổ quốc.

Trong từng giai đoạn, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, tỉnh đã có sự vận dụng sáng tạo, có biện pháp thích hợp để phát huy lợi thế, nắm bắt các cơ hội, lựa chọn các ngành, các lĩnh vực trọng tâm để tập trung đầu tư, tạo động lực đẩy nhanh sự phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch khá tích cực và ngày càng hợp lý hơn, vừa có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa tạo ra các cân đối mới để phát triển ổn định, bền vững hơn.

Sôi nổi hoạt động chào mừng kỷ niệm

Trong không khí kỷ niệm 192 năm ngày thành lập tỉnh (4/11/1831-4/11/2023) và 114 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4/11/1909-4/11/2023), các cấp, ngành từ tỉnh đến các huyện, thành phố tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng tự hào của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn. Qua đó tiếp tục phát huy truyền thống, đoàn kết đồng lòng xây dựng tỉnh Lạng Sơn ngày càng giàu mạnh.

Năm nay dù không phải năm chẵn nhưng các hoạt động kỷ niệm như: về nguồn, thăm những địa chỉ đỏ; sinh hoạt truyền thống; dâng hương tưởng niệm… đã và đang được các cấp, ngành, địa phương tổ chức với nhiều hình thức phong phú, lan tỏa sâu rộng. Các chi, đảng bộ, tổ chức chính trị – xã hội thông qua nhiều hình thức (đăng tải đề cương, tài liệu tuyên truyền trên trang tin điện tử, mạng xã hội; tổ chức sinh hoạt chính trị, tư tưởng, tọa đàm, giáo dục truyền thống cách mạng, đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao…) đã đẩy mạnh tuyên truyền đến đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng về quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của tỉnh Lạng Sơn; truyền thống lịch sử, văn hóa, con người Lạng Sơn; những đóng góp của đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Điển hình như thực hiện công tác giáo dục truyền thống trong đoàn viên, thanh niên, Tỉnh đoàn Lạng Sơn đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn toàn tỉnh bám sát các sự kiện lớn của tỉnh, của đất nước để xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Riêng Chi bộ Tỉnh đoàn, dịp này cũng tổ chức hoạt động ý nghĩa đó là kỳ sinh hoạt chuyên đề kỷ niệm 192 năm ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn và kỷ niệm 114 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ tại khuôn viên lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ và Bảo tàng tỉnh với nhiều hoạt động phong phú.

Chị Đinh Thị Anh Thư, Bí thư Chi bộ, Bí thư Tỉnh đoàn Lạng Sơn cho biết: Buổi sinh hoạt không chỉ là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 192 năm ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn, 114 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ mà qua đó còn góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, khuyến khích cán bộ, đảng viên tích cực tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, phát huy vai trò của cá nhân trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương Lạng Sơn ngày càng giàu mạnh.

Đồng chí Phùng Quang Hội, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh: Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn chúng ta lại cùng ôn lại truyền thống và tự hào về tinh thần yêu nước, đoàn kết, kiên cường của quân và dân ta trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương, đất nước. Tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự đoàn kết một lòng của toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân, chiến sĩ, Lạng Sơn sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 cũng như các mục tiêu mà nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra.

Người dân trên địa bàn tỉnh chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật về cảnh đẹp quê hương, đất nước, nét đẹp văn hóa các dân tộc Xứ Lạng được trưng bày tại Khuôn viên tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ

Chung sức xây dựng tỉnh ngày càng giàu mạnh

Phát huy truyền thống vẻ vang 192 năm xây dựng và trưởng thành, tỉnh Lạng Sơn đã có những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế – xã hội. Từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (năm 1986), kinh tế Lạng Sơn đã có những chuyển biến tích cực, từng bước khai thác được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, có tốc độ tăng trưởng khá cao và liên tục, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, chính trị – xã hội, an ninh – quốc phòng ổn định, vững chắc.

Trong từng giai đoạn, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, tỉnh đã có sự vận dụng sáng tạo, có biện pháp thích hợp để phát huy lợi thế, nắm bắt các cơ hội, lựa chọn các ngành, các lĩnh vực trọng tâm để tập trung đầu tư, tạo động lực đẩy nhanh sự phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch khá tích cực và ngày càng hợp lý hơn, vừa có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa tạo ra các cân đối mới để phát triển ổn định, bền vững hơn.

Đánh giá riêng tình hình phát triển kinh tế – xã hội trong 10 tháng năm 2023 cho thấy, nhiều chỉ số phát triển kinh tế có bứt phá, đơn cử: tổng thu ngân sách đạt 6.201 tỷ đồng, đạt 76,6% so với dự toán Trung ương giao, đạt 75,6% so với dự toán tỉnh giao, bằng 103,3% so với cùng kỳ năm 2022; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua địa bàn tỉnh ước đạt 3.995 triệu USD, đạt 96,9% kế hoạch, tăng 105,1% so với cùng kỳ… Về thực hiện các chỉ tiêu năm 2023, tính đến hết tháng 10/2023, tỉnh đã thực hiện đạt và vượt 15/18 chỉ tiêu (6 chỉ tiêu vượt và 9 chỉ tiêu đạt); tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 6,27%; cơ cấu kinh tế chủ yếu vẫn là dịch vụ chiếm 48,77%, nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 23,77%, công nghiệp – xây dựng chiếm 23,26%; tỷ lệ giảm nghèo đa chiều ước giảm 3%…

Những kết quả trong phát triển kinh tế – xã hội chính là minh chứng rõ nét nhất cho ý chí, tinh thần của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Lạng Sơn trong phát huy truyền thống, đoàn kết vươn lên, xây dựng tỉnh Lạng Sơn ngày càng đổi mới, phát triển.

THANH HUYỀN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/621558-lang-son-tren-chang-duong-doi-moi-phat-trien.html