Khi con trẻ “sợ”… học

Quá tải giáo dục, gánh nặng điểm số… không phải vấn đề mới nhưng nó luôn là vấn đề cấp bách của học đường, được cả xã hội quan tâm. Hiện tượng trẻ “sợ” đi học khiến tình trạng stress, rối loạn lo âu, tinh thần ngày một cao ở trẻ. Thậm chí có học sinh đã viết tâm thư nói rằng: “Con sợ! Con sợ lắm! Con sợ học lắm rồi!”.

Đam mê học tập bị triệt tiêu

Chỉ sau khai giảng năm học 2016 vài tuần, ngày 22/9, một số báo đồng loạt đăng tải bức tâm thư của nữ sinh lớp 10 ở TP. HCM chia sẻ suy nghĩ về việc học. Dù đạt danh hiệu học sinh giỏi suốt những năm cấp 1 tới cấp 2, nhưng chính cô bé lại cảm thấy không giữ được động lực, đam mê học tập như lúc đầu vì chương trình học tập nặng nề, quá tải và những kỳ vọng quá cao của phụ huynh.

Cô bé viết trong thư: “Đã nhiều năm nay, hầu như cuộc đời của học sinh chúng cháu chỉ là thức dậy, đi học trên trường, đi học thêm, về nhà và lặp lại. Qua nhiều năm, niềm đam mê học tập của cháu dần mất đi. Cháu bắt đầu kiệt sức, chán nản và tuyệt vọng khi nghe đến chữ HỌC. Không biết tự bao giờ, thời gian chúng cháu đi học còn nhiều hơn khoảng thời gian chúng cháu được ngủ”.

Vì thế, cô bé ghét và sợ đi học. Nguyên nhân chính là việc học trải dài liên miên, từ trường cho tới các lớp học thêm, đống bài tập cao ngất và những bài kiểm tra khiến cô bé bị áp lực. Cuối cùng không biết mình học vì cái gì nên cô bé đã đánh mất đam mê học tập.

Nữ sinh trên không phải trường hợp duy nhất bị áp lực học tập đè nặng. Từ bao giờ, “học” - một hoạt động đầy thú vị khi được tìm tòi, khám phá những điều mới lạ trong cuộc sống lại trở thành “kẻ thù” của không ít học sinh.

Em Nguyễn Hải Yến chia sẻ với VTC: “Bây giờ cứ nhắc đến “học” là con chỉ muốn mình biến mất khỏi cuộc sống này. Học sáng, học chiều, rồi lại học thêm, có hôm 20 giờ, 22 giờ con mới về đến nhà, chỉ kịp vệ sinh cá nhân, ăn nhanh bát cơm đến nỗi không nuốt nổi để làm bài tập, mai đi học. Ngồi vào bàn thực sự con cảm thấy mệt mỏi, uể oải nhưng vẫn phải cố. Có những hôm con học tới 1-2h sáng vẫn chưa xong bài tập một môn. Con thực sự muốn buông xuôi tất cả, buông xuôi cả đam mê, mơ ước chứ không riêng gì việc học. Con sợ! Con sợ lắm! Con sợ học lắm rồi!”.

Học sinh “sợ đi học” ngày một tăng cao

Đừng coi áp lực học tập là vấn đề nhỏ bởi nó không những ảnh hưởng tiêu cực tới trạng thái tâm lý mà còn tác động xấu đến thể chất của người trẻ, đặc biệt là các em học sinh còn chưa điều chỉnh, kiểm soát được cảm xúc và hành vi của mình. Nhiều em đã có những hành động dại dột, tự hủy hoại bản thân như rạch tay để “thoát khỏi áp lực học tập”, thậm chí có em từng có ý định tự sát.

Chị N – một phụ huynh tại Hà Nội cũng thấy áy náy có lỗi với cô con gái tiểu học khi cứ ép con vào học ngôi trường danh tiếng mà cha mẹ mong muốn. Tuy nhiên, từ một cô bé con vui vẻ, hay nói hay cười, bé H bắt đầu lầm lì hay cáu kỉnh và luôn tỏ ra mệt mỏi, ngáp dài với đống bài tập nâng cao. Sự mệt mỏi theo cô bé lên từng lớp. Giáo viên cũng đã bắt đầu gọi phụ huynh đến phản ánh về việc con không hoàn thành hết bài tập nâng cao như các bạn trong lớp. Cuối cùng, cực chẳng đã, chị chuyển con về một trường tư gần nhà, chỉ đi học một tuần, cô bé mừng rỡ bảo với chị: “Mẹ ơi, con sống rồi!”, bởi sang môi trường mới, áp lực học hành không quá nhiều, trường chú trọng các kỹ năng mềm như vẽ, múa, hát, các hoạt động cộng đồng… giúp học sinh có thời gian chơi và học hợp lý đã khiến cô bé có niềm vui trở lại khi tới trường.

