Kiến giải những vấn đề trong xã hội, thực hiện tốt chủ trương, chính sách về công tác dân số

Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số đã diễn ra thành công, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo phóng viên, nhà báo. Để hiểu rõ hơn quá trình tác nghiệp và thông điệp mà các tác giả muốn gửi gắm, báo Nhà báo và Công Luận đã có cuộc trò chuyện với một số tác giả đoạt giải.

Nhà báo Viết Lam – Báo Biên phòng (giải A - loạt 3 bài: Hệ lụy tảo hôn và "cuộc chiến" chưa có hồi kết)

Nhân rộng mô hình hay, đẩy lùi nạn tảo hôn

Thông qua các kênh báo chí tôi biết được Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số, tôi đã nỗ lực hoàn thành tác phẩm để tham gia dự thi. Tác phẩm nói về hệ lụy của nạn tảo hôn. Tôi triển khai thực hiện ở địa bàn biên giới miền núi phía tây tỉnh Nghệ An. Nơi có đông đảo đồng bào dân tộc Mông, sinh sống.

Bài liên quan

Trao giải báo chí toàn quốc về công tác dân số

Phát động giải báo chí toàn quốc về công tác dân số

Mong muốn có thêm nhiều tác phẩm báo chí phản ánh cách làm hay, sáng tạo về công tác dân số

Báo chí luôn đồng hành cùng công tác dân số

Nhà báo Viết Lam – Báo Biên phòng chia sẻ về việc thực hiện loạt bài: Hệ lụy tảo hôn và "cuộc chiến" chưa có hồi kết. Ảnh: NVCC

Nạn tảo hôn đã tồn tại lâu dài và để lại hệ lụy rất nặng nề, qua bài viết tôi muốn phản ánh một thực trạng diễn ra, đồng thời đưa ra những giải pháp để cùng với chính quyền địa phương, dần dần đẩy lùi được nạn tảo hôn.

Ban đầu khi thực hiện tác phẩm, tôi nghĩ rằng mình sẽ gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên đi vào thực tế lại không phải như vậy. Tôi càng tiếp xúc với người dân, đặc biệt là người cao tuổi họ khẳng định nạn tảo hôn là sự biến tướng của tục bắt vợ ngày xưa, nó để lại hệ lụy nặng nề.

Đã có nhiều xã tuyên truyền hiệu quả để bỏ hủ tục này, người dân bước đầu ý thức được rằng cần phải có giải pháp để đẩy lùi nạn tảo hôn. Tuyên truyền để giới trẻ không hiểu sai về tục bắt vợ dẫn đến biến tướng thành nạn tảo hôn. Tuy nhiên hiện nay một số địa phương cũng triển khai các biện pháp rất quyết liệt và thành công đã đẩy lùi được nạn tảo hôn.

Nhà báo Phạm Văn Đông - Báo Lao động (Giải A - loạt 5 kỳ: Bức tử thai nhi)

Hành trình “vẽ bản đồ” những “địa chỉ đen” nạo phá thai

Tháng 6/2020, loạt bài điều tra "Bức tử thai nhi" chúng tôi đăng tải trên Báo Lao Động với những hình ảnh gây sốc về những thai nhi đang phát triển khỏe mạnh ở tuổi thai rất lớn bị "trục xuất" ra khỏi cơ thể người mẹ. Chúng tôi mong muốn bạn đọc hiểu rõ về các phòng khám sản khoa vi phạm nghiêm trọng luật khám chữa bệnh và đạo đức con người.

Trong suốt 8 tháng, nhằm có được những bằng chứng rõ nét nhất để phục vụ cho tuyến điều tra này, ngoài sự giúp đỡ của nhiều hội nhóm thiện nguyện, nhóm tác giả đã phải nhập vai sản phụ đi phá thai to ở tuần thứ 26, tiếp cận lấy thông tin từ các phòng khám.

