Không chiến Nga - Ukraine trở thành xung đột tiêu hao không hồi kết

Khi giao tranh trên bộ giữa Nga và Ukraine trở thành cuộc xung đột tiêu hao thì mặt trận trên không cũng vậy.

Cuộc xung đột tiêu hao không hồi kết

Bùn đất và sự kiệt sức đang đẩy cuộc phản công của Ukraine đi đến hồi kết. Trọng tâm vì vậy dịch chuyển sang bảo vệ các thành phố, cơ sở hạ tầng và những trung tâm sản xuất quan trọng khỏi cuộc tấn công tên lửa và UAV mà Nga mới nối lại nhằm làm xói mòn ý chí và khả năng chiến đấu của Kiev.

Ngày 11/10, Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine - một liên minh gồm 54 nước cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine đã gặp nhau tại Brussels trong cuộc họp thứ 16. Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định, những thứ Ukraine cần nhất lúc này là khả năng phòng không và đạn pháo. Đầu tháng này, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO - Đô đốc Rob Bauer thậm chí cảnh báo, phương Tây "đang vét đáy thùng" và sắp hết đạn để viện trợ cho Kiev.

Nga thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars ở sân bay vũ trụ Plesetsk trong video được công bố ngày 25/10/2023. Ảnh: Reuters

Mùa đông năm ngoái, sau những tháng khó khăn khi mạng lưới điện của Ukraine liên tục bị Nga tấn công, hệ thống phòng không của Kiev đã dần được tăng cường. Ukraine cho biết phần lớn tên lửa của Nga đều bị bắn rơi trước khi tiếp cận được mục tiêu. Các hệ thống phòng không phóng từ mặt đất của phương Tây như Patriot và hệ thống tên lửa phòng không tầm trung IRIS-T đã đến tay Kiev kịp thời và giới quan sát cho rằng, các lực lượng của Ukraine đã thể hiện đáng kể kỹ thuật kết hợp các nền tảng và hệ thống radar khác nhau. Đội ngũ kỹ sư của Kiev cũng thể hiện năng lực vượt kỳ vọng khi có thể nhanh chóng khôi phục nguồn cung năng lượng, thậm chí sau nhiều cuộc bất công và bất chấp việc có thể biến mình trở thành mục tiêu.

Mùa đông năm nay, Ukraine cũng phải đối mặt với thách thức tương tự hoặc thậm chí còn tồi tệ hơn khi Nga rút kinh nghiệm những bài học từ quá khứ. Ukraine đã xây dựng hệ thống phòng thủ kiên cố quanh các khu vực quan trọng của mạng lưới điện và nhận được các máy phát khẩn cấp để tránh việc bị cắt điện diện rộng. Tuy nhiên, khi giao tranh trên bộ trở thành cuộc xung đột tiêu hao thì giao tranh trên không cũng vậy.

Chuyên gia Douglas Barrie tại Viện Nghiên cứu Chiến lược cho rằng câu hỏi với cả bên tấn công và bên phòng thủ là "Bạn còn lại gì?" Nói cách khác, liệu Ukraine có cạn kiệt vũ khí phòng thủ tên lửa trước khi Nga cạn kiệt tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và UAV tấn công hay không? Hoặc liệu Ukraine có đủ các hệ thống phòng thủ để bao quát các mục tiêu Nga có thể nhắm trúng hay không?

Nico Lange, một chuyên gia về Ukraine tại Hội nghị An ninh Munich thì lo ngại Ukraine không có đủ hệ thống phòng không cũng như đạn dược. Quốc gia này hiện nay gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các vũ khí phương Tây và đã sử dụng gần như toàn bộ hệ thống S-300 thời Liên Xô cũng như tên lửa Buk mà nước này sẵn có. Tình trạng thiếu hụt các hệ thống vũ khí tầm ngắn đến tầm trung như NASAMS do Mỹ và Na Uy đồng sản xuất cùng đang vô cùng nghiêm trọng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, các tên lửa NASAMS và AIM-7 sẽ được cung cấp bổ sung cho Ukraine. Tuy nhiên, chuyên gia Lange cho rằng tỷ lệ sản xuất hiện nay không đủ nhanh chóng để đáp ứng các nhu cầu của Ukraine trong mùa đông này. Các công ty quốc phòng ở châu Âu sẵn sàng tăng cường sản xuất với các dây chuyền hiện tại nhưng dường như vẫn ngần ngại đầu tư vào các dây chuyền mới để thúc đẩy năng lực về dài hạn.

