Khoa học công nghệ tiếp thêm động lực cho các Doanh nghiệp sản xuất

Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ hoạt động đổi mới ứng dụng Khoa học công nghệ (KHCN) của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Trong đó, đã kết nối cho nhiều DN tiếp cận và tham gia các chương trình ứng dụng KHCN giúp nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các DN trong tỉnh. Đồng thời, thúc đẩy các DN, HTX trong toàn tỉnh trong việc đẩy mạnh sản xuất, nâng cao giá trị các sản phẩm đặc sản, trong đó đặc biệt là các DN, HTX trên vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, nơi có rất nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản của tỉnh Hà Giang.

Mô hình “Dự án nghiên cứu ứng dụng KHCN cao để nuôi ong lấy mật hoa Bạc Hà” tại 5 thôn xã Cán Chu Phìn huyện Mèo Vạc của Công ty CP phần đầu tư và công nghệ Gia Hoàng

Điển hình như Công ty Cổ phần đầu tư và công nghệ Gia Hoàng tổ 1, phường Ngọc Hà, Tp Hà Giang đã mạnh dạn ứng dụng thí nghiệm KHCN vào sản xuất “Dự án nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cao để nuôi ong lấy mật hoa Bạc hà” tại huyện Mèo Vạc với mục tiêu xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm mật ong Bạc hà đạt tiêu chuẩn kĩ thuật chăm sóc theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tạo ra một sản phẩm khác biệt hoàn toàn so với các sản phẩm hiện có trên thị trường. Ứng dụng công nghệ blockchain nhằm ghi chép nhật ký sản xuất, khoanh vùng nguyên liệu, block dữ liệu và xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, hướng dẫn, chuyển giao kĩ thuật nuôi ong ứng dụng công nghệ cao cho các hộ cá thể nhằm tăng năng xuất và chất lượng sản phẩm. Xuất khẩu đa dạng sản phẩm bán cho thị trường trong nước và quốc tế.

Anh Đỗ Công Định, đại diện Công ty Cổ phần đầu tư và công nghệ Gia Hoàng chia sẻ: Hiện nay, diện tích cây Bạc hà tại 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn có trên 4.125,45 ha, đây được coi là 1 tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển ngành nuôi ong chất lượng cao. Nuôi ong lấy mật là nghề đã có từ lâu ở nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt tại 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn điều này không chỉ góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi ong của người dân vùng Cao nguyên đá còn hạn chế, dẫn đến chưa tận dụng hết tiềm năng sẵn có của loại sản phẩm đặc biệt này. Theo đó, việc nuôi ong khai thác mật hoa cây Bạc hà hiện vẫn mang tính tự nhiên, tự phát, quy mô nhỏ lẻ, chưa tạo được khối lượng mật ong lớn để phục vụ nhu cầu thị trường; việc sử dụng nhãn mác cho sản phẩm mật chưa thống nhất, gây khó khăn cho công tác quản lý chất lượng của sản phẩm; liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX với người dân trong sản xuất, cung ứng kỹ thuật, vật tư cũng như bao tiêu sản phẩm mật ong còn hạn chế. Vì vậy, chúng tôi mạnh dạn ứng dụng KHCN đầu tư thử nghiệm dự án trên, ban đầu chúng tôi thực hiện thí điểm tại 5 thôn Nhù Cú Ha, Há Dấu Cò, Sán Sỉ Lủng, Mèo Qua, Tìa Chí Đù của xã Cán Chu Phìn huyện Mèo Vạc. Dự kiến hiệu quả mang lại sẽ quy hoạch, bảo tồn được vùng nguyên liệu hoa Bạc hà; tăng năng xuất thu mật, chất lượng mật, đặc biệt xây dựng được tiêu chuẩn sản phẩm và thương hiệu mật ong Bạc hà hoàn toàn khác biệt so với sản phẩm đang có trên thị trường. Đồng thời, chuyển đổi được cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương, giúp phát triển kinh tế, giảm nghèo cho người dân…

Được biết, mới đây UBND tỉnh đã ký phê duyệt Kế hoạch số 16 về đẩy mạnh ứng dụng KHCN và đổi mới, sáng tạo trong các DN, HTX trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, nhằm khuyến khích phát triển DN để làm trung tâm, động lực cho phát triển KHCN trên địa bàn. Đây chính là môi trường, điều kiện thuận lợi để các DN chủ động nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, hướng đến sự phát triển bền vững. Qua đó, sẽ góp phần quan trọng vào việc thu hút, thúc đẩy phát triển du lịch - dịch vụ trên địa bàn Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng văn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho người dân trên địa bàn.

Bên cạnh áp dụng công nghệ 4.0 cũng đã mang đến nhiều cơ hội phát triển cho các DN trên địa bàn trong thời đại mới. Cộng với việc áp dụng KHCN vào sản xuất sẽ là cơ hội gia tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng được tiêu chuẩn sản phẩm và thương hiệu sản phẩm đặc trưng. Điều này giúp cho DN chuyển đổi mạnh sản xuất đơn thuần theo hướng gia tăng giá trị hàng hóa, cùng với đó các sản phẩm của các DN sản xuất ứng dụng KHCN trên địa bàn sẽ được liên kết bao tiêu sản phẩm, thị trường tiêu thụ ổn định, từ đó hình thành được chuỗi giá trị bền vững.

Bài, ảnh: Hồng Cừ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202112/khoa-hoc-cong-nghe-tiep-them-dong-luc-cho-cac-doanh-nghiep-san-xuat-785192/