Kon Tum: Nhiều đổi thay tích cực từ việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số

Tháng 4/2021, Kon Tum phát động Cuộc vận động 'Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững'. Đến nay, sau 2 năm, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động trong nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững

Đó là mục tiêu của Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động) được tỉnh Kon Tum phát động ngày 22/4/2021.

Cuộc vận động xuất phát từ thực tiễn tại Kon Tum. Mặc dù Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với vùng đồng bào DTTS thông qua các chính sách hỗ trợ, đầu tư trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội; cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng đã tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào DTTS thay đổi tập quán canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình để đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp, điều kiện tự nhiên, hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn; đặc biệt đồng bào DTTS vẫn còn duy trì phương thức sản xuất và những phong tục lạc hậu, dẫn đến kinh tế - xã hội chậm phát triển, cần có những cách làm, giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn...

Chị Y Gút ở thôn Giăng Lố 1 xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi) từ bỏ thói quen chăn nuôi thả rông chuyển sang nuôi có chuồng trại để mang lại hiệu quả cao. Ảnh: VT

Tại buổi lễ, lãnh đạo UBND tỉnh và Ủy ban MTTQVN tỉnh ký kết chương trình phối hợp triển khai Cuộc vận động; Ủy ban MTTQVN các huyện, thành phố ký kết giao ước thi đua triển khai thực hiện Cuộc vận động. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 có từ 70% trở lên số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững; có từ 40% trở lên số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; trên 25% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện; trên 25% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh và tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 3-4%/năm; hàng năm, Ủy ban MTTQVN tỉnh và Ủy ban MTTQVN các huyện, thành phố xây dựng hoặc duy trì từ 1-3 mô hình thực hiện Cuộc vận động và cấp xã duy trì 1 mô hình thực hiện cuộc vận động/đơn vị.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Thực hiện thành công Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020- 2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Kon Tum "Đoàn kết-Sáng tạo-Phát triển nhanh và bền vững".

Để cụ thể hóa Kết luận 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 25/02/2021, Đảng đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum đã ban hành Chương trình số 01 triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2021 – 2025 và tổ chức lễ phát động triển khai Cuộc vận động ở quy mô cấp tỉnh. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã biên soạn Sổ tay tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động và dịch ra năm ngôn ngữ (Kinh, Xơ Đăng, Ba Na, Gié Triêng và Gia Rai) cấp cho cán bộ làm công tác tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở.

Trên cơ sở Kết luận của Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đã xây dựng 565 mô hình để hỗ trợ 12.713 hộ DTTS nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, với tổng số vốn huy động trên 37 tỷ đồng. Các mô hình đều được lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tế, kỹ năng sản xuất của hộ đồng bào DTTS.

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân tích cực tham gia thực hiện CVĐ, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Những đổi thay tích cực sau 2 năm

Vợ chồng chị Y Gút ở thôn Giăng Lố 1, xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi) là một trong những đồng bào Kon Tum được hưởng thành quả từ Cuộc vận động. Đầu năm 2022, từ nguồn của UBND xã, Hội LHPN đã hỗ trợ cho gia đình chị Y Gút một con bò sinh sản, đồng thời hướng dẫn chị cách làm chuồng trại để thay đổi thói quen nuôi thả rông để chuyển sang nuôi có chuồng trại để mang lại hiệu quả cao.

Chị Y Gút cho biết: Được hỗ trợ bò, gia đình tôi đã đầu tư làm chuồng trại theo hướng dẫn của cán bộ hội tại nhà bố mẹ vì ở đó đất rộng, đồng thời trồng thêm cỏ voi để đảm bảo thức ăn cho bò vào những ngày mưa rét.

Từ sự chuyển đổi đó, chị Y Gút đã có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Bà con tại phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum, cũng là những người được hưởng thành quả từ Cuộc vận động. Ông Trương Duy Cảnh (thôn Plei Rơ Hai 1) phấn khởi nhớ lại: “Trong vụ Hè - Thu năm 2022 và vụ Hè - Thu năm 2023, Đoàn Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh (Đoàn Khối) đã hỗ trợ 11 hộ dân giống lúa Đài thơm 8 để đưa vào sản xuất và đạt hiệu quả cao. Từ đó, nhiều hộ dân trong vùng học hỏi và tự mua giống Đài thơm 8 về gieo trồng và kết quả là giống lúa mới cho năng suất, chất lượng hơn hẳn những giống lúa trước đây. Theo tính toán, việc gieo trồng giống lúa mới Đài thơm 8 này, ngoài tiết giảm chi phí chăm bón, kháng sâu bệnh tốt còn cho lợi nhuận tăng khoảng 20- 30% so với giống lúa trước đây”.

Cuộc vận động đã khiến những niềm phấn khởi ấy không hiếm hoi không khó để nhận ra tại Kon Tum.

Tới nay, sau 2 năm triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới tỉnh Kon Tum đã từng bước thay đổi rõ rệt.

Nhiều hộ dân, trong đó có đồng bào DTTS đã vươn lên thoát nghèo, trở thành các hộ khá, giàu; đại đa số người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước; nhiều hộ gia đình đã biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp vào sản xuất để tăng thu nhập cho người dân.

Nông dân thôn Plei Rơ Hai 1 phấn khởi chia sẻ niềm vui về vụ mùa đạt năng suất cao. Ảnh: Đức Thành

Thông tin đưa ra từ Hội nghị sơ kết thực hiện Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững" trên địa bàn tỉnh hồi tháng 8/2023 cho biết qua hơn 02 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động đã được cả hệ thống chính trị tích cực vào cuộc, các tầng lớp Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS đồng tình, hưởng ứng. Việc triển khai hiệu quả việc xây dựng mô hình điểm thực hiện Cuộc vận động đã tạo ra sức lan tỏa đối với các hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào DTTS; đã có 12.307 hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào DTTS (chiếm trên 50%) đã thay đổi nếp nghĩ, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực của mình; nhiều thôn (làng) đã triển khai thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bỏ dần những hủ tục, tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe và môi trường; nhiều hộ gia đình thay đổi dần cách thức lao động sản xuất, mạnh dạn đổi mới cách làm ăn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai và năng lực tổ chức sản xuất của gia đình,...

Ban Thường vụ các huyện, thành ủy đã chỉ đạo triển khai, đồng thời lựa chọn duy trì và xây dựng được 562 mô hình hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, chỉnh trang cải tạo vườn tạp, bảo vệ môi trường, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tuyên truyền, vận động xóa bỏ các hủ tục lạc hậu... Các mô hình đã huy động được trên 35,4 tỷ đồng để hỗ trợ, giúp đỡ 12.682 hộ dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Những đổi thay tích cực ấy là đáng kể nhưng mới chỉ mang tính bước đầu. Kon Tum đang quyết tâm làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững. Động viên Nhân dân nỗ lực phấn đấu, hăng say lao động sản xuất, đổi mới, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, tự mình vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương đồng bào DTTS điển hình trong lao động sản xuất, nhằm thay đổi nhận thức, nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo bền vững trong những năm tiếp theo.

N.H

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kon-tum-nhieu-doi-thay-tich-cuc-tu-viec-thay-doi-nep-nghi-cach-lam-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post273822.html