Trao đổi với báo chí, ThS.BS Phạm Minh Triết cho biết: “Các bậc cha mẹ nên hạn chế việc áp đặt con cái, không xúc phạm con khi con gặp khó khăn, học cách lắng nghe con nói về những khó khăn và cảm xúc của mình, cùng con thảo luận để cùng đưa ra những mục tiêu phù hợp, luôn động viên và đồng hành cùng trẻ vượt qua khó khăn”.

Gia tăng rối loạn sức khỏe tâm thần

“Sợ đi học” là một biểu hiện của chứng rối loạn sức khỏe tâm thần

Học là bản năng, nhu cầu của tất cả mọi người, từ khi còn là một đứa bé đã có vô vàn câu hỏi và thắc mắc với thế giới xung quanh. Nhưng trớ trêu là khi bước vào độ tuổi đi học, được khám phá kho tri thức khổng lồ ấy, nhiều học sinh lại phải chạy theo điểm số, học vì sợ bị đánh giá là “ngu dốt”, học cho bố mẹ hãnh diện, học để không bị “đúp”… chứ không còn xuất phát từ nhu cầu giải đáp những thắc mắc, tò mò của bản thân về vấn đề nào đó.

Quá tải học đường gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng vì ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh. Trong 50 năm trở lại đây, khối lượng học tập của các em học sinh đã tăng hơn 2 lần. Theo các nhà sinh lý học, có 70% trẻ vị thành niên, 40% học sinh tiểu học mắc các dấu hiệu của chứng loạn thần kinh chức năng âm thầm hoặc rõ rệt (như trầm cảm, rối loạn lo âu, bệnh lý loạn thần...) Càng ở trường chuyên lớp chọn tỷ lệ này càng cao.

Một số biểu hiện cho thấy học sinh đang gặp phải rối loạn tâm thần như: thường xuyên bồn chồn, bứt dứt; lo lắng quá mức; vã mồ hôi; căng thẳng, thở mệt; run tay chân; ngủ kém; đau bụng, đau dạ dày; cảm xúc không ổn định; quá buồn chán hoặc tuyệt vọng; mất hứng thú với các hoạt động xã hội; kém ăn, sút cân trong thời gian ngắn; hay quên, kém tập trung; có hành vi hủy hoại bản thân…

Theo ông Trần Quý Tường (phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Việt Nam chưa có điều tra về tỉ lệ mắc các rối loạn liên quan tới sức khỏe tâm thần trong nhiều năm nay. Nhưng ông cũng ước tính gần đây có khoảng 20% dân số có vấn đề về rối loạn sức khỏe tâm thần, trong đó nhóm trẻ có tỉ lệ tự kỷ và trầm cảm khá cao.

Thực tế, nhiều nghiên cứu về bệnh lý tâm thần ở độ tuổi học sinh, sinh viên được các đơn vị cấp địa phương thực hiện cũng đưa ra con số đáng giật mình. Thông tin từ Hội y học dự phòng Việt Nam, có gần 16% học sinh, sinh viên mắc bệnh trầm cảm, cao hơn so với nhóm quần thể chung từ 4-6%.

Kết quả thống kê sơ bộ của dự án nghiên cứu stress thanh thiếu niên do Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng thực hiện tại 3 trường THPT trong địa bàn thành phố năm 2014 cho thấy, có 20% học sinh nam và khoảng 10% học sinh nữ bị rối loạn tâm lý, nguyên nhân chủ yếu là do áp lực học tập. Trong số học sinh được khảo sát, hơn 59% nói kết quả học tập không như ý và gần 58% bị bố mẹ rầy la vì học không tốt.

Tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM vài năm gần đây có khá nhiều bệnh nhân là học sinh và số lượng tăng liên tục qua mỗi năm. Năm 2011, bệnh viện ghi nhận có 25.000 lượt trẻ trong độ tuổi đi học (từ 3-15) đến khám và điều trị. Năm 2012 tăng lên thành 28.000 người và hơn 32.000 người trong năm 2013. Trong số học sinh đến khám, có nhiều em là học sinh giỏi, học trường chuyên.

Việc học gần như chiếm toàn bộ quỹ thời gian của học sinh khiến các em khó có cơ hội vui chơi, giải trí và tham gia các hoạt động thể chất. Trong khi đó vận động thể chất vừa tăng cường sức khỏe, vừa giúp giải tỏa được những căng thẳng về mặt tâm lý. Thiếu thời gian cho cả việc học lẫn vui chơi, hoạt động thể thao đang tạo thành vòng luẩn quẩn khiến các em học sinh không thể thoát ra khỏi gánh nặng điểm số, áp lực kỳ vọng từ cha mẹ. Từ đó dẫn đến áp lực chồng áp lực, các em không còn cảm nhận được cái thú vị, ý nghĩa của việc học, thay vào đó là sự u uất, bế tắc tâm lý với những suy nghĩ kiểu: tại sao phải học, học vì cái gì…

Vấn đề không của riêng Việt Nam

Ở những nước phát triển tiên tiến như Mỹ, vấn đề giáo dục cũng là thách thức lớn với các nhà quản lý. Giáo dục hiện nay đang bào mòn và làm thui chột sự sáng tạo, cá tính riêng của từng bản thể khi áp ra một quy chuẩn, khuôn mẫu chung để đánh giá tài năng, trình độ của học sinh.

