Indonesia sắp ban hành Visa Vàng thu hút đầu tư và nhân tài

Đầu tháng 8, Bộ Điều phối các Vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia cho biết Chính sách Thị thực Vàng nhằm miễn thị thực cho các công ty hoặc người nước ngoài đầu tư lớn vào nước này - có thể được ban hành trong 1 hoặc 2 tuần nữa.

Chính phủ Indonesia muốn thu hút tài năng và đầu tư quốc tế khi ban hành Chính sách Thị thực Vàng.

Theo CNA trích dẫn thông báo của Bộ trưởng Luhut Binsar, cơ quan này đã cùng thảo luận về chính sách với Tổng thống Joko Widodo và một vài bộ trưởng khác. Cụ thể, các công ty muốn có được Thị thực Vàng phải đầu tư thực tế ít nhất 50 triệu USD trong khi đó, đối với cá nhân, giá trị đầu tư vào trái phiếu chính phủ tối thiểu là 350.000 USD.

Ngoài ra, nó cũng sẽ hướng tới cộng đồng những người người nước ngoài có tri thức cao, ví dụ như các nhà nghiên cứu từ một số trường đại học hàng đầu thế giới hay các nhà phát triển AI. CNN Indonesia cho biết Tổng thống Indonesia cũng đã chuẩn bị một Thị thực Vàng cho giám đốc điều hành Sam Altman của OpenAI - công ty đã phát triển chatbot phổ biến được hỗ trợ bởi AI là ChatGPT.

Những người nộp đơn đủ điều kiện có thể nhận được thị thực nhập cảnh nhiều lần có giá trị từ 5 đến 10 năm. Sau đó, họ có thể tiến hành kinh doanh và các hoạt động khác ở Indonesia.

Nhận định về tác động chính sách này, Cục trưởng Nhập cư tại Bộ Pháp luật và Nhân quyền Indonesia Silmy Karim hôm 1/8 cho biết Chính sách Thị thực Vàng mang lại lợi lớn cho chính phủ. Nguyên nhân là do ngoài thị thực có tính chọn lọc cao, những người muốn xin thị thực phải đầu tư một khoản thực sự vào Indonesia chứ không phải là chỉ trên giấy tờ.

Trước đó ngày 2/4, Phó phụ trách các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh của Ban thư ký nội các Indonesia, Lusia Novita Sari, cũng từng tuyên bố rằng Chính sách Thị thực vàng là một phần trong nỗ lực của Tổng thống Widodo nhằm tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Indonesia.

Trên thực tế, Indonesia không phải là quốc gia đầu tiên trong tại châu Á cung cấp thị thực đặc biệt nhằm thu hút tài năng và đầu tư có tay nghề cao. Trong 2 năm qua, chính phủ Thái Lan đã áp dụng chính sách Thị thực Cư trú Dài hạn mới trong khi Singapore công bố chính sách Hành lang Chuyên môn & Mạng lưới ở Nước ngoài (ONE Pass). Một chương trình thị thực 2 năm được gọi là Chương trình Hành lang Tài năng Hàng đầu cũng đã được triển khai tại Hong Kong (Trung Quốc).

Các chương trình này ghi nhận các kết quả khác nhau. Trước khi chương trình thị thực cư trú dài hạn của Thái Lan được thực hiện, dự án Thái Lan đã được thành lập để thu hút nhân tài nước ngoài. Tuy nhiên theo Fulcrum, dự án chỉ thu hút khoảng 15.000 người trong 18 năm hoạt động.

Trong khi đó, chương trình thị thực tại Hong Kong dành cho những người kiếm được hơn 320.600 USD/năm và dành cho những người tốt nghiệp từ 100 trường đại học hàng đầu thế giới, lại ghi nhận các kết quả tích cực hơn. Chương trình này đã nhận được 49.000 đơn đăng ký được phê duyệt chỉ 5 tháng sau khi ra mắt vào tháng 12/2022, vượt mục tiêu ban đầu là 35.000.

Trong khi đó, chương trình thị thực của chính phủ Singapore đã nhận được "những phản hồi rất tích cực" kể từ khi được công bố vào tháng 8 năm ngoái, theo Nikkei Asia trích dẫn Giám đốc điều hành Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore (EDB) Jacqueline Poh.

CNA trích dẫn Tiến sĩ Dennis Hew, nghiên cứu viên cao cấp tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, nhận định: “Indonesia nên rút ra bài học - và thất bại - từ các quốc gia khác có chính sách thị thực tương tự”.

Theo ông, rằng các tài năng nước ngoài được thu hút bởi một tầm nhìn đầy đủ chứ không chỉ là thị thực dài hạn. Nó sẽ bao gồm các yếu tố như trường quốc tế tốt dành cho con cái của những tài năng quốc tế, cơ sở hạ tầng tốt, đặc biệt là cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và khả năng tiếp cận với những người lao động có tay nghề cao. Một cơ sở hạ tầng tài chính và pháp lý tốt cũng sẽ rất quan trọng để thu hút các công ty nước ngoài đầu tư vào Indonesia, theo ông Dennis Hew.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/indonesia-sap-ban-hanh-visa-vang-thu-hut-dau-tu-va-nhan-tai-post25103.html