Kỳ 1: Nếu không khéo léo, không làm được hòa giải

Các hòa giải viên có nhiều năm kinh nghiệm đều chia sẻ bí quyết để hòa giải thành công chính là sự khéo léo, nhiệt tình, kiên trì để người trong cuộc hiểu ra vấn đề, từ đó từ từ hóa giải những căng thẳng.

Hòa giải viên kỳ cựu và những "chiêu" chữa lành các mâu thuẫn:

Ông Nguyễn Phúc Khách là hòa giải viên giỏi của huyện Ứng Hòa. Ảnh: An Nhiên

“Đánh” vào tình cảm

Theo ông Nguyễn Phúc Khách, hòa giải viên có nhiều năm kinh nghiệm của xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, điều khó nhất trong quá trình hòa giải là xóa tan mâu thuẫn để đem lại niềm vui, thuận hòa cho các bên.

Chính vì mong muốn tình làng nghĩa xóm của bà con trong thôn tốt đẹp nên ông luôn cố gắng dùng mọi cách “dìm” những bức xúc xuống mức thấp nhất có thể. Ông Khách luôn dùng sự chân thành để xoa dịu những cảm xúc tiêu cực của người trong cuộc, thuyết phục các bên bằng lý lẽ, tình cảm, giúp mâu thuẫn được giải quyết một cách hợp tình, hợp lý, đúng pháp luật.

“Tôi luôn hướng đến phải hòa giải làm sao cho có lý, có tình theo phương châm “thấu tình đúng lý” nên với những kiến thức về pháp luật, cộng với sự phân tích, thuyết phục, giải thích nhẹ nhàng, tình cảm, tôi đã giúp nhiều người xóa tan mâu thuẫn, đi đến thỏa thuận cùng hài hòa, thống nhất, vui vẻ”, ông Khách chia sẻ.

Ông Phạm Văn Trung (Long Biên, Hà Nội) là một trong những hòa giải viên giỏi, làm công tác dân vận khéo của phường Thượng Thanh. Gắn bó với công tác hòa giải từ năm 2016, ông Trung luôn dùng dùng giải pháp uyển chuyển, ở góc độ “tình làng nghĩa phố” để hòa giải thành công các mâu thuẫn của bà con trong tổ dân phố 11.

Theo ông Trung, mâu thuẫn xuất phát từ nhiều yếu tố nên để giải quyết hài hòa mâu thuẫn cũng có nhiều cách. Người Việt thường có tâm lý nể chữ tình nên người làm công tác hòa giải nên dùng yếu tố đó để chạm đến cảm xúc của người trong cuộc. Khi đó, họ sẽ dễ dàng bình tĩnh để xem xét vấn đề, nghe các hòa giải viên phân tích, nhận ra nên ứng xử như thế nào cho phù hợp.

Tuy nhiên, chữ tình cũng nên đặt cân bằng với chữ lý, tức là hòa giải viên phải phân giải mâu thuẫn một cách có lý, có tình, trước tiên phải tìm hiểu bản chất thực sự của sự việc, tìm ra nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, từ đó mới có hướng xử lý thấu đáo, hợp tình, hợp lý.

Bà Nguyễn Thị Tố Nga (hòa giải viên phường Giang Biên, quận Long Biên) cho rằng muốn hòa giải thành công thì phải tìm hiểu gốc rễ nguyên nhân, từ đó tìm giải pháp “đánh trúng" vào tâm lý của người trong cuộc.

“Với mỗi vụ việc, ở mỗi mức độ khác nhau chúng tôi sẽ có những cách hòa giải khác nhau nhưng chung quy đều phải nhanh gọn bởi sự mâu thuẫn để càng lâu sẽ càng nghiêm trọng và khó hàn gắn. Chúng tôi dùng sự mềm mỏng, chân thành để “đánh” vào tâm tư tình cảm của những người trong cuộc”, bà Nga chia sẻ:

Mưa dầm thấm lâu

Ông Phạm Văn Trung cho rằng, muốn hòa giải thành công thì hòa giải viên phải có lòng kiên nhẫn và sự nhiệt tình bởi không phải vụ nào cũng có thể hòa giải ngay được, đặc biệt là những mâu thuẫn căng thẳng.

Ông Trung kể có những vụ việc ông phải đi lại nhiều lần, tỉ tê, chia sẻ với các bên để họ cùng lắng nghe, hiểu ra vấn đề giúp mâu thuẫn được hóa giải. Tuy công việc vất vả nhưng ông Trung cảm nhận được ý nghĩa, niềm vui của công việc mang đến sự tích cực cho mối quan hệ của người dân trong tổ dân phố.

“Cho dù vất vả hay mất nhiều thời gian, công sức, nhưng bù lại, tôi cảm thấy rất vui sau mỗi lần hòa giải thành công các mâu thuẫn giữa mọi người. Nhận được sự tin yêu, quý mến của bà con lối phố, tôi càng có thêm động lực để gắn bó với công việc hòa giải của mình”, ông Trung bày tỏ.

Từng hòa giải không ít vụ tranh chấp về đất đai, dân sự nên ông Nguyễn Phúc Khách có nhiều kinh nghiệm quý báu để giải quyết những căng thẳng khó nhằn này. Ông chia sẻ: “Với những vụ dạng này, người trong cuộc thường căng thẳng, nóng nảy, ai cũng muốn mình thắng nên không nhường nhịn ai. Tuy nhiên sau khi nhận đơn yêu cầu, tổ hòa giải của chúng tôi đã họp lại đưa ra nhiều giải pháp, lựa chọn cách thiết thực, hữu hiệu nhất nên kết quả tỷ lệ hòa giải thành công rất cao”.

Tùy thuộc vào từng vụ, trong quá trình hòa giải, ông Khách vận dụng thêm những phong tục tập quán ở địa phương, quy ước, hương ước của làng, phù hợp với thuần phong mỹ tục, đúng pháp luật Nhà nước.

Đối với những vụ việc hòa giải khó khăn, ông Khách không từ bỏ mà cố gắng thuyết phục bằng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, thậm chí đến các cơ quan nhờ tư vấn rõ những vấn đề khúc mắc đó nên giải quyết như thế nào, từ đó sẽ áp dụng vào công tác hòa giải.

“Dù sắt đá như thế nào thì chỉ cần “mưa dầm thấm lâu” việc hòa giải sẽ thành công. Ai cũng muốn bản thân được lắng nghe, tôn trọng và sự việc trở nên tốt đẹp nhất cho đôi bên nên mọi người chỉ cần nhường nhịn nhau một chút là mọi thứ sẽ êm đẹp”, bà Nguyễn Thị Tố Nga cho biết.

(Còn nữa...)

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-1-neu-khong-kheo-leo-khong-lam-duoc-hoa-giai-351378.html