Không 'giải cứu' ý thức, đường vẫn tắc!

Tốc độ đô thị hóa nhanh trong khi hạ tầng lại chưa theo kịp nhịp phát triển khiến tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội trở thành nỗi nhức nhối, 'bài toán khó' với các cơ quan chức năng. Thời gian qua, Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm kéo giảm ùn tắc, trong đó việc thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi là ví dụ. Tuy nhiên, qua thực tế, nhiều ý kiến cho rằng giải pháp cấp bách chính là 'giải cứu' ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông.

Dải phân cách có, người tham gia giao thông vẫn coi như không

7h30 phút sáng 22/7, có mặt tại khu vực cầu Khương Đình, đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), phóng viên chứng kiến tình trạng phương tiện ô tô, xe máy đi lại khá lộn xộn. Là ngày cuối tuần nên dù đang vào giờ cao điểm buổi sáng, phương tiện hướng từ Ngã Tư Sở đi Hà Đông vẫn tương đối thoáng, không có hiện tượng ùn tắc. Tuy nhiên, tình trạng xe máy đi vào làn ô tô và ngược lại vẫn xảy ra phổ biển. Ở chiều ngược lại, hướng từ Hà Đông vào trung tâm Thành phố tình trạng cũng diễn ra tương tự. Tại hướng lưu thông này, mật độ phương tiện đông nên xe máy, ô tô đi đan xen.

Các phương tiện di chuyển hỗn loạn dù đường Nguyễn Trãi được phân tách làn gây ra ách tắc giao thông.

Tiếp tục khảo sát trên cung đường vào sáng 24/7, là ngày đầu tuần nên lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên cung đường có dấu hiệu tăng đột biến. Đáng nói, cũng giống như thời điểm cuối tuần, các phương tiện lưu thông trên cung đường vẫn giữ “thói quen” gần như hỗn hợp, không theo làn. Dẫn như vậy để thấy, hành vi ngang nhiên đi sai làn trên tuyến đường Nguyễn Trãi đã diễn ra suốt một thời gian dài, đây cũng là một trong những căn nguyên khiến tình trạng ùn tắc giao thông tại tuyến đường này diễn biến phức tạp.

Để giảm ùn tắc giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đưa ra 6 biện pháp, trong đó ngoài việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phát triển đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng kết hợp mô hình TOD (lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị)… Sở tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông.

Đáng chú ý, theo ghi nhận, hiện cơ sở vật chất phục vụ hoạt động phân tách làn đang có nhiều dấu hiệu hư hại, không đảm bảo hoạt động. Cụ thể, để phân làn, các ngành chức năng đã bố trí dải phân cách cứng trên đường Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, vẫn có hiện trạng cột biển báo xô lệch, dải phân cách nhếch nhác, uốn lượn làm cản trở giao thông và làm xấu đi hình ảnh giao thông của Thủ đô.

Cùng đó, trên trục đường vẫn tồn tại một số vi phạm như ô tô dừng đỗ bất chấp biển cấm, làm ảnh hưởng đến luồng lưu thông của làn xe máy, xe thô sơ và xe buýt (2 làn này nằm bên trong, sát mép đường); Ý thức người dân cũng là vấn đề đáng lo ngại. Theo quan sát, tại trục đường một số người dù có cầu bộ hành song họ vẫn chọn phương án đi bộ tắt qua dòng phương tiện, gây ảnh hưởng đến giao thông.

Được biết, Hà Nội tổ chức thí điểm phân làn phương tiện trên trục đường Nguyễn Trãi (đoạn Ngã Tư Sở - Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân), thời gian được xác định từ ngày 6/8/2022. Phải khẳng định, đây là quyết định phù hợp bởi Nguyễn Trãi là một trong những trục giao thông hướng tâm được đầu tư hạ tầng tốt bậc nhất của Hà Nội với 5 - 6 làn xe mỗi hướng lưu thông. Trục giao thông này cũng được tích hợp hạ tầng tương đối hiện đại gồm giao thông 4 tầng lưu thông (mặt đất, hầm chui, đường trên cao, đường sắt đô thị) chưa kể hệ thống cầu vượt dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, do lưu lượng phương tiện lưu thông qua trục Nguyễn Trãi có mật độ tương đối lớn, tuyến đường có nhiều khoảng giao cắt; nan giải hơn, ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao… dẫn đến thời gian thí điểm phân làn phải kéo dài.

