Làm rõ cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

Sáng nay (16/01), kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV thảo luận ở tổ về dự thảo nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG).

Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 16/1.

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá, dự thảo đã đề xuất 8 cơ chế, chính sách đặc thù xuất phát từ thực tiễn, theo đề nghị của các địa phương, các vị ĐBQH. Các cơ chế, chính sách đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả của các chương trình, nhằm cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân vùng khó khăn.

Đề nghị sửa đổi quy định liên quan đến thẩm quyền

Dự thảo nghị quyết quy định HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hằng năm của từng chương trình MTQG chi tiết đến dự án thành phần. Trường hợp cần thiết, HĐND cấp tỉnh quyết định phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần.

Đại biểu Lò Thị Luyến đặt câu hỏi, trường hợp cần thiết là trường hợp nào, khi nào là cần thiết và khi nào là không cần thiết? “Đề nghị phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần vì việc điều chỉnh các dự án thành phần thường xuyên, nếu chờ HĐND tỉnh họp thì ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân” - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh nêu ý kiến.

Về trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất, dự thảo nghị quyết quy định theo hướng giao UBND cấp tỉnh quyết định. Đại biểu cho rằng, quy định này là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương khẩn trương hoàn thành việc ban hành các quy định tại địa phương theo phân cấp, hoặc sửa đổi, bổ sung quy định có phát sinh vướng mắc nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn sự nghiệp của các chương trình.

Theo dự thảo nghị quyết, trường hợp HĐND cấp tỉnh đã ban hành quy định về trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất thuộc các chương trình MTQG, UBND cấp tỉnh được quyết định việc sửa đổi, bổ sung quy định và báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất. “Việc UBND tỉnh ban hành quy định mới sẽ thuận lợi và nhanh hơn việc ban hành quyết định sửa đổi nghị quyết của HĐND tỉnh, việc này chưa từng có tiền lệ, sẽ gây lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện” - đại biểu Lò Thị Luyến khẳng định.

Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG, dự thảo nghị quyết đưa ra 02 phương án: (1) Việc thực hiện thí điểm sẽ để áp dụng trong giai đoạn 2026-2030 với tối đa 50% đơn vị cấp huyện trên địa bàn; (2) Việc thí điểm sẽ áp dụng trong giai đoạn 2024-2025 với 01 đơn vị cấp huyện. Theo đó, HĐND cấp huyện được điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình MTQG trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công hàng năm, dự toán ngân sách nhà nước hàng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đề nghị lựa chọn phương án 2, thí điểm áp dụng tại 01 huyện trong giai đoạn 2024-2025 để cụ thể hóa yêu cầu của Quốc hội tại các Nghị quyết số 100/2023/QH15, số 108/2023/QH15 và làm cơ sở để ban hành và triển khai các chương trình MTQG giai đoạn 2026-2030.

Làm rõ nội dung trong chính sách đặc thù

Dự thảo nghị quyết quy định cơ quan quản lý nhà nước được giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa cho hoạt động phát triển sản xuất. Đại biểu Lò Thị Luyến cho rằng, quy định như vậy là phù hợp, đảm bảo khuyến khích các chủ dự án tham gia trong trường hợp hàng hóa này vừa có nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách, vừa có nguồn vốn của chủ dự án. Tuy nhiên, việc giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa cho hoạt động phát triển sản xuất theo dự thảo nghị quyết cần phải làm rõ trường hợp mà cơ quan quản lý nhà nước được giao cho chủ dự án phát triển sản xuất.

Theo Thông tư 55/2023/TT-BTC thì có hai trường hợp: (1) Đơn vị thực hiện hoạt động hỗ trợ mua sắm thì thực hiện đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; (2) Giao cho chủ dự án tự mua sắm. Nhưng Thông tư 55/2023/TT-BTC không quy định tiêu chí để áp dụng một trong hai trường hợp trên. “Đề nghị quy định cụ thể tiêu chí giao cho chủ dự án tự thực hiện mua sắm đó là trên cơ sở đề xuất của chủ dự án (đơn đề xuất), cơ quan quản lý nhà nước quyết định giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa cho hoạt động phát triển sản xuất trong Quyết định phê duyệt dự án và căn cứ Quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cơ quan quản lý dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thanh toán tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho chủ dự án phát triển sản xuất thực hiện việc mua sắm hàng hóa. Quy định như vậy để có căn cứ cho các cơ quan tổ chức thực hiện cho thuận lợi” - Đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị.

Về việc mua sắm giống cây trồng, vật nuôi, mặc dù Nghị định 38/2023/NĐ-CP có quy định “ưu tiên sử dụng giống cây trồng, vật nuôi và những hàng hóa, dịch vụ khác do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án…”, nhưng các địa phương chưa triển khai được quy định này do vướng mắc về tiêu chuẩn của con giống và việc xác định giá thị trường.

Cục Chăn nuôi có văn bản đề nghị tiêu chuẩn của giống vật nuôi phải đáp ứng yêu cầu tại Luật Chăn nuôi và các văn bản có liên quan. Người dân trên địa bàn các xã khó khăn chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, giống bản địa, không thể đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Chăn nuôi (phải có chứng nhận nguồn gốc bố mẹ, được chứng nhận là giống tiến bộ, được nuôi theo quy chuẩn chuồng trại, quy chuẩn thức ăn...).

Tại Điện Biên không có đơn vị nào đủ điều kiện để cung ứng nên phải hợp đồng với đơn vị từ địa bàn khác, dẫn đến giá giống vật nuôi cao gấp 2 đến 3 lần con giống của bà con bán tại địa phương (được nuôi chăn thả thông thường) vì phải chịu chi phí vận chuyển, chi phí nuôi theo quy chuẩn. Do vận chuyển xa, chưa thích ứng với khí hậu nên vật nuôi bị ốm. Báo chí tập trung phản ánh là giá vật nuôi cao, vật nuôi bị ốm, người dân được nhận hỗ trợ không đồng thuận... gây nên những ý kiến trái chiều, dư luận không tốt, cơ quan quản lý thì băn khoăn. Người dân đề nghị được mua con giống tại địa bàn là giống bản địa, được lựa chọn theo tri thức bản địa, cảm quan, kinh nghiệm chăn nuôi về chiều cao, cân nặng, vòng bụng, vòng cổ, màu da, màu lông... và là những giống phù hợp với điều kiện khí hậu nên sinh trưởng, phát triển tốt.

“Tôi đề nghị bổ sung vào dự thảo nghị quyết nội dung như sau: Trường hợp mua sắm giống cây trồng, vật nuôi do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án thì giống cây trồng, vật nuôi đó chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn theo định mức kinh tế kỹ thuật do cấp tỉnh ban hành và được UBND cấp xã xác nhận” - Đại biểu Lò Thị Luyến nêu ý kiến.

Việc định giá giống cây trồng, vật nuôi, dự thảo nghị quyết quy định “Cơ quan tài chính cùng cấp, hoặc UBND cấp xã chịu trách nhiệm xác định giá thị trường của hàng hóa trong trường hợp thanh toán theo giá thị trường”. Đại biểu đề nghị quy định theo hướng giao cho cấp huyện thành lập tổ thẩm định, định giá giống vật nuôi trên địa bàn làm cơ sở để triển khai thực hiện.

“Phải quy định cụ thể về tiêu chuẩn con giống và việc xác định giá như vậy thì địa phương mới triển khai việc ưu tiên sử dụng giống địa phương được” - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định.

Mai Hồng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/212355/lam-ro-co-che-chinh-sach-dac-thu-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia