Kinh doanh ế ẩm, nhiều tiểu thương không dám ra sạp

Hàng hóa tăng giá cùng với sức mua giảm sâu, nhiều tiểu thương e ngại kinh doanh trở lại sau Tết. Hàng loạt quầy sạp, ki-ốt vẫn 'cửa đóng then cài', treo biển sang sạp tại nhiều chợ dân sinh ở TPHCM.

Tầm hơn 10 giờ trưa 5/3, tại chợ Phú Lâm (quận 6) đã thưa vắng khách đến chợ, nhiều sạp hàng thực phẩm tươi sống như tôm cá, thịt... vẫn còn trống tiểu thương do chưa được mở bán trở lại.

Một tiểu thương dọn hàng nghỉ sớm dù hôm nay là ngày cuối tuần. "Cuối tuần cũng như ngày thường, ế ẩm lắm. Trước Tết còn tấp nập đôi chút, nhưng giờ thì sức mua ngày càng giảm, đặc biệt từ khi xăng dầu, gas tăng giá đẩy nhiều mặt hàng giá lên cao" - bà Bình, tiểu thương chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) nói.

Các quầy hàng mỹ phẩm, thời trang trong chợ Phú Lâm (quận 6) hầu như chỉ có người bán, vắng hẳn người mua.

Tại chợ Bàn Cờ (quận 3), lối đi chợ rộng thênh thang do vắng khách.

"Nhiều quầy sạp cho thuê lại lắm nhưng treo biển đã lâu vẫn không tìm được người thuê. Thời buổi buôn bán khó khăn nên ai cũng ngại đầu tư, mở quầy sạp lúc này" - ông T. (chủ một ki-ốt) buôn bán tại chợ Bàn Cờ nói.

Đại diện BQL chợ Bàn Cờ cho biết, chợ có 174 ki-ốt cố định và khoảng 290 vị trí kinh doanh trước nhà dân. Trong số 174 ki-ốt thì có khoảng 70% tiểu thương kinh doanh trở lại sau dịch, còn 30% vẫn tiếp tục đóng quầy. Nguyên nhân nhiều tiểu thương chưa trở lại chợ phần lớn vẫn còn e ngại dịch ảnh hưởng đến việc bán buôn. Với tiểu thương chưa bán trở lại, họ đều làm đơn để được ngưng đóng thuế quầy sạp…

Còn tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), các sản phẩm bày bán khá phong phú nhưng chỉ lác đác vài khách mua.

Chủ tịch Hội Phụ nữ chợ Bà Chiểu Đỗ Thúy Hòa cho hay, quận Bình Thạnh đã chọn chợ thí điểm kinh doanh theo mô hình chợ trực tuyến.

Ngay cả các ki-ốt bán trang sức cũng tìm người sang quầy.

Khu mặt tiền chợ Bà Chiểu vắng vẻ do vắng hẳn tiểu thương kinh doanh.

Kinh doanh ế ẩm nhất tại các chợ có lẽ là các mặt thời trang, quần áo...

Loạt ki-ốt tại chợ An Đông (quận 5) đều "cửa đóng then cài".

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó BQL chợ An Đông 1 thông tin, chợ có hơn 2.000 quầy sạp kinh doanh nhưng hiện có khoảng 800 quầy sạp tạm ngưng kinh doanh, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Tiểu thương ngồi tám chuyện hoặc lướt điện thoại vì vắng khách mua

"Chưa bao giờ chợ buồn như lúc này. Cứ tưởng khi dịch được kiểm soát, chợ mở cửa thì sức mua tăng lên, không ngờ ngày càng vắng hơn" - ông Thành, tiểu thương ngành hàng giày dép nói.

Chợ ngày cuối tuần nhưng buồn thiu.

Chợ Bàu Cát (quận Tân Bình) thông tin, tình hình kinh doanh tại chợ sau Tết rất chậm, số lượng tiểu thương ngưng kinh doanh ngày càng nhiều. Chợ có tổng cộng 515 sạp. Trước Tết, khoảng 40% số lượng sạp ngưng kinh doanh thì hiện đã tăng lên khoảng 50%.

"Để hỗ trợ tiểu thương, BQL chợ Bàn Cờ giới thiệu, bảo lãnh thương nhân vay vốn ưu đãi; vận động bán hàng có nguồn gốc, bình ổn giá hàng hóa thực phẩm trong thời điểm xăng dầu tăng cao để khách yên tâm đến chợ mua sắm” – lãnh đạo chợ Bàn Cờ khẳng định.

Theo Sở Công Thương TPHCM, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, cùng với sự phát triển của công nghệ, kênh mua sắm tại các chợ truyền thống gặp nhiều khó khăn, chịu sự cạnh tranh của các kênh phân phối khác. "Chúng tôi đang tham mưu với TPHCM nghiên cứu đề án chuyển đổi, xây dựng mô hình chợ truyền thống, chợ đầu mối thích ứng với tình hình dịch bệnh cũng như xu hướng chuyển đổi số” – Giám đốc Sở Công thương TP Bùi Tá Hoàng Vũ chia sẻ.

Uyên Phương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/kinh-doanh-e-am-nhieu-tieu-thuong-khong-dam-ra-sap-post1420940.tpo