Khai thác tiềm năng kinh tế đồi rừng

Phát huy lợi thế về đất lâm nghiệp, huyện Đồng Hỷ khuyến khích nhân dân tập trung trồng rừng và nâng cao chất lượng rừng trồng nhằm cải thiện thu nhập.

Cơ sở sản xuất gỗ ván bóc của gia đình anh Nguyễn Văn Dũng, ở xóm Ba Quà, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) đang tạo việc làm cho 16 lao động địa phương.

Xã Hợp Tiến có diện tích rừng lớn, với 3.486ha. Hiện nay, toàn bộ diện tích này đã được bà con nhân dân phủ xanh bằng những vạt keo lai, tre phấn, bạch đàn. Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến, cho biết: Nhận thấy giá trị kinh tế từ rừng đem lại khá cao nên những năm gần đây, bà con nhân dân trong xã đã chủ động mua cây giống, đưa các giống cây có năng suất cao vào trồng, chăm sóc. Tính riêng năm 2023, diện tích rừng trồng mới của xã đạt 121,5ha, vượt 21,5% kế hoạch (100% do người dân tự bỏ vốn trồng rừng).

Ngoài ra, xã Hợp Tiến và các ngành chức năng của huyện cũng hỗ trợ bà con nhân dân bằng các hình thức: Tập huấn kiến thức trồng, chăm sóc cây lâm nghiệp; kiểm tra các cơ sở cung cấp cây giống, phân bón đảm bảo rõ nguồn gốc, chất lượng; triển khai hiệu quả công tác phòng, chống cháy rừng... Kinh tế rừng đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã. Năm 2023, thu nhập bình quân của xã đạt 38 triệu đồng/người/năm (tăng 6 triệu đồng so với năm 2019); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,04%.

Còn với xã Văn Hán hiện có 61% số hộ tham gia trồng 4.500ha rừng. Ông Lường Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã, thông tin: Những năm qua, xã đã vận động bà con thực hiện các nội dung quản lý rừng bền vững - FSC. Tính riêng năm 2023, tổng diện tích đánh giá lại và cấp chứng chỉ rừng FSC cho nhóm hộ trên địa bàn xã đạt trên 2.265ha, với 863 hộ dân tham gia… Các hộ này đều được doanh nghiệp cam kết thu mua gỗ nguyên liệu với giá cao hơn 7-10% so với thị trường. Tính đến nay, có 693 hộ dân, với trên 345ha rừng đủ tuổi khai thác, được bao tiêu đầu ra, với tổng sản lượng gỗ 31.900 tấn.

Bên cạnh việc khuyến khích người dân trồng rừng, nâng cao chất lượng vùng rừng nguyên liệu, xã Văn Hán cũng khuyến khích bà con phát triển nghề chế biến gỗ. Tính chung trong toàn huyện hiện có 80 cơ sở chế biến lâm sản, chủ yếu là các cơ sở kinh doanh gỗ bóc, ván dăm. Những cơ sở này không chỉ góp phần bao tiêu sản phẩm cho các hộ trồng rừng, mà còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn, với mức thu nhập 6-8 triệu đồng/người/tháng.

Theo số liệu thống kê, trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm, toàn huyện Đồng Hỷ trồng mới được 300ha cây phân tán, trên 1.000ha rừng tập trung, góp phần tăng độ che phủ rừng lên trên 48%; sản lượng gỗ khai thác đạt trên 45.600m3/năm… Đặc biệt, năm 2022, toàn huyện có 1.128ha rừng trồng mới (vượt 88% so với kế hoạch), trong đó các doanh nghiệp, tổ chức và hộ dân tự bỏ vốn đầu tư trồng được 1.046ha.

Để tiếp tục hỗ trợ người dân phát huy lợi thế từ rừng, theo bà Nguyễn Thị Thúy, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chuyên môn và các xã triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý tốt chất lượng cây giống lâm nghiệp. Đồng thời, khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn, đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao vào trồng; mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững - FSC, tạo nguồn gỗ chất lượng cao…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202401/khai-thac-tiem-nangkinh-te-doi-rung-f7622f4/