Khai phá tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương để thu hút khách quốc tế

Theo Cục trưởng Cục Ngoại vụ Nguyễn Như Hiếu, ưu tiên trọng tâm của Bộ Ngoại giao trong thời gian tới về công tác đối ngoại địa phương là tăng cường khai phá, mở rộng thị trường đối với các tỉnh, thành phố, nhằm kết nối các doanh nghiệp ở nước ngoài với các địa phương.

3 điểm mới của công tác đối ngoại địa phương

Bên lề Hội nghị Ngoại vụ Toàn quốc lần thứ 21 với chủ đề “Tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững của các địa phương”, Cục trưởng Cục Ngoại vụ Nguyễn Như Hiếu cho biết, công tác ngoại vụ địa phương năm 2023 có ba điểm mới.

Cục trưởng Cục Ngoại vụ Nguyễn Như Hiếu phát biểu tại Hội nghị Ngoại vụ Toàn quốc lần thứ 21

Thứ nhất, đó là sự đa dạng hóa các đối tác, không chỉ tập trung vào công tác truyền thống trước đây như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, mà còn mở rộng các đối tác mới như Thái Lan. Tháng 8 vừa qua, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị Gặp gỡ Thái Lan tại tỉnh Quảng Trị và dự kiến tháng 3 năm sau sẽ tổ chức Hội nghị Gặp gỡ Indonesia tại Nha Trang, Khánh Hòa.

Điểm mới thứ hai, Bộ Ngoại giao đã đưa các nội dung mới vào các chương trình gặp gỡ. Đó là những xu thế kinh tế mới, những chiến lược, chính sách mới của Chính phủ như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, năng lượng bền vững và đặc biệt là các công tác liên quan đến triển khai nội dung mới của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương thế hệ mới.

Điểm mới thứ ba của công tác ngoại vụ địa phương thời gian qua là Bộ Ngoại giao đã cùng các địa phương tìm ra các hình thức mới trong công tác tổ chức các sự kiện quốc tế tại các địa phương. Tuy tổ chức tại địa phương nhưng các sự kiện này mang tính chất liên kết vùng, phù hợp với các quy hoạch vùng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ thời gian qua.

Tăng cường kết nối các địa phương với các đối tác quốc tế

Đề cập đến những ưu tiên của công tác đối ngoại địa phương trong thời gian tới nhằm tăng cường kết nối các doanh nghiệp ở nước ngoài với các địa phương, ông Nguyễn Như Hiếu cho biết, ưu tiên trọng tâm của Bộ Ngoại giao là tăng cường khai phá, mở rộng thị trường đối với các tỉnh, thành phố.

“Chúng tôi đề nghị các tỉnh, thành phố tìm, đề xuất các sản phẩm có thế mạnh, có đặc trưng để từ đó tăng cường kết nối với các đối tác quốc tế thông qua hệ thống các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài”, Cục trưởng Cục Ngoại vụ nhấn mạnh.

Vừa qua, Bộ Ngoại giao đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Đề án phát triển Halal. Ngành công nghiệp Halal hứa hẹn mở ra những bước phát triển mới đối với khu vực Trung Đông, châu Phi.

Ưu tiên thứ hai đó là sử dụng những giá trị văn hóa, những giá trị được UNESCO công nhận để khai phá tiềm năng, thế mạnh du lịch của các địa phương, từ đó đưa nhiều khách quốc tế hơn đến các địa phương.

Ưu tiên thứ ba, ngoài những lĩnh vực truyền thống như xuất khẩu, đầu tư, du lịch, Bộ Ngoại giao hy vọng những kết nối quốc tế còn mang đến những sản phẩm mang tính chất đối ngoại nhân dân để đưa ngày càng nhiều người nước ngoài đến Việt Nam và tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với các đối tác nước ngoài.

Khó khăn trong công tác đối ngoại địa phương

Chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện kết nối giữa các địa phương với đối tác nước ngoài, ông Nguyễn Như Hiếu cho biết, khó khăn lớn nhất là việc hỗ trợ địa phương xác định rõ ràng các đối tác trọng tâm. Khó khăn thứ hai là về đội ngũ cán bộ. Năng lực cán bộ làm công tác đối ngoại cần phải được bồi dưỡng và đào tạo liên tục để đáp ứng được yêu cầu và nhu cầu ngày càng cao của đối tác quốc tế.

Khó khăn thứ ba đối với các địa phương trong việc kết nối với đối tác nước ngoài là nguồn lực và kinh phí. Ngoài ra, còn có những khó khăn trong việc triển khai kết nối với các đối tác quốc tế, đặc biệt là những đối tác quốc tế không có cơ quan đại diện tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao cũng sẵn sàng hỗ trợ các địa phương để vượt qua những khó khăn. Những thách thức này chỉ cần sự phối hợp ngày càng chặt chẽ là có thể giải quyết dễ dàng.

Cục trưởng Cục Ngoại vụ Nguyễn Như Hiếu cũng chia sẻ những kỳ vọng của Bộ Ngoại giao trong công tác đối ngoại địa phương vào năm tới.

“Chúng tôi có rất nhiều kỳ vọng. Kỳ vọng lớn nhất là ngày càng mở rộng được nhiều mối quan hệ giữa các địa phương với các đối tác quốc tế.

Các đối tác quốc tế ở đây không chỉ là các hợp tác cấp độ địa phương giữa Việt Nam với các quốc gia, mà còn đối tác quốc tế còn là các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức, tập đoàn lớn của nước ngoài, đặc biệt là tập đoàn đa quốc gia, những tổ chức phi chính phủ sẵn sàng tham gia hỗ trợ công tác phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đội ngũ phóng viên báo chí quốc tế đến thăm, đưa tin, quảng bá cho hình ảnh các di sản văn hóa, các đặc trưng, thế mạnh và truyền thống văn hóa, con người của các địa phương”, ông Nguyễn Như Hiếu cho hay.

Hoàng Kiều Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/khai-pha-tiem-nang-the-manh-du-lich-cua-dia-phuong-de-thu-hut-khach-quoc-te-post1066321.vov