Trường học khuyến khích các em học giỏi đồng đều các môn trong khi mỗi em có một thế mạnh, năng khiếu và sở thích riêng. Ngay cả bộ não cũng chia ra bán cầu não trái, não phải, mỗi bán cầu được phân khu và phụ trách chức năng riêng. Bán cầu não trái giải quyết các vấn đề logic, tính toán chính xác, còn bán cầu não phải thiên về năng lực tập trung, cảm xúc và nổi trội ở lĩnh vực nghệ thuật hơn.

Nói về mặt trái của giáo dục, trên facebook hiện nay đang lan truyền clip “Tôi kiện hệ thống giáo dục” của rapper, diễn giả, nhà thơ, nhà làm phim người Mỹ Prince Ea. Clip dài hơn 5 phút đã “tố cáo” sự lỗi thời của giáo dục Mỹ đã bóp chết sự sáng tạo, trí tưởng tượng và gây stress cho trẻ vì gò ép chúng vào một khuôn mẫu cứng nhắc, khiến tài năng của chúng không được đánh giá đúng và phát huy.

Clip “Tôi kiện hệ thống giáo dục” được đăng tải lại chạm mốc 100 triệu view chưa đầy 1 tuần

Clip gốc xuất hiện trên fanpage của Prince Ea từ ngày 24/9 và được nhiều fanpage ở các nước khác lấy lại, làm phụ đề. Đến nay, clip gốc đã thu hút được hơn 17 triệu lượt xem và còn hàng trăm triệu lượt xem đến từ các page khác khi đăng tải lại clip, chưa kể trên youtube và các trang báo mạng. Chắc chắn con số này chưa dừng ở đó mà vẫn tiếp tục tăng.

Sức hút của “Tôi kiện hệ thống giáo dục” ở chỗ đã chạm được đến “mặt tối” và những vấn đề bức xúc của hệ thống giáo dục hàng trăm năm qua. Clip được xây dựng ở bối cảnh một phiên tòa giả định, nơi Prince Ea một mình kiện cáo “hệ thống giáo dục nước Mỹ”.

Mở đầu là câu nói nổi tiếng của thiên tài vật lý Albert Eistein: “Ai cũng là thần đồng. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây của nó, thì nó sẽ sống cả đời với niềm tin rằng nó là một kẻ ngu ngốc”. Tiếp đó, rapper Prince Ea cũng cho rằng giáo dục đang bắt một chú cá “leo cây và chạy xa 10 dặm” khi tạo ra một chuẩn đánh giá chung cho tất cả giống loài dù chúng vô lý và khập khiễng đến mức nào.

Prince Ea chứng minh giáo dục Mỹ thậm chí chẳng thay đổi so với 150 năm trước

Giáo dục tưởng chuẩn mà không hề chuẩn. Prince Ea tố cáo giáo dục và những ràng buộc khuôn phép của nó đã biến học sinh – là những bản thể độc đáo, duy nhất thành cỗ máy y hệt nhau, khiến sự sáng tạo và khác biệt bị giết chết. So với sự thay đổi của thế giới thì giáo dục Mỹ chẳng có gì thay đổi trong 150 năm qua. Học sinh vẫn phải xếp hàng ngay ngắn, giơ tay phát biểu, bị đánh giá năng lực theo thang điểm A, B, C, D… và bắt buộc phải đạt điểm A mới là tốt. Trong phiên tòa ấy, Prince Ea khẳng định cái học sinh cần là suy nghĩ độc lập, phản biện, nhanh nhẹn, năng động, sự sáng tạo và kết nối với nhau.

Rõ ràng, điều học sinh cần ở môi trường học đường là sự hữu ích của kiến thức và cách vận dụng vào đời sống chứ không phải học một cách máy móc để kiếm những “bông hoa điểm 10”. Ngày nào giáo dục chưa ngừng đánh giá năng lực của con cá bằng thế mạnh leo, trèo, chạy của khỉ, của báo… thì ngày ấy học sinh, con trẻ vẫn nơm nớp sợ đi học vì ám ảnh trường lớp, điểm số, bài vở.

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-giao-duc/khi-con-tre-%e2%80%9cso%e2%80%9d%e2%80%a6-hoc