Lãi suất tiết kiệm đã tăng, xu hướng lãi suất cho vay sẽ ra sao?

Từ đầu tháng 5 đến nay, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm, trong đó có nơi điều chỉnh mạnh 0,5%-0,9%

Các ngân hàng đang rục rịch tăng lãi suất huy động. Ảnh: Quốc Hải

Loạt nhà băng vào "cuộc đua" tăng lãi suất huy động

Mới nhất, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa điều chỉnh lãi suất từ hôm nay (9/5).

Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến mới nhất, kỳ hạn 1-6 tháng tại nhà băng này tăng thêm 0,2 điểm phần trăm.

Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng lên 3%/năm, 3 tháng lên 3,3%/năm, 6 tháng là 4,2%/năm.

TPBank giữ nguyên lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 4,9%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 18 tháng tăng 0,2 điểm phần trăm, lên 5,3%/năm.

Đáng chú ý, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 24 và 36 tháng lần lượt tăng 0,4 và 0,3 điểm phần trăm lên 5,6%/năm. Đây cũng là mức lãi suất huy động cao nhất tại TPBank thời điểm này.

Trước đó, ngày 26/4, TPBank cũng tăng từ 0,1-0,3 điểm phần trăm lãi suất huy động tất cả các kỳ hạn.

TPBank vừa điều chỉnh lãi suất từ hôm nay (9/5). Ảnh: TPB

Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) cũng vừa tăng lãi suất đối với kỳ hạn 12-36 tháng. Kỳ hạn 12 và 13 tháng tăng thêm 0,4 điểm phần trăm, lên mức 4,7%-4,8%/năm.

Kỳ hạn 18 tháng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm, lên 5%/năm. Đây cũng là mức tăng đối với kỳ hạn 24-36 tháng sau khi lãi suất các kỳ hạn này chạm ngưỡng 5,4%/năm.

PGBank giữ nguyên lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1-11 tháng. Kỳ hạn 1, 2, 3 tháng lần lượt là 2,6%, 2,7%, 3%/năm. Kỳ hạn 6-9 tháng là 3,8%/năm.

Cũng trong hôm nay (9/5), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động duy nhất kỳ hạn 12 tháng, thêm 0,3 điểm phần trăm lên 4,05%/năm.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 4, tăng trưởng tín dụng đạt 1,52%, tương đương khoảng 13,78 triệu tỷ đồng được cho vay ra nền kinh tế.

Các chuyên gia nhận định, từ quý II trở đi, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sẽ tăng mạnh do nền kinh tế đang hồi phục.

Hiện lãi suất huy động cao nhất tại SeABank là kỳ hạn 15 tháng (4,4%/năm) và kỳ hạn 18-36 tháng (4,6%/năm).

Lãi suất huy động các kỳ hạn 6-9 tháng giữ nguyên tại mức 3,2–3,4%/năm.

Tuy nhiên, SeABank áp dụng chính sách cộng thêm 0,5%/năm lãi suất đối với số tiền gửi từ 100 triệu đồng, kỳ hạn 6, 12, 13 tháng. Với chính sách này, lãi suất huy động cao nhất tại SeABank kỳ hạn 12 tháng có thể lên đến 5,55%/năm.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhu cầu vay vốn của các DN trong quý II, quý III năm nay sẽ rất cao. Ảnh: Quốc Hải

Ghi nhận của PV Giáo dục và Thời đại, từ đầu tháng 5 đến nay, có hơn chục nhà băng tăng lãi suất tiết kiệm, trong đó phần lớn điều chỉnh vào đầu tháng này. Không có nhà băng nào giảm lãi suất từ đầu tháng đến nay.

Đơn vị tăng lãi suất mạnh nhất là CBBank với mức tăng 0,9%, áp dụng cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Bên cạnh đó, nhiều nhà băng khác như ACB, Sacombank, Techcombank, VIB, Bac A Bank, GPBank, NCB, CBBank, TPBank... cũng tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1% tới 0,5%.

Có thể thấy, đây là lần đầu tiên lãi suất tiết kiệm được điều chỉnh tăng đồng loạt sau hơn một năm đi xuống liên tục.

Theo các chuyên gia kinh tế, tín dụng đang tăng trở lại, nhiều doanh nghiệp cho biết đã có đơn hàng đến hết quý II, thậm chí sang đầu quý III nên nhu cầu vốn tăng cao.

Vì vậy, để đảm bảo nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, các ngân hàng đã bắt đầu đẩy mạnh huy động vốn bằng cách tăng lãi suất huy động là không khó hiểu.

Lãi suất cho vay có tăng thời gian tới?

Trong bối cảnh lãi suất huy động đang "rục rịch" tăng, vấn đề được người dân và doanh nghiệp quan tâm là lãi suất cho vay có "té nước" tăng theo thời gian tới hay không?

Theo báo cáo về thị trường tiền tệ mới công bố, Chứng khoán MB (MBS) cho biết, lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại có những diễn biến khác nhau trong tháng 4. Theo đó, xu hướng nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động trở lại.

Vào cuộc họp báo ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến 31/3, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5 điểm % so với cuối năm 2023.

Lãi suất cho vay bình quân mới của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm ngoái.

MBS cho rằng, cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm. Đồng thời cũng dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 0,5 – 0,7%, quay về mức 5,1%-5,3% trong nửa sau năm 2024.

"Tuy nhiên chúng tôi cho rằng lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và ngân hàng thương mại nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn", nhóm chuyên gia phân tích của MBS nhận định.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM thì cho rằng, xu hướng lãi suất thời gian tới sẽ tăng bởi vì áp lực tỷ giá đang cao, trong khi đó phía Mỹ hiện không giảm lãi suất nên nếu Việt Nam không tăng lãi suất thì việc rút vốn của khối ngoại sẽ tiếp tục gây áp lực rất nhiều lên tỷ giá.

"Nhiều khả năng Việt Nam phải tăng lãi suất nhẹ lên từ từ để giảm áp lực tỷ giá", ông Huân nói.

Theo chuyên gia này, khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay sẽ nhích lên chứ khó "neo" giữ như hiện nay.

Quốc Hải

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lai-suat-tiet-kiem-da-tang-xu-huong-lai-suat-cho-vay-se-ra-sao-post682589.html