'Kim chỉ nam' để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Trong những năm qua, các hoạt động đối ngoại quốc phòng không ngừng được đẩy mạnh, góp phần nâng cao vị thế của đất nước, xây dựng lòng tin chiến lược giữa các quốc gia, thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác trong khu vực và trên thế giới. Trước những diễn biến mới, mau lẹ của tình hình thế giới và khu vực, ngày 9/1/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 34-NQ/TW về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng (gọi tắt là Nghị quyết 34). Nghị quyết này được xem là 'kim chỉ nam' quan trọng định hướng các hoạt động đối ngoại nói chung và hoạt động đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng nói riêng trong thời gian tới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngọc Lâm, BĐBP Nghệ An (Việt Nam) và Đại đội Biên phòng 252, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào) phối hợp tổ chức tuần tra song phương bảo vệ biên giới. Ảnh: Ngọc Huy

Bảo đảm cao nhất về lợi ích quốc gia-dân tộc

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực sẽ tạo ra cơ hội và thách thức đan xen; tình hình trên các tuyến biên giới, vùng biển, đảo vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức, ngày 9/1/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 34 nhằm cụ thể hóa một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, với mục tiêu bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra; không ngừng nâng cao tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Nghị quyết quan trọng này có tư tưởng xuyên suốt là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Giữ vững hòa bình, ổn định đi đôi với bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Chủ động, tích cực đóng góp vào hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững trên tinh thần Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Xử lý hài hòa các vấn đề liên quan đến lợi ích của các nước khác.

Phát huy cao độ thế và lực của đất nước, tận dụng hiệu quả các yếu tố quốc tế thuận lợi và nguồn lực bên ngoài để chủ động, tích cực kiến tạo cục diện có lợi cho môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của đất nước. Đổi mới tư duy, sáng tạo trong công tác đối ngoại trên cơ sở kiên định mục tiêu, giữ vững nguyên tắc, chân thành, khiêm tốn. Coi trọng công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về công tác đối ngoại; công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo mật thông tin, phòng, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...

Vận dụng linh hoạt vào các hoạt động đối ngoại biên phòng

Thực tiễn thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia cho thấy, đối ngoại biên phòng là kênh đối ngoại quan trọng để BĐBP trao đổi thông tin, tình hình, đặc biệt là giải quyết các vụ việc về biên giới quốc gia với lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng. Đối ngoại biên phòng góp phần vun đắp, củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển hai bên biên giới, góp phần quan trọng quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đối ngoại biên phòng cũng góp phần quan trọng vào kết quả đối ngoại của Nhà nước, các ngành, các lực lượng ở biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước, BĐBP Đồng Tháp (Việt Nam) phối hợp với Đại đội 3 BĐBP và Đồn Công an bảo vệ biên giới Cô Rô Ca (Campuchia) tổ chức tuần tra song phương đoạn biên giới từ mốc 240 đến mốc 237, dài 5,1km. Ảnh: Hữu Gươm

Mới đây, tại Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết 34 do Đảng ủy BĐBP tổ chức, Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP chia sẻ thông tin: BĐBP đã ký các văn bản hợp tác về biên phòng với lực lượng bảo vệ biên giới các nước chung đường biên giới về quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm, kiểm soát biên giới, cửa khẩu, cứu hộ, cứu nạn. Thông qua đối ngoại biên phòng đã giải quyết hài hòa, hợp lý, đúng chủ trương, đối sách, pháp luật các vụ việc về biên giới, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc và tạo sự ổn định trên biên giới; tăng cường các cuộc giao lưu hữu nghị biên giới ở các quy mô, hình thức khác nhau từ Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP đến các đồn, trạm Biên phòng.

BĐBP hiện nay duy trì có hiệu quả hoạt động kết nghĩa giữa 188 cặp/265 đồn Biên phòng với các đồn, đại đội BĐBP và chi đội, trạm kiểm tra Biên phòng xuất, nhập cảnh các nước láng giềng; tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức kết nghĩa được 207 cặp cụm dân cư hai bên biên giới... Các kết quả trển đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của đối ngoại biên phòng trong đối ngoại quốc phòng, là nhân tố quan trọng trong ổn định tình hình biên giới, chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia; quan hệ chính quyền, nhân dân, lực lượng bảo vệ hai bên biên giới luôn được củng cố, phát triển, tạo sự ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội trên các tuyến biên giới...

Chia sẻ, quán triệt tại hội nghị, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP đã nêu bật vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của công tác đối ngoại nói chung, trong đó có hoạt động đối ngoại biên phòng. Đồng thời, liên hệ chặt chẽ giữa những điểm mới của Nghị quyết 34 với thực tiễn quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia để các cán bộ chủ chốt, trợ lý khối cơ quan Bộ Tư lệnh BĐBP hiểu sâu nội dung, từ đó có những đóng góp thiết thực vào công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quân đội, BĐBP, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Theo đó, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến cho biết, công tác đối ngoại biên phòng tiếp tục được khẳng định là biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới của BĐBP trong Luật Biên phòng Việt Nam. Hiện nay, tình hình trên các tuyến biên giới có những thay đổi nhất định. Do đó, công tác đối ngoại biên phòng theo tinh thần Nghị quyết 34 cần đổi mới về nội dung, phương thức, đáp ứng yêu cầu hội nhập của nước ta với các nước láng giềng. Công tác tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cần phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, thiết thực và hiệu quả, giải quyết được các vấn đề về quản lý, bảo vệ biên giới một cách ổn định, phù hợp với chính sách, quan điểm đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

BĐBP cần đa dạng hóa các hoạt động đối ngoại biên phòng ở các mức độ, cấp khác nhau, từ Bộ Tư lệnh BĐBP đến các đồn, trạm Biên phòng trên các tuyến biên giới và phải sát, phù hợp tình hình thực tế ở các đơn vị và tuyến biên giới. Đồng thời, phát huy được sức mạnh, nguồn lực trong công tác đối ngoại, kết hợp nhuần nhuyễn với ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành trên biên giới.

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 34 trong toàn lực lượng, tại hội nghị Thiếu tướng Trần Văn Bừng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy BĐBP, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP đã lên hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chính trị các cấp xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai Nghị quyết 34 bảo đảm nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả. Các nhà trường trong BĐBP nghiên cứu đưa những nội dung cơ bản, cốt lõi, những điểm mới của Nghị quyết 34 vào chương trình giảng dạy, học tập cho các đối tượng. Các cơ quan thông tấn, báo chí của lực lượng tuyên truyền những nội dung cơ bản, vấn đề mới trong Nghị quyết 34; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc đường lối đối ngoại của Đảng.

Cẩm Linh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/kim-chi-nam-de-bao-ve-to-quoc-tu-som-tu-xa-post467466.html