Kỳ nhân khắc chữ trên chuông đồng

Trong tay chiếc đục, búa khắc, người thợ đồng tài hoa miệt mài tỉa tót trên quả chuông đồng những nét chữ tinh xảo. Có lẽ ông là người duy nhất tại Hà thành hiện nay còn duy trì được nghề khắc chữ trên chuông. Cũng chính bởi thế mà ông Hiển được mọi người yêu mến gọi bằng cái tên “Thiết bút thư sinh”. Ông là Nguyễn Đăng Hiển (69 tuổi, ở phố Hàng Vải, Hà Nội).

Theo lời của ông Hiển, người khắc chữ phải hiểu sâu sắc ý nghĩa chữ thánh hiền để thể hiện được cái thần của chữ trên mặt kim loại. Cái thần của chữ, theo ông, chính là sự sinh động của các nét chấm, sổ, mác, hoành... lúc thì mềm mại như cành liễu nhưng có lúc rắn rỏi, cương trực như cây tùng, cây bách. Ông nói, ông tâm đắc câu nói “Phi nhẫn bất thành nhân”.

“Tôi sinh ra khi cây bút sắt đã lấn át bút lông, nhưng cụ thân sinh vẫn bắt học cầm bút lông chép Tam tự kinh, Tam thiên tự từ bé tí. Ngày cầm dùi đục học nghề đồng, tối luyện bút lông. Các cụ nhà tôi cổ điển lắm”. - Ông chậm rãi nhớ lại những kỉ niệm từ thuở thiếu thời. Sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho học, bởi vậy tuy làm nghề đúc đồng, đôi bàn tay “dùi đục” dày lên những chai sạn, ám màu xám của đồ đồng vừa mới ra lò nhưng kiến thức, sự hiểu biết của ông giống như một Nho gia. Ông luôn tâm niệm, nghề chọn người chứ người không chọn nghề, ông tự rèn luyện mình bằng chính công việc chạm chữ. Không thể vội vàng, phải nhẫn nại, kiên trì để làm sao thể hiện được thần thái của chữ rõ ràng nhất.

“Thiết bút thư sinh” Nguyễn Đăng Hiển tác nghiệp trên chuông đồng. Ảnh: N.Khuê

Tại sao có danh xưng “Thiết bút thư sinh”? “Dùng bút sắt nên bạn bè cứ quen gọi tôi là thiết bút” - ông Hiển giải thích. “Vậy còn thư sinh?”. Vuốt mái tóc điểm bạc, vị “thiết bút” khẽ khàng khiêm nhường: “Tôi chỉ là người đi học, bởi sự học tới già vẫn chưa hết”. Theo “Thiết bút thư sinh”,

Để giữ cho nét bút sắc mà không phô, nhát búa vừa độ, người thợ cần hội tụ khí công tốt và tinh thần vững mới có thể “viết” được chữ lên mặt chuông. Giữ cho tâm đức tốt, vững tinh thần, kiên nhẫn và luôn học hỏi là bí quyết của ông.

Ông Hiển lớn lên ở Hà Nội và có lẽ, công việc khắc chữ trên chuông là bến đỗ cuối cùng của cuộc đời người thợ tài hoa này. Với mong muốn nối nghiệp cha, nhưng sau nhiều lần theo cha đi đúc chuông khắp các đền chùa, miếu phủ, ông nhận ra rằng, những chiếc chuông kia nếu có thêm những dòng chữ thánh hiền, hẳn sẽ đẹp và ý nghĩa hơn nhiều. Tình cờ sau đó, có người nhờ ông khắc những chữ Nho lên quả chuông đồng. Để khắc chữ lên quả chuông đồng, thợ đồng thường phải đặt một tờ giấy viết chữ lên thân chuông, rồi cầm dụng cụ gõ theo những nét chữ lên tờ giấy. Chữ viết sẽ hằn lên trên mặt đồng. Với một người quá sành Nho học, ông cho rằng việc làm ấy chẳng khác nào… viết bút bi, còn đâu hồn cốt, tâm thế của người thư pháp.

Ông quyết định tầm sư học đạo, đi tìm lại nghệ thuật chạm chữ trên đồng thất truyền. Rồi cuối cùng, ông mày mò tự học. Bề mặt đồ đồng cứng nên để tạo chiều sâu cho nét chữ, mỗi nhát đục lại là một lần thân chuông được khoét sâu vào. Công việc ấy không hề dễ dàng, nếu gõ quá nhẹ sẽ không lên nét chữ, còn nếu “bút lực” quá mạnh có thể đục chệch khỏi khuôn chữ. Chữ Nho lại có những yêu cầu chặt chẽ lối viết, cùng một nét nhưng phải bảo đảm “đầu nặng, đuôi nhẹ”.

Ông không nhớ rõ đã khắc được bao nhiêu quả chuông, ông áng chừng khoảng 5.000 quả. Quả chuông đầu tiên lưu bút tích của ông chính là ở đền Dâu (phố Hàng Quạt, Hà Nội) đặt hàng cách đây đã mấy chục năm. Quả đại hồng chung lớn nhất mà ông khắc nặng hơn 1,5 tấn ở chùa Vĩnh Nghiêm (TP HCM), quả chuông có nhiều chữ nhất gần 4.000 chữ ở Sóc Sơn (Hà Nội)...

Do đặc thù của công việc nên ông luôn luôn phải thay đổi cách thức làm việc. Ông kể về những kỉ niệm hành nghề của mình: “Giáp Tết năm 2010, tôi làm việc ở thị trấn Quốc Oai (Hà Nội), trời rét 7-8oC nhưng vẫn phải áp thân vào quả chuông đồng lạnh buốt. Rồi những trưa hè 38- 39oC tại chùa Tu Ba (Thanh Hóa) khi mái che mong manh giữa sân chùa không giảm được nhiệt của quả chuông nhưng vì công việc đòi hỏi, tôi vẫn phải ép mình vào để khắc chữ.

Trong dòng chảy thời gian của Hà Nội ngàn năm văn hiến, có biết bao con người làm rạng danh mảnh đất Hà thành, biết bao nghệ nhân góp phần tạo nên các phường thợ được mệnh danh là “khéo tay nghề, đất lề kẻ chợ”... Mảnh đất “rồng chầu, hổ phục” là nơi những tài năng ấy đơm kết thành tinh hoa. Cái mạch chảy ấy vẫn luôn bất biến, để Thủ đô hôm nay, nối tiếp niềm tự hào tinh hoa Hà Nội 36 phố phường..

Nguyễn Khuê

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giai-tri/ky-nhan-khac-chu-tren-chuong-dong-115192