Hợp tác phát triển kinh tế giữa Khánh Hòa và Đắk Lắk

'Bộ Chính trị đã xác định, Khánh Hòa nằm ở tâm của tiểu vùng Nam Trung Bộ, tỉnh có cảng nước sâu Vân Phong, kết nối Đông - Tây, giữa tiểu vùng Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên đầy tiềm năng và rộng lớn. Ở phía Nam Tây Nguyên còn hạn chế về đường giao thông, khoảng cách địa lý, chưa có con đường cao tốc nào kết nối Tây Nguyên với hệ thống cảng biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, hàng hóa của Tây Nguyên xuất khẩu ra thị trường thế giới, đưa xuống cảng Quy Nhơn, Vân Phong, Cam Ranh… là những cung đường thuận lợi nhất' - ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhấn mạnh.

Cảng Nam Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận thiết bị điện gió nhập khẩu của tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Lệ Giang

“Đòn gánh” kinh tế từ đường cao tốc

Ngày 27/2/2023, ông Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, tháo gỡ một số vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng, chuẩn bị khởi công xây dựng tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Tuyến đường cao tốc này giống như “đòn gánh” kinh tế cho hai tiểu vùng, có ý nghĩa chiến lược nhiều mặt, kể cả về mặt kinh tế và quốc phòng-an ninh, kết nối từ vùng biển rộng lớn đến khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia.

“Buôn Ma Thuột là thủ phủ của Tây Nguyên, xuống Khánh Hòa là trung tâm vùng Nam Trung Bộ. Cảng Nam Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa trở thành “cửa ngõ” cho vùng Tây Nguyên, giảm chi phí vận chuyển, điều quan trọng là các đơn hàng xuất khẩu của Tây Nguyên được chuyển đến nhanh cho khách hàng quốc tế” - ông Ninh cho biết.

Lâu nay, cảng Nam Vân Phong đã tiếp nhận nhiều chuyến tàu nước ngoài chở thiết bị điện gió của các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai. Gần như toàn bộ nguồn xăng dầu, xi măng… ở khu vực Nam Tây Nguyên đều tiếp nhận ở các kho cảng Nam Vân Phong. Ngược lại, sản lượng dăm gỗ của Đắk Lắk, Đắk Nông được xuất khẩu qua các cảng ở Khánh Hòa. Tầm quan trọng của Khánh Hòa là “cửa ngõ” quan trọng của Tây Nguyên hướng ra biển lớn. Ngày 26/2/2023, tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk tổ chức Hội nghị hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.

Ông Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết: “Khánh Hòa có nhiều cảng biển nước sâu, mạng lưới giao thông đường bộ thuận lợi. Điều này sẽ thúc đẩy, lan tỏa tích cực đến phát triển vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nói chung, Khