Kinh tế Trung Quốc cần kích thích để lấy lại đà phục hồi

Nền kinh tế Trung Quốc đã tiếp tục mất đà tăng trưởng trong tháng 6 khi hoạt động sản xuất bị thu hẹp trở lại và các lĩnh vực khác không tạo được động lực, trong bối cảnh các cuộc kêu gọi hỗ trợ chính sách ngày càng tăng.

Một công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất vành thép xe đạp tại một nhà máy ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Sản xuất đang chậm lại

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 6 đã giảm tháng thứ ba liên tiếp và sự yếu kém trong các lĩnh vực khác ngày càng sâu sắc, gây thêm áp lực buộc các nhà chức trách phải làm nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng khi nhu cầu trong và ngoài nước sụt giảm.

Chính phủ Trung Quốc trong tháng này đã cam kết thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững "một cách kịp thời". Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thiên Tân hôm 27/6, Thủ tướng Trung Quốc Li Qiang nhắc lại rằng Bắc Kinh sẽ thực hiện các bước để thúc đẩy nhu cầu, nhưng không tiết lộ bất kỳ chính sách cụ thể nào.

Các nguồn tin tham gia vào các cuộc thảo luận chính sách đã dự đoán Trung Quốc sẽ tung ra nhiều biện pháp kích thích hơn để hỗ trợ nền kinh tế cũng như nhu cầu yếu trong khu vực tiêu dùng và tư nhân.

Dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố ngày 30/6 cho thấy, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) chính thức của ngành sản xuất là 49, hầu như không cải thiện so với tháng 5 và vẫn đang bị thu hẹp. Chỉ số phi sản xuất - đo lường hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và dịch vụ - giảm xuống 53,2, từ mức 54,5 của tháng trước, cho thấy hoạt động của ngành dịch vụ và xây dựng đã chậm lại.

Raymond Yeung - Kinh tế trưởng về Trung Quốc đại lục tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd, cho biết: “Các số liệu PMI không phục hồi, củng cố thông điệp nền kinh tế đang chậm lại. Câu hỏi đặt ra là chất lượng của các gói kích thích”.

Các nhà phân tích đã bắt đầu hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian còn lại của năm, sau khi dữ liệu sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ không đạt kỳ vọng. Nomura đã cắt giảm dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong năm nay từ 5,5% xuống 5,1%, thậm chí đã tính đến triển vọng các gói kích thích mới. Goldman Sachs Group Inc. cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay từ 6% xuống còn 5,4%.

Cần thiết một gói kích thích nhanh và đủ mạnh

Chứng khoán Trung Quốc tương đối im ắng trong phiên giao dịch sớm. Chỉ số CSI 300 đã tăng tới 0,5% vào đầu phiên giao dịch sau khi đã giảm trong hai ngày qua. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng tới 0,8%. Đồng Nhân dân tệ giao dịch ra nước ngoài tăng 0,2%, mức yếu nhất trong 7 tháng.

Suy đoán về các chương trình hỗ trợ chính sách tiềm năng đã gia tăng khi sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mất đi lực kéo. Sau khi bùng nổ hoạt động trong quý đầu tiên, chi tiêu của người tiêu dùng đang chậm lại. Sự phục hồi của thị trường nhà ở đã chững lại, xuất khẩu suy yếu và đầu tư cơ sở hạ tầng cũng bị đình trệ.

Tòa nhà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ở Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm lãi suất chính sách trong tháng này, lần đầu tiên sau gần một năm qua, báo hiệu chính sách tiền tệ nới lỏng hơn. Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia dự đoán các chương trình kích thích kinh tế năm nay sẽ ở mức vừa phải, do phạm vi hỗ trợ tài chính và tiền tệ của Bắc Kinh đã bị hạn chế.

Theo Bruce Pang - Kinh tế trưởng và Trưởng bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc đại lục tại Jones Lang LaSalle Inc., các công ty sản xuất đang chứng kiến cắt giảm việc làm sâu hơn. Pang nói: “Tất cả những điều này đòi hỏi một gói kích thích mạnh mẽ hơn và được đưa ra sớm hơn để hỗ trợ nền kinh tế”.

Cùng với việc cắt giảm lãi suất, chính quyền Trung Quốc đã gia hạn việc giảm thuế cho người mua xe điện và nới lỏng các hạn chế mua nhà ở nhiều thành phố hơn, nhưng họ đã chậm đưa ra các biện pháp bổ sung.

Các hạn chế bao gồm các căng thẳng tiềm ẩn đối với chính quyền địa phương thiếu vốn đang phải vật lộn để trả nợ. Trong khi đó, việc cắt giảm lãi suất nhiều hơn sẽ tiếp tục nới rộng khoảng cách về lợi suất với Mỹ, gây thêm áp lực giảm giá đối với đồng Nhân dân tệ.

Nỗ lực phục hồi giá trị của đồng nội tệ

Trung Quốc đã thực hiện các bước để làm chậm sự sụt giảm của đồng Nhân dân tệ lần thứ tư trong tuần này, khi sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ ngày càng gia tăng do tâm lý xấu đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

PBOC đã tăng cường sử dụng các biện pháp mạnh, giám sát giao dịch tiền tệ và dòng vốn xuyên biên giới, nỗ lực làm chậm đà giảm giá của đồng Nhân dân tệ. Ngay sau phiên giao dịch mở cửa ngày 30/6, đồng tiền này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

“Điều này đi đôi với các nguyên tắc cơ bản vĩ mô của nền kinh tế Trung Quốc, vì vậy sẽ rất khó để đảo ngược xu hướng, nhưng những gì họ có thể làm là cố gắng làm chậm tốc độ suy yếu của đồng nội tệ” - Selena Ling, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và chiến lược kho bạc tại Oversea-Chinese Banking Corp cho biết.

Các quan chức dường như ngày càng khó chịu với sự trượt dốc của đồng Nhân dân tệ, đồng tiền đã giảm khoảng 2% trong tháng này so với đồng đô la và là một trong những đồng tiền tệ nhất châu Á. Đồng Nhân dân tệ cũng đang bị đè nặng bởi sự phục hồi kinh tế đáng thất vọng của Trung Quốc, thiếu các biện pháp kích thích mạnh mẽ từ Bắc Kinh.

Redmond Wong - chiến lược gia tại Saxo Capital Markets HK Ltd, cho biết: “Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc muốn đảm bảo đồng Nhân dân tệ biến động từ từ hơn. Nhưng chúng tôi không nghĩ rằng họ muốn can thiệp mạnh mẽ để đảo ngược xu hướng. Các chỉ số PMI đang phù hợp, điều này sẽ giúp các nhà đầu tư nhẹ nhõm hơn khi mọi người lo lắng liệu tình hình có trở nên xấu hơn không”./.

Hoàng Lê (theo Reuters)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kinh-te-trung-quoc-can-kich-thich-de-lay-lai-da-phuc-hoi-131052.html