Ở góc độ người dân thường xuyên tham gia giao thông trên trục đường, ông Nguyễn Văn Cao (quận Thanh Xuân) cho biết, hoạt động phân làn phương tiện trên đường Nguyễn Trãi ít nhiều đã cải thiện ý thức của người dân. Tuy nhiên, ý thức người tham gia giao thông chưa cao nên việc đi sai làn đã khiến giao thông trở nên lộn xộn. Theo ông Nguyễn Văn Cao, buổi sáng hệ thống lốp phản quang, dải phân cách cứng phục vụ phân tách làn thường xuyên bị xô lệch do phương tiện tham gia giao thông va chạm. Bởi vậy, ông Cao kiến nghị, ngoài một số điểm đầu và cuối để dải phân cách cứng thì các ngành chức năng nên để dải phân cách mềm (bằng vạch kẻ đường). Việc giảm bớt các dải phân cách cứng sẽ giúp cho các phương tiện bớt va quệt vào biển báo, lốp phản quang, trụ đảo mũi tên gây tai nạn giao thông.

Phạt nặng để người dân thay đổi thói quen

Mục tiêu lớn nhất của việc phân làn giao thông là nâng cao ý thức của người dân, để dòng phương tiện đi đúng làn đường, giảm ùn tắc, tăng khả năng lưu thông. Việc Hà Nội triển khai phân làn cứng để tách dòng phương tiện trên trục đường Nguyễn Trãi -trục giao thông rộng nhất Thủ đô, là một bước đi cần thiết trong tổ chức giao thông, phù hợp với tham vấn, góp ý của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này. Bởi giao thông hỗn hợp được cho là nguyên nhân của ùn tắc và tai nạn.

Kể cả không phải giờ cao điểm, người tham gia giao thông cũng "không chịu" đi đúng làn đường trên đường Nguyễn Trãi. Do đó, "giải cứu" ý thức người tham gia giao thông cũng không kém phần quan trọng!

Theo chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, ùn tắc giao thông là nỗi bức xúc của người dân Thủ đô suốt nhiều năm nay. Việc phân luồng giao thông, tách riêng các phương tiện nhằm giảm ùn tắc giao thông là sự cố gắng lớn của các cơ quan chức năng. Trước mắt, để đánh giá việc thí điểm này có hiệu quả hay chưa thì cần thêm thời gian, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Với tuyến đường Nguyễn Trãi, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho rằng, phân làn xe máy, ô tô trên trục giao thông này dù có thuận lợi song cũng có những khó khăn nhất định. Cụ thể, đây là trục đường tương đối phức tạp bởi trải dọc tuyến có nhiều nút giao, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Để khắc phục thì cần tiếp tục thí điểm để tìm ra phương cách điều tiết giao thông phù hợp và hiệu quả nhất.

Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông Nghiêm Quốc Thắng chia sẻ, việc phân làn xe máy, ô tô trên đường Nguyễn Trãi có ý nghĩa lớn với giao thông Thủ đô. Tuy nhiên, ý nghĩa của hoạt động này tốt nhưng cách thức triển khai lại chưa tốt và cần phải khắc phục ở nhiều điểm. Chẳng hạn, với trục đường Nguyễn Trãi, ông Nghiêm Quốc Thắng chia sẻ, một bộ phận người tham gia giao thông chưa nghiêm túc chấp hành yêu cầu phân làn của các cơ quan chức năng, bởi vậy cần phải có các biện pháp tuyên truyền cũng như xử lý vi phạm. Về lâu dài, để giảm ùn tắc, chuyên gia giao thông khuyến cáo, Hà Nội phải triển khai đồng bộ các giải pháp giảm phương tiện giao thông cá nhân, tăng cường năng lực cho vận tải hành khách công cộng.

Ở góc độ cơ quan quản lý, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, Sở đang tập trung phân luồng phục vụ thi công gói thầu số 2 thuộc dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, tổ chức lại giao thông tuyến đường Nguyễn Trãi. Hoạt động này gây ảnh hưởng nhất định đến công tác phân luồng giao thông trên toàn trục đường. Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, để giảm ùn tắc trên trục đường Nguyễn Trãi nói riêng, cũng như “bức tranh” giao thông Thủ đô nói chung thì cần đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, ý thức người tham gia giao thông hiện vẫn còn hạn chế, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao hơn nữa, từ đó mới giảm tải được tình trạng ùn tắc.

Luyện Đinh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khong-giai-cuu-y-thuc-duong-van-tac-158641.html