Kẽ hở khi đấu thầu bị thao túng

Vụ việc cựu lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cùng 6 đồng phạm là cựu lãnh đạo, cán bộ sở, ngành, Trung tâm Nghiên cứu do TPHCM quản lý vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố sau thời gian điều tra hành vi 'thông thầu' hết sức tinh vi. Trước đó, các hành vi thao túng và tiêu cực trong hoạt động đấu thầu đã bị phát hiện tại các lĩnh vực y tế, giáo dục, nhưng chưa được xử lý và ngăn chặn tận gốc.

Cựu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM (bên trái) và thuộc cấp trong sai phạm về đấu thầu tại Trung tâm Nghiên cứu triển khai khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: BCA.

Hàng loạt sai phạm về đấu thầu

Cuối tháng 9/2023, cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT), Bộ Công an khởi tố 7 bị can tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) TPHCM và Trung tâm nghiên cứu triển khai khu công nghệ cao thành phố để điều tra về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong số này, có các bị can Trần Thị Bình Minh (SN 1963) - nguyên Phó Giám đốc Sở KHĐT TPHCM cùng thuộc cấp là Phan Tất Thắng (SN 1968) - nguyên Phó phòng Kinh tế thuộc Sở KHĐT bị điều tra về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã xác định, cả 2 bị can đều tham gia vài quá trình lập, phê duyệt và tổ chức đấu thầu cho Dự án đầu tư nâng cấp và mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm sản phẩm vi cơ điện tử tại Trung tâm nghiên cứu triển khai khu công nghệ cao thành phố.

Trong quá trình này, 2 bị can đã có sự thông đồng với chủ đầu tư, nhà thầu Tư vấn đấu thầu và nhà thầu cung cấp thiết bị, đều do công ty T.S.T. thực hiện. Kết quả điều tra ban đầu đã xác định, có đủ căn cứ chứng minh hành vi thông đồng giữa các bị can để phía đơn vị đăng ký thầu dễ dàng trúng thầu, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Đấu thầu, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản Nhà nước.

Trước vụ “thông thầu” kể trên, cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, tham ô tài sản, rửa tiền xảy ra tại Bệnh viện (BV) TP Thủ Đức (TPHCM) và các đơn vị có liên quan. Tại vụ án này, bị can Nguyễn Minh Quân - cựu Giám đốc BV TP Thủ Đức được xác định là người có quyền quyết định, có trách nhiệm quản lý tài sản.

Theo cơ quan CSĐT, dù không đứng tên pháp nhân, giám đốc công ty nào nhưng thực chất ông Quân là chủ và cũng là người điều hành hoạt động của 4 công ty tham gia thầu trang thiết bị y tế cho BV Thủ Đức. Bị can Nguyễn Minh Quân đã chỉ đạo, gây sức ép với các thuộc cấp, thành viên các tổ chấm thầu ký hợp thức hồ sơ thầu, để các công ty “sân sau” của mình mặc định là đơn vị trúng thầu tại 27 gói thầu với tổng trị giá lên đến 345 tỷ đồng. Sau khi trừ đi giá mua và các chi phí khác thì số tiền mà cựu Giám đốc BV Thủ Đức đã chiếm đoạt được xác định lên đến hơn 103 tỷ đồng.

Ngoài 2 vụ án vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu kể trên, Tòa án nhân dân TPHCM cũng đã đưa ra xét xử bị cáo Nguyễn Minh Khải - cựu Giám đốc BV Mắt TPHCM và hàng loạt bị cáo là cựu cán bộ, trưởng, phó khoa thuộc BV do các sai phạm trong việc tổ chức đấu thầu tại BV này, khiến BV Mắt đã phải chi trả số tiền chênh lệch tới gần 15 tỷ đồng do sai phạm của các bị cáo gây ra...

Chặn “kẽ hở”

Không chỉ phát hiện các sai phạm trong hoạt động đấu thầu, hàng năm UBND TPHCM cũng thực hiện việc “bêu tên” hàng trăm cơ quan, đơn vị buông lỏng trong quản lý, hoặc vi phạm về Luật Đấu thầu, dẫn đến phải xử lý hành chính. Chỉ riêng giai đoạn 2022 - 2023, qua công tác thanh, kiểm tra hoạt động đấu thầu và giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu trên địa bàn, UBND TPHCM đã cấm thầu 1 tổ chức, xử lý vi phạm về đấu thầu đối với 11 tổ chức và 3 cá nhân.

Trước đó, UBND TPHCM cũng báo cáo về hoạt động đấu thầu năm 2022 gửi Bộ KHĐT, trong đó cơ quan chức năng đã xử phạt hàng chục công ty vi phạm đấu thầu với nhiều lý do khác nhau. Các sai phạm này hầu hết liên quan đến các hành vi vi phạm về điều kiện hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng; Đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu, nhà đầu tư không đúng tiêu chuẩn đánh giá được phê duyệt trong hồ sơ mời thầu; Không đăng tải các thông tin về đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;… Tuy nhiên, do mức độ hành vi chưa đến mức khởi tố hình sự nên các vi phạm này mới chỉ bị xử lý ở hình thức xử phạt vi phạm hành chính.

Việc chưa có chế tài mạnh để giám sát, ngăn chặn hành vi sai phạm, thao túng hoạt động đấu thầu ngay từ khâu mời thầu là một trong những nguyên nhân khiến số vụ việc sai phạm trong lĩnh vực này ngày càng tăng cả về số vụ, số lượng cá nhân, tổ chức vi phạm, sai phạm. Do đó, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cần thiết phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật Đấu thầu hiện hành.

Cụ thể, khi góp ý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), ông Hứa Phú Doãn - Phó Chủ tịch Hội Thiết bị Y tế TPHCM đề nghị nên bỏ quy định, gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn thuộc dự án đầu tư có giá gói thầu trong hạn mức không quá 500 triệu đồng. Lý do bỏ đi quy định này để tránh tiêu cực xảy ra trong quá trình đấu thầu và thực tế quy định này cũng “thừa” vì không mang lại lợi ích cho các bên khi đấu thầu.

Trước đó, tại hội nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM góp ý dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) vào tháng 5/2023, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM góp ý, cần tăng quyền tự chủ và tự quyết định kinh doanh của doanh nghiệp và phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn nhà nước với chức năng quản lý nhà nước chung với doanh nghiệp. Việc này sẽ tạo sự khách quan, minh bạch quy định hoạt động lựa chọn nhà thầu.

Ông Nguyễn Vinh Huy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cũng cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung quy trình, quy định về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật. Nhất là, cần giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết trong đấu thầu và luật hóa các quy định về đấu thầu qua mạng nhằm thúc đẩy sự khách quan, minh bạch trong lĩnh vực này.

LÊ ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ke-ho-khi-dau-thau-bi-thao-tung-5740086.html