Kinh tế Ukraine: Chọn cách gắn chặt với EU, Kiev 'vỡ ra' nhiều điều?

Xung đột Nga-Ukraine đã làm xáo trộn bản đồ thương mại của Ukraine. Không còn khả năng tiếp cận các cảng ở Biển Đen để xuất khẩu bằng đường biển, những tuyến đường thương mại mới của Ukraine đều là đường bộ và tất cả đều dẫn đến Liên minh châu Âu (EU).

Kinh tế Ukraine: Chọn cách gắn chặt với EU, Kiev 'vỡ ra' nhiều điều? Trong ảnh: Dòng xe vận chuyển ngũ cốc của Ukraine qua biên giới với Ba Lan. (Nguồn: DPA)

"Các tuyến đường đoàn kết”

Kể từ khi đóng cửa nhiều cảng trên Biển Đen, cũng như các đường biên giới với Nga và Belarus, Ukraine ngày càng gắn chặt với nền kinh tế EU như một lẽ tự nhiên. Nhưng trên thực tế, con đường gia nhập thị trường chung của Kiev vẫn còn rất dài, trong khi về lý thuyết thì hàng hóa Ukraine có thể được tự do di chuyển tại châu Âu.

Tháng 5/2022, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, EU đã quyết định hỗ trợ Kiev giải phóng khối lượng ngũ cốc bị dồn ứ thông qua “các tuyến đường đoàn kết”, bằng cách điều chỉnh các tuyến đường bộ và đường sắt nối Ukraine với châu Âu.

Vì thế, thay vì được xuất khẩu sang phần còn lại của thế giới, phần lớn các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine vẫn ở lại các nước láng giềng, gây bão hòa cho các kho chứa, khiến hàng loạt sản phẩm phải giảm giá và vì vậy, gây bất ổn đáng kể cho các thị trường này.

Theo dữ liệu của EU, nhập khẩu nông sản của EU từ Ukraine đã tăng 88% từ năm 2021-2022, đạt 13 tỷ Euro, tương đương 8% tổng lượng nông sản nhập khẩu của châu Âu. Về ngũ cốc, nhập khẩu ngô và lúa mì tăng lần lượt 62% và 960% về lượng.

Kể từ khi bùng phát xung đột, lưu lượng xe vận chuyển hàng hóa đã tăng gấp 7 lần trên tuyến đường dẫn vào Ba Lan. Rất dễ nhận ra cảnh hàng đoàn xe tải dừng bên đường, kéo dài cả chục cây số, để có thể nhập cảnh vào nước này.

Ba Lan đã trở thành quốc gia trung chuyển hàng hóa Ukraine đến phần còn lại của châu Âu, trong khi Rumani được sử dụng chủ yếu để xuất khẩu hàng của nước này đến phần còn lại của thế giới, đặc biệt là thông qua cảng Constanta. Riêng hàng hóa giao dịch với Trung Quốc không còn đi qua Odessa mà đi qua cảng Gdansk, ở Ba Lan, với thời gian hành trình kéo dài thêm một tuần.

Tuy nhiên, không phải mọi chuyện đều suôn sẻ. Brussels muốn tạo điều kiện cho hàng hóa của Ukraine. Nhưng EU vẫn siết chặt các quy định thuế đối với hàng nhập khẩu từ Ukraine, nhất là các biện pháp chống bán phá giá liên quan đến thép từ nước này, từ tháng 6/2022.

Oleksandr Sushko, Giám đốc Quỹ Phục hưng quốc tế (IRF), một công ty tư vấn có trụ sở tại Kiev, nhận xét: “Việc không có thuế hải quan không có nghĩa là thị trường châu Âu hoàn toàn mở cửa đối với Ukraine, bởi tất cả các hàng hóa vào châu Âu đều phải chịu sự kiểm tra rất nghiêm ngặt, khiến thời gian chờ đợi tại hải quan phải kéo dài”.

Sẵn sàng đi ngược quy định của châu Âu ?

Nổi lên trong những ngày gần đây là lệnh cấm hoặc hạn chế nhập khẩu của Ba Lan, Hungary và Slovakia (18/4) để ngăn chặn nguồn ngũ cốc khổng lồ đến từ Ukraine, bất chấp quyết định này đi ngược lại các quy định của châu Âu.

Thực tế cho thấy, không còn như thời kỳ đầu xung đột, các mặt hàng liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp cũng không còn dễ dàng nhập khẩu vào thị trường EU.

Hồi tháng Ba, các nước Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan, Rumani và Hungary, cũng yêu cầu Brussels trợ giúp, do hàng hóa nông nghiệp của Ukraine - như ngũ cốc, hạt có dầu, trứng và gia cầm - “tăng đột biến” và tràn ngập thị trường, gây ra những tác động “chưa từng có” đối với nông nghiệp và nông dân đất nước họ.

Ba Lan là nước đầu tiên có động thái trên với một quyết định hết sức “quyết đoán” – rằng, chính phủ nước này, vốn rất nhiệt tình hỗ trợ các nỗ lực chống xung đột của Kiev, sẽ đóng cửa biên giới với tất cả các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine cho đến cuối tháng 6/2023.

Bởi không chỉ ngũ cốc - hiện đã chứa đầy các kho ở Ba Lan, mà gần như tất cả các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, từ trái cây và rau quả đến đường, mật ong và rượu vang... đều nằm trong diện cấm nhập. Ngay ngày 15/4, sắc lệnh được đăng trên công báo Ba Lan và có hiệu lực ngay lập tức.

Được biết, thông báo được đưa ra mà không có bất kỳ sự tham vấn nào với Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan duy nhất có thẩm quyền quyết định chính sách thương mại tại EU, cũng như với phía Ukraine. Kiev lập tức có phản ứng, cho rằng quyết định của Ba Lan “mâu thuẫn với các thỏa thuận trước đây”.

Chính phủ Hungary và Slovakia cũng có bước đi tương tự Ba Lan, nhanh chóng ban hành các lệnh cấm liên quan đến ngũ cốc của Ukraine. Bulgaria cũng thông báo đang xem xét các hạn chế. Tuy nhiên, không giống như Warsaw, các nước còn lại tiếp tục cho phép hàng hóa Ukraine quá cảnh qua lãnh thổ.

Ngày 17/4 tại Warsaw, sau cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine, Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus cho biết các cuộc đàm phán đang được tiến hành để giải quyết vấn đề quá cảnh. Ông Telus nói: “Chúng tôi không phản đối việc quá cảnh, nhưng chúng tôi muốn chắc chắn 100% rằng những sản phẩm gây bất ổn cho thị trường của chúng tôi sẽ không ở lại Ba Lan. Chúng tôi đang làm việc trên một thỏa thuận sẽ đảm bảo điều đó”. Quan chức này cũng kêu gọi EC thực hiện “càng sớm càng tốt các hành động theo hướng này”, đồng thời thông báo với EU về việc Ba Lan “cũng cần có những thay đổi trong vấn đề thuế quan”.

Từ tháng 2/2023, cùng với một số cửa khẩu khác, tại cửa khẩu biên giới Dorohusk đã chứng cảnh những người nông dân đứng ra tổ chức ngăn chặn đường biên giới. Dòng ngũ cốc khổng lồ của Ukraine đang trở thành một vấn đề lớn tại Ba Lan khi chỉ còn 6 tháng nữa là đến thời điểm bầu cử lập pháp. Đây cũng là chủ đề gây bất đồng ở nước này.

Trên thực tế, bản thân Ba Lan cũng là một nhà sản xuất nông nghiệp lớn tại EU. Nước này đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa từ 8-9 triệu tấn ngũ cốc, trong khi giá một tấn lúa mì đã giảm từ 390 Euro (427,8 USD) xuống còn 190 Euro (208,4 USD).

Hiện chính phủ của Thủ tướng Mateusz Morawiecki đã cam kết với nông dân sẽ mua lại lượng ngũ cốc này với mức giá đảm bảo là 300 Euro/tấn. Nhưng giới chuyên gia cho biết, vẫn chưa có gì được thực hiện để giải quyết khâu hậu cần trong việc giải tỏa lượng ngũ cốc dư thừa này.

Một tỉnh trưởng ở Ba Lan cho biết, việc kiểm soát chất lượng đối với lúa mì từ Ukraine cũng đã làm bộc lộ một số vấn đề bất thường. Chính quyền Ba Lan cũng thông báo đã phát hiện những gian lận về quy trình thủ tục vận chuyển lúa mì, buộc văn phòng công tố thành phố Zamosc phải mở một cuộc điều tra.

Tại Brussels, cũng đã có những ý kiến phản đối lệnh cấm của Ba Lan và Hungary. Quyết định đơn phương của hai nước được EC coi là “không thể chấp nhận được”. Ngày 17/4, EC cho biết đã yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền “cung cấp thêm thông tin để có thể đánh giá các biện pháp chặn hàng hóa của Ukraine” của hai nước thành viên trên. Tuy nhiên, cơ quan hành pháp châu Âu không đề cập hậu quả đối với hai quốc gia này trong trường hợp chứng minh được các vi phạm.

Dường như, đối với Ba Lan, cũng như đối với EU, việc đưa Ukraine vào thị trường chung một cách quá chóng vánh đang bộc lộ nhiều vấn đề.

Một quan chức châu Âu cho rằng: “Việc hội nhập một đất nước 40 triệu dân, có diện tích lớn hơn cả nước Pháp, không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Thông thường, điều này phải mất nhiều năm đàm phán. Ở đây, về mặt thương mại, chúng tôi đã đi nhanh quá mức. Và điều đó đang gây ra những hậu quả”.

(theo Le Monde)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-ukraine-chon-cach-gan-chat-voi-eu-kiev-vo-ra-nhieu-dieu-225036.html