Kinh doanh 'bết bát' khiến nhiều doanh nghiệp chậm trả lãi trái phiếu

Báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp cho thấy, hầu hết do kết quả kinh doanh 'bết bát' khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc thu xếp nguồn tiền để thanh toán lãi trái phiếu đến hạn.

Mới nhất, “vua gạo” CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã: AGM) vừa có văn bản báo cáo không trả được lãi cho lô trái phiếu mệnh giá 350 tỷ đồng và chậm trả lãi cho lô trái phiếu mệnh giá 300 tỷ đồng. Lý do được Angimex đưa ra đều là do khó khăn về tình hình tài chính nên chưa thể thanh toán đúng hạn.

Xét hoạt động kinh doanh, trong nửa đầu năm 2023 (báo cáo tự lập), Angimex ghi nhận doanh thu 321 tỷ đồng, giảm 86,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp này tiếp tục ghi nhận lỗ 56,6 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ gần 6,2 tỷ đồng.

Tại thời điểm điểm cuối quý II/2023, tổng nợ phải trả của Angimex lên tới 1.240 tỷ đồng và gấp hơn 3,9 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay ngắn hạn lên tới 628 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 611 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh bết bát khiến nhiều doanh nghiệp khó thu xếp dòng tiền trả lãi trái phiếu đúng hạn.

Hay như tại CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG), doanh nghiệp cũng cho biết chưa trả lãi 2 kỳ liên tiếp của trái phiếu mệnh giá 5.271 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, HAGL đã chưa thanh toán lãi hai kỳ cho trái phiếu mã HAGLBOND16.26. Trong đó, ngày 30/3/2023 phải thanh toán 177,9 tỷ đồng và ngày 30/6/2023 phải thanh toán 177,9 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trước đó, công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam vừa thực hiện báo cáo Kiểm toán bán niên năm 2023 của HAGL) và nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp. Trong đó, kiểm toán nhấn mạnh tại thời điểm 30/6/2023, HAGL đang có khoản lỗ lũy kế 2.959,5 tỷ đồng, đồng thời, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 2.004 tỷ đồng.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong nửa đầu năm 2023, HAGL ghi nhận doanh thu 3.144,86 tỷ đồng, tăng 54,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 385,2 tỷ đồng, giảm 26,3% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 22,9%, xuống còn 20%.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong nửa đầu năm 2023, HAGL ghi nhận lỗ 113,16 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 216,66 tỷ đồng.

Như vậy, trong nửa đầu năm 2023, lợi nhuận gộp tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp, công ty có lãi chủ yếu nhờ đóng góp của doanh thu tài chính và lợi nhuận khác.

Trong khi đó, CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) báo cáo tình tình thanh toán lãi và gốc trái phiếu nửa đầu năm 2023. Trong đó, đối với mã trái phiếu TDC.BOND.2020.700, công ty đã 2 lần liên tiếp không thanh toán đúng hạn.

Theo đó, ngày 15/2/2023, công ty phải thanh toán 23,82 tỷ đồng nhưng chỉ thanh toán được 7 tỷ đồng vào ngày 15/2, còn lại 16,82 tỷ đồng được thanh toán vào ngày 17/2, muộn 2 ngày so với quy định khi phát hành trái phiếu.

Tương tự, vào ngày 15/5, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương phải thanh toán 24,24 tỷ đồng lãi cho trái chủ. Tuy nhiên, công ty chỉ thanh toán được 10,24 tỷ đồng và phần còn lại 14 tỷ đồng được thanh toán vào ngày 23/5, muộn 8 ngày so với quy định khi phát hành.

Lý giải cho việc liên tục chậm trả lãi trái phiếu, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương cho biết, do tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến việc kinh doanh bất động sản và kinh doanh bê tông.

Tổng quan tình hình tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2023, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương ghi nhận doanh thu thuần đạt 238 tỷ đồng, giảm sâu 70% so với doanh thu 799 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2022.

Chung cảnh ngộ, trong nửa đầu năm 2023, công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Đại Hùng đã hai lần chậm thanh toán lãi cho trái phiếu mã DALCH2226001. Trong đó, ngày 29/3/2023 phải thanh toán 55,48 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu và ngày 29/6/2023 sẽ phải thanh toán 60,49 tỷ đồng lãi trái phiếu.

Công ty Bất động sản Đại Hùng cho biết chưa thanh toán với lý do chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán.

Nhìn về hoạt động kinh doanh, trong năm 2022, Bất động sản Đại Hùng lỗ 542,8 triệu đồng so với năm 2021 ghi nhận lỗ 6,19 triệu đồng. Trong đó, tại thời điểm 31/12/2022, hệ số nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu là 4 lần, tương ứng dư nợ trái phiếu là 1.498,6 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại công ty đầu tư Hải Phát (HPX), ngày 12/4/2023 là hạn thanh toán lãi trái phiếu kỳ thứ 5 của mã trái phiếu HPXH2224001 cho 34 trái chủ nhưng công ty mới chỉ thanh toán đúng hạn cho 33/34 trái chủ. Trước đó, Đầu tư Hải Phát cho biết ngày 24/3/2023 là kỳ tính lãi thứ 5 của mã trái phiếu HPXH2123011 cho 31 trái chủ. Tuy nhiên, tới hạn thanh toán, công ty vẫn chưa thanh toán cho trái chủ.

Về kết quả kinh doanh, sau nhiều lần trì hoãn Đầu tư Hải Phát vừa công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Đáng chú ý, công ty đã chuyển từ lãi sang lỗ 60,41 tỷ đồng, với việc ghi nhận lỗ trong năm 2022, tính tới 31/12/2022, lợi nhuận lũy kế chưa phân phối của Đầu tư Hải Phát chỉ còn 154,3 tỷ đồng.

Được biết, mặc dù hết thời gian công bố Báo cáo kiểm toán bán niên năm 2023 nhưng Đầu tư Hải Phát đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Theo thông tin từ HNX, hiện Signo Land còn một lô trái phiếu đang lưu hành mã SNLCH2123001 với tổng giá trị 1.366,6 tỷ đồng. Ngày phát hành là 31/12/2021, kỳ hạn 18 tháng tương ứng với ngày đáo hạn là 30/6 năm nay.

Trước đó, Signo Land vừa công bố một số chi tiêu tài chính bán niên năm 2023 với khoản lỗ sau thuế 84,1 tỷ đồng, cùng kỳ cũng lỗ 163 tỷ đồng.

Theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tình trạng chậm thanh toán nợ trái phiếu bắt đầu tăng cao đột biến từ tháng 3 tới nay và vẫn chưa có xu hướng chậm lại. Xét về cơ cấu các ngành, bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất với 71% tổng giá trị trái phiếu chậm trả nợ.

Chuyên gia của KBSV cho rằng, giai đoạn sắp tới sẽ căng thẳng khi lượng trái phiếu đến hạn lớn. Dự tính sẽ có khoảng 401.600 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn vào năm 2023. Trong đó, lượng trái phiếu đáo hạn sẽ tập trung vào quý III với 91.800 tỷ đồng – tăng 26% so với quý liền trước. Áp lực đáo hạn sau đó hạ nhiệt trong vòng 2 tháng trước khi tăng mạnh trở lại lên mức 30.600 tỷ đồng vào tháng cuối năm 2023. Trong đó, nhóm bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 63.300 tỷ đồng và chiếm 42% tổng giá trị đáo hạn trong 6 tháng cuối năm.

Châu Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/kinh-doanh-bet-bat-khien-nhieu-doanh-nghiep-cham-tra-lai-trai-phieu-1095175.html