Vì thế, thậm chí cả khi Ukraine được cam kết nhận được các hệ thống vũ khí cần thiết thì không có gì đảm bảo chúng sẽ đến tay Kiev kịp thời. Lấy hệ thống IRIS-T làm ví dụ, Đức cam kết cung cấp bổ sung vũ khí này cho Ukraine nhưng hiện chưa rõ khi nào Kiev sẽ nhận được chúng. Sau cuộc họp ở Brussels, Đức đã đưa ra một danh sách bao gồm mọi thứ nước này đã cung cấp hoặc sẽ cung cấp cho Ukraine. Danh sách này bao gồm thêm 2 hệ thống IRIS-T. Nhà sản xuất IRIS-T Diehl Defence cũng cam kết tăng gấp đôi khả năng sản xuất từ 4 lên 8 hệ thống một năm chứ không phải tới năm 2025.

6 hệ thống IRIS-T dự kiến sẽ được cung cấp trong tháng này, nhưng là cho lực lượng không quân Đức chứ không phải Ukraine. Lực lượng không quân của các nước châu Âu khác cũng đang hối hả đặt hàng IRIS-T sau khi ấn tượng với khả năng nhắm trúng mục tiêu gần như 100% trong việc bảo vệ Kiev.

Sự chuẩn bị của Nga và Ukraine

Một câu trả lời ngắn hạn cho việc thiếu hụt các hệ thống phòng không của Ukraine là phương Tây sẽ cung cấp cho Kiev các hệ thống cũ mà họ không sử dụng nữa. Một ví dụ cho xu hướng này là nỗ lực hỗ trợ thế hệ tiền nhiệm của Patriot - hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung Hawk, đi vào hoạt động vào những năm 1960 nhưng vẫn hiệu quả nếu được trang bị radar nâng cấp. Tây Ban Nha đã cung cấp các hệ thống Hawk cho Ukraine và Mỹ có lẽ sẽ cung cấp thêm một số hệ thống nữa.

Tương tự, RIM-7 Sea Sparrow - tên lửa chống hạm tầm ngắn cũng có thể hoạt động tốt với hệ thống pháo phản lực Buk thời Liên Xô của Ukraine.

Phương Tây từng nghĩ rằng các lệnh trừng phạt của họ có thể ngăn cản Nga nhận được các linh kiện để sản xuất thêm tên lửa. Tuy nhiên, những hy vọng này đã nhanh chóng lu mờ. Hồi tháng 5, các nguồn tin tình báo Ukraine ước tính, mỗi tháng Nga có thể sản xuất khoảng 60 tên lửa hành trình tấn công mặt đất, 5 tên lửa đạn đạo Iskander và 2 tên lửa siêu thanh Kinzhal. Ông Barrie nhận định, các mảnh vỡ thu thập được từ các cuộc không kích gần đây của tên lửa hành trình Kh 101 cho thấy chúng được sản xuất gần đây.

Nga cũng đang thay đổi mục đích sử dụng tên lửa đất đối không và tên lửa chống hạm cho các cuộc tấn công mặt đất. Nước này cũng kêu gọi tăng cường sản xuất vũ khí cảm tử lưu động và UAV giá rẻ.

Một mối đe dọa nữa với Ukraine là bom lượn phóng từ trên không do GLONASS dẫn đường (hệ thống định vị của Nga giống như GPS). Chúng có tầm hoạt động 50km, tấn công chính xác trong phạm vi 10 mét và rẻ hơn nhiều so với tên lửa. Ông Lange nhận định, Ukraine đang rất cần các phương tiện chiến tranh điện tử tốt hơn và nhiều hơn để có thể đối phó với bom dẫn đường và UAV của Nga. Tuy nhiên, ông cũng lo ngại các nước hỗ trợ sẽ do dự trong việc chia sẻ chúng.

Nhờ tích trữ tên lửa trong suốt mùa hè, Nga có thể sẽ nối lại các cuộc tấn công với mức độ tương đương năm ngoái và duy trì chúng trong một vài tháng. Có một số minh chứng từ những cuộc tấn công gần đây cho thấy Nga lựa chọn tấn công các mục tiêu ít được bảo vệ hơn so với ở Kiev, chẳng hạn như ở Odessa và các thành phố cảng khác. Như ông Barrie nói: "Ukraine là một đất nước rộng lớn. Vì thế có rất nhiều mục tiêu Nga có thể nhắm vào".

Nga dường như sẽ không cạn kiệt tên lửa. Câu hỏi với Ukraine lúc này là liệu họ có duy trì được nguồn cung các vũ khí để tiếp tục bắn hạ chúng?

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: The Economist

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/khong-chien-nga-ukraine-tro-thanh-xung-dot-tieu-hao-khong-hoi-ket-post1055110.vov