Kiên quyết đấu tranh với thực phẩm 'bẩn'

Sử dụng thực phẩm an toàn là nhu cầu hằng ngày của mỗi gia đình. Tuy nhiên, tình trạng kinh doanh thực phẩm không đảm bảo VSATTP vẫn diễn ra gây bức xúc trong dư luận xã hội. Cuộc chiến chống thực phẩm "bẩn" trở nên quyết liệt, cam go hơn. Trong cuộc chiến đó, lực lượng công an là chủ công, đã và đang có những biện pháp đấu tranh, kiềm chế hành vi vi phạm này.

Lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thực phẩm "bẩn". Ảnh: Dương Hà

Mới đây, Công an huyện Vĩnh Tường bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn Hậu, sinh năm 1980, ở xã Tân Tiến điều khiển ô tô chở hơn 200kg mỡ, nội tạng không rõ nguồn gốc xuất xứ, bốc mùi hôi thối mang về xưởng để chế biến mỡ động vật.

Tiếp tục kiểm tra tại cơ sở chế biến của Hậu, lực lượng công an phát hiện 550kg sản phẩm động vật và gần 3,5 tấn mỡ thành phẩm. Tất cả những sản phẩm này đều không đảm bảo VSATTP. Công an huyện Vĩnh Tường phối hợp chính quyền địa phương đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số sản phẩm động vật trên.

Trước đó, tối 18/4, qua công tác trinh sát, nắm tình hình, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh kiểm tra xe ô tô BKS 88C-214.70 do Nguyễn Văn Xâm, sinh năm 1999, ở xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương điều khiển, phát hiện trên xe chở 9 cá thể lợn đã chết, có tổng trọng lượng khoảng hơn 750kg.

Đây chỉ là 2 trong số hàng chục vụ buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc được phát hiện, bắt giữ. Quý I/2022, lực lượng cảnh sát môi trường, Công an tỉnh kịp thời, phát hiện, giải quyết 107 vụ với 107 đối tượng vi phạm trong lĩnh vực VSATTP; ra quyết định xử phạt 62 vụ với 62 đối tượng, tổng số tiền xử phạt gần 240 triệu đồng và đang tiếp tục xác minh, làm rõ 45 vụ việc.

Đại tá Trương Bá Khánh, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh cho biết: "Theo nghị định số 115 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, người có hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng đối với cá nhân; 200 triệu đồng đối với tổ chức hoặc có thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự.

Chế tài xử phạt đã rõ và đủ sức răn đe, tuy nhiên, do lợi nhuận "khủng" từ việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm “bẩn” đem lại, nên các đối tượng vẫn bất chấp quy định pháp luật, trong đó, có nhiều đối tượng đã từng bị xử phạt nhưng vẫn tiếp diễn vi phạm".

Qua kiểm tra, rà soát của lực lượng công an, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư, công nghệ sản xuất lạc hậu; nhận thức, ý thức chấp hành quy định của pháp luật về ATVSTP của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cũng như người tiêu dùng mặc dù đã có chuyển biến, song vẫn còn nhiều hạn chế; các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi… là những khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả công tác đấu tranh trong lĩnh vực này.

Thực hiện “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022, Công an tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền ATVSTP, vận động quần chúng nhân dân cảnh giác với thực phẩm không an toàn, tham gia phát hiện, tố giác đối với các hành vi vi phạm…

Qua đó, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân đối với các loại thực phẩm không an toàn, hạn chế các tổ chức, cá nhân vi phạm, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương bám sát địa bàn, theo sát cơ sở, kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm. Triển khai nhiều đợt cao điểm, chuyên đề về đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, nhất là trong các dịp lễ, Tết.

Chủ động rà soát, thống kê, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, các đầu mối cung cấp thực phẩm, các cơ sở sơ chế, giết mổ gia súc, gia cầm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh... trên địa bàn tỉnh.

Công tác kiểm tra tập trung vào các địa bàn khu du lịch, khu công nghiệp, chợ đầu mối; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát đối với các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, hải sản trên địa bàn.

Ngành chủ động phát hiện, xử lý các đối tượng vận chuyển thực phẩm chưa qua kiểm dịch, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, an toàn. Phối hợp với các ban, ngành chức năng thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kịp thời chấn chỉnh, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.

Thu Nhàn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/an-ninh-quoc-phong/76946/kien-quyet-dau-tranh-voi-thuc-pham-%E2%80%9Cban%E2%80%9D.html