Hướng dẫn thực hiện quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường

Sở Tài nguyên và Môi trường tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các chủ đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục, hồ sơ môi trường các dự án theo quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, cải thiện môi trường đầu tư...

Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có một số quy định mới về thủ tục môi trường như báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) sơ bộ; cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy phép môi trường; đăng ký môi trường. Trong đó, thủ tục báo cáo ĐTM sơ bộ được áp dụng cho các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao và phải được thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, đề xuất quyết định chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.

Luật cũng bãi bỏ những quy định về kế hoạch bảo vệ môi trường, còn những bản kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được xem là văn bản tương đương với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM khi xem xét, cấp giấy phép môi trường. Dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải nhưng không thuộc diện phải cấp giấy phép môi trường phải thực hiện đăng ký môi trường (trừ trường hợp được miễn)...

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày 1-1-2022 (gồm các dự án đầu tư đang vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải theo quy định của pháp luật và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đã đi vào vận hành chính thức) phải có giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường trong khoảng thời gian được quy định của luật này.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị các chủ dự án, cơ sở trong diện trên triển khai lập, nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường hoặc hồ sơ đăng ký môi trường theo đúng quy định. Đồng thời, sở đề nghị Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, UBND các quận, huyện thông báo và yêu cầu các chủ dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày 1-1-2022 thuộc trách nhiệm quản lý của mình thực hiện thủ tục về môi trường.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng nhận được nhiều thắc mắc, câu hỏi, kiến nghị của các ban quản lý dự án, chủ đầu tư các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố đề nghị hướng dẫn thủ tục môi trường theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2020. Nhiều đơn vị vẫn lúng túng trong việc phân loại dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường để thực hiện thủ tục báo cáo ĐTM đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường, hồ sơ đăng ký môi trường.

Sở đã gửi các đơn vị hướng dẫn cách thức tra cứu để phân loại dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường (do các cán bộ từ Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường, Tổng cục Môi trường cung cấp) để tham khảo, thực hiện. Trong năm 2022, sở đã gửi văn bản thông báo cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp của hơn 150 dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải được cấp giấy phép môi trường theo thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường để các tổ chức, cá nhân thực hiện.

Phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) Võ Thành cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục môi trường theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều buổi tập huấn công tác lập, thẩm định hồ sơ môi trường theo quy định của luật cho các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án đầu tư xây dựng, cơ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố. Đồng thời, sở thiết lập kênh hỗ trợ trực tuyến và tổ chức các buổi làm việc trực tiếp giữa các bên liên quan để hướng dẫn, thống nhất thành phần thủ tục, thẩm quyền giải quyết hồ sơ về môi trường cho doanh nghiệp, chủ đầu tư.

“Do lúng túng và không hiểu rõ nên một số chủ đầu tư, doanh nghiệp còn lập hồ sơ theo đề xuất của đơn vị tư vấn, khi nộp lên thì không đúng, phải lập lại hồ sơ mới, vừa tốn thời gian, vừa tốn chi phí. Vì thế, Sở Tài nguyên và Môi trường nói chung, Chi cục Bảo vệ môi trường nói riêng chủ động tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ để tránh bị thiệt hại về thời gian, kinh phí cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp, nhất là đối với các dự án đầu tư mới, góp phần khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư. Đặc biệt, việc chúng tôi tổ chức các buổi làm việc giữa các bên liên quan để thống nhất hướng dẫn, thẩm quyền giải quyết hồ sơ cho chủ đầu tư, doanh nghiệp đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công việc và tháo gỡ được những vướng mắc khác. Thậm chí là thông qua các buổi làm việc này, chúng tôi còn phát hiện một số sai sót từ những thủ tục trước đó và hướng dẫn nhà đầu tư khắc phục để tránh những rủi ro, nhất là về mặt pháp lý”, ông Võ Thành nói.

HOÀNG HIỆP

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/xa-hoi/202311/huong-dan-thuc-hien-quy-dinh-moi-cua-luat-bao-ve-moi-truong-3959313/