Lạm phát khu vực đồng Euro giảm, củng cố thêm niềm tin cắt giảm lãi suất của ECB

Lạm phát khu vực đồng Euro tiếp tục giảm trong tháng này, củng cố thêm khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể bắt đầu nới lỏng chính sách vào cuối năm nay, ngay cả khi dữ liệu cho thấy áp lực giá cơ bản giảm chậm hơn kỳ vọng…

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã giữ lãi suất ở mức cao kỷ lục kể từ tháng 9/2023 nhưng các cuộc thảo luận gần đây dường như đang chuyển sang kế hoạch nới lỏng chính sách khi tình hình lạm phát Khu vực đồng Euro dần đang tiến gần hơn về mục tiêu được đặt ra, ngay cả khi một số lĩnh vực quan trọng như dịch vụ và tăng trưởng tiền lương vẫn còn là mối lo ngại.

Các số liệu, nhìn chung phù hợp với ước tính, cho thấy lạm phát Khu vực đồng Euro sẽ giảm xuống khoảng 2,5% trong tháng 2 từ mức 2,8% trong tháng 1, thậm chí còn tiến gần hơn về mục tiêu 2% của chính ECB.

Leo Barincou tại Oxford Economics cho biết: “Nhìn chung, các số liệu hôm nay cho thấy quá trình giảm phát vẫn tiếp tục diễn ra ở Khu vực đồng Euro”.

Chính quyền các nước cho biết, lạm phát đã giảm bớt ở Đức, Pháp và Tây Ban Nha. Cụ thể, tại Đức, lạm phát đã giảm từ mức 3,1% xuống 2,7%; Pháp giảm từ 3,4% xuống 3,1% còn Tây Ban Nha giảm từ 3,5% xuống 2,9%. Mức giảm chủ yếu được đánh giá là bởi giá năng lượng và thực phẩm đã hạ nhiệt.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của ECB có thể lập luận rằng các mặt hàng dễ biến động đang kéo lạm phát tổng thể xuống và điều đó đang che giấu các vấn đề kém thuận lợi đối với giá cơ bản.

Tại Đức, lạm phát cơ bản, không bao gồm các mặt hàng dễ biến động như lương thực và năng lượng, đang ở mức 3,4% do giá dịch vụ vẫn tăng nhanh trong khi ở Pháp, lạm phát dịch vụ giảm từ 3,2% xuống 3,1%. Lạm phát cơ bản của Tây Ban Nha vẫn ở mức 3,4%, con số có thể chỉ ra sự tăng giá trở lại trong tương lai.

Chuyên gia kinh tế Carsten Brzeski của ING nhận xét: “Bên dưới tỷ lệ lạm phát tiêu đề nghe tưởng chừng là thuận lợi, vẫn còn đó các áp lực để lo lắng. Điều này sẽ ngăn cản ECB cắt giảm lãi suất quá sớm”.

ECB sẽ có cuộc họp tiếp theo vào ngày 7/3. Và mặc dù dự kiến sẽ không có thay đổi chính sách nào, nhưng ngân hàng có thể thừa nhận triển vọng lạm phát đã được cải thiện, từ đó mở ra khả năng cắt giảm lãi suất có lẽ vào khoảng giữa năm nay.

Dữ liệu quốc gia Đức hôm 29/2 cũng đưa ra một số tin tức trên thị trường lao động, yếu tố rủi ro lớn nhất đối với giá cả vì tăng trưởng tiền lương quá nhanh.

Số người mất việc ở Đức tăng nhiều hơn dự kiến trong tháng 2 với số người thất nghiệp tăng từ 11.000 lên 2,713 triệu người.

Tuy nhiên, sự thay đổi này là không đáng kể và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ổn định ở mức 5,9%, không giúp nâng tỷ lệ của Khu vực đồng Euro khỏi mức thấp kỷ lục 6,4%.

Thị trường lao động thắt chặt đôi khi là một điều bất thường. Nền kinh tế Khu vực đồng Euro đã trì trệ trong sáu quý vừa qua và tỷ lệ thất nghiệp thường sẽ tăng mạnh trong môi trường như vậy. Nhưng các công ty đang cần lao động nhờ lợi nhuận tốt và vì các doanh nghiệp lo ngại rằng việc tìm kiếm lao động sẽ khó khăn khi kinh tế bắt đầu đi lên.

Greg Fuzesi, chuyên gia kinh tế của JPMorgan đưa ra lưu ý: “Mặc dù có một số khía cạnh trái chiều, dữ liệu thị trường lao động Đức vẫn tiếp tục rất bền bỉ, dù cho tốc độ tăng trưởng chung còn yếu”.

Mỹ Hân

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/lam-phat-khu-vuc-dong-euro-giam-cung-co-them-niem-tin-cat-giam-lai-suat-cua-ecb-post549531.html