Nhà báo Phạm Văn Đông - Báo Lao động nhận giải A - Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số. Ảnh: NVCC

Dù chỉ được phép xử lý những ca thai dưới 12 tuần tuổi thì những “địa chỉ đen” lại chuyên tiếp nhận và phá bỏ hàng loạt ca thai có độ tuổi lớn mà pháp luật nghiêm cấm.

Trên thực tế, các thai nhi trên 7 tháng tuổi đều có tỉ lệ sống rất cao, nhưng theo lời kể của chính những người đã từng có thời gian dài làm việc tại phòng khám thì chủ cơ sở luôn tìm mọi cách bức tử các bé.

Đặc biệt, trong hành trình “vẽ bản đồ” những “địa chỉ đen” nạo phá thai tại Hà Nội, chúng tôi được nhiều phòng khám nhận lời làm thủ tục nhưng cho biết địa điểm thực hiện lại là tại phòng khám Phương Thanh số 85 Giải Phóng. Điều này cho thấy sự liên kết thành hệ thống giữa các phòng khám.

Ngoài ra, nhóm còn tiếp cận những tình nguyện viên đã cứu sống các thai nhi khỏi bàn tay “quỷ” của những phòng phá thai trái phép, mang lại sự sống tốt đẹp cho các em. Đó là cả một hành trình dài đầy quả cảm, đầy sự yêu thương của các tình nguyện viên.

Không chỉ được bạn đọc quan tâm, qua loạt bài lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng gửi lời cảm ơn Báo Lao Động đã quyết liệt điều tra, chỉ ra những sai phạm tại các phòng khám này.

Nhà báo Hoàng Thương – Báo Lào Cai (Giải B - loạt 3 kỳ: Nâng cao chất lượng dân số: Thách thức không nhỏ từ vùng cao)

Đi sâu tìm hiểu và lấy ý kiến nhiều bên liên quan để có cái nhìn khách quan nhất

Quá trình thực hiện loạt bài viết này tôi gặp không ít khó khăn. Ban đầu tôi chỉ định viết bài một kỳ bình thường, nhưng sau khi đi thực tế tôi thấy đề tài có quá nhiều vấn đề, không thể nói hết trong một bài viết ngắn, đơn thuần.

Nhà báo Hoàng Thương (áo màu sẫm) – Báo Lào Cai phỏng vấn người dân ở huyện miền núi cao. Ảnh: NVCC

Chứng kiến cuộc sống của người dân tộc thiểu số ở vùng cao, lắng nghe những câu chuyện của họ, nhìn những đứa trẻ bằng tuổi con mình sống nheo nhóc, còm nhom, thiếu thốn đủ bề thấy rất thương. Nên tôi đã cố gắng đi sâu tìm hiểu và lấy ý kiến nhiều bên liên quan để có cái nhìn khách quan nhất.

Vì bài viết đề cập cả đến vấn đề tế nhị nên quả thực cũng hơi khó cho tôi khi trao đổi với các nhân vật, nhưng qua câu chuyện với họ tôi hiểu hơn về mấu chốt vấn đề. Tôi nghĩ mỗi người dân nên thiết lập kế hoạch hóa gia đình giúp việc sinh con có được một sức khỏe ổn định.

Ngoài ra, trong loạt bài tôi cũng tự mình có cách nhìn nhận, đánh giá khách quan và đưa ra giải pháp phù hợp với tình hình từ thực tế, để mong góp phần cùng các cấp, ngành làm tốt hơn công tác kế hoạch hóa gia đình, giúp cuộc sống của người dân tộc thiểu số vùng cao bớt khó khăn hơn. Đây là bài viết tôi cũng khá tâm huyết vì ngồi liền một mạch 12 tiếng để viết xong 3 kỳ.

Sơn Hải (ghi)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kien-giai-nhung-van-de-trong-xa-hoi-thuc-hien-tot-chu-truong-chinh-sach-ve-cong-tac-dan-so-post172915.html