Đại biểu Quốc hội đề nghị siết chặt việc kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng

Hiện phát sinh việc kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, nhưng bản chất lại kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh và tiềm ẩn nguy cơ gây mất TTAT giao thông.

Góp ý về hoạt động vận tải đường bộ tại Dự thảo Luật Đường bộ, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) phân tích, thực tế hiện nay phát sinh việc kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, nhưng thực tế, về bản chất lại kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định (chở khách di chuyển thường xuyên hàng ngày cùng một điểm đi và điểm đến).

Việc này đã tác động tiêu cực đến việc thực thi pháp luật, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị kinh doanh vận tải và tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông. Do đó, cần quy định chặt chẽ hơn đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) phát biểu

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) phát biểu

Thống nhất với quy định “đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị kinh doanh dịch vụ đại lý bán vé không được tổ chức đón, trả khách tại địa điểm đặt đại lý bán vé, trừ trường hợp đại lý bán vé được đặt tại bến xe khách”, song đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, hiện việc thực thi quy định này chưa thực sự nghiêm minh; vẫn xảy ra việc các đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị kinh doanh dịch vụ đại lý bán vé tổ chức đón, trả khách tại địa điểm đặt đại lý bán vé, đặc biệt là đối với những nơi có bến xe cách xa trung tâm; điều đó đã tạo nên tình trạng giao thông lộn xộn, nguy cơ mất an toàn.

“Ngoài việc cần có quy định một cách rõ ràng về nội dung trên, việc tổ chức thực thi pháp luật phải được đề cao và chế tài xử phạt thật nghiêm minh để đảm bảo an toàn, trật tự, đem lại hiệu quả trong thực tiễn” - đại biểu Dương Khắc Mai đề xuất.

Cùng quan tâm đến loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho rằng, theo dự thảo, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe, nghĩa là mỗi chuyến xe hợp đồng chỉ được chở một hành khách hoặc một nhóm khách duy nhất.

Việc đưa ra quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng núp bóng xe hợp đồng để kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định. Tuy nhiên, điều này lại đang vô tình làm hạn chế một loại hình vận tải hành khách phổ biến ở nhiều quốc gia khác, đó là mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng dưới 10 chỗ thông qua các nền tảng gọi xe trực tuyến.

Quang cảnh phiên thảo luận

Quang cảnh phiên thảo luận

Theo đại biểu Tạ Thị Yên, mô hình này mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, vì có thể tối đa hóa số lượng người di chuyển trong một chuyến đi. Do đó, sẽ giúp giảm đáng kể lưu lượng xe lưu thông trên đường và giải quyết phần nào tình trạng tắc nghẽn giao thông.

Vì vậy, đại biểu đề nghị rà soát và điều chỉnh khoản 10 Điều 56 theo hướng vừa kiểm soát tình trạng “xe dù, bến cóc”, nhưng vẫn tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ được hoạt động.

Còn theo đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) quy định tại khoản 5 Điều 56 dự thảo Luật Đường bộ về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của dự thảo là chưa đầy đủ. Đại biểu đề nghị xem xét, chỉnh lý quy định hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là hoạt động do tổ chức, cá nhân sử dụng ô tô để vận chuyển hàng hóa, hành khách cho người có nhu cầu vận chuyển hàng hóa hoặc có nhu cầu đi lại có thu tiền cước vận tải, kinh doanh vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể điều này.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-siet-chat-viec-kinh-doanh-van-tai-hanh-khach-theo-hop-dong-post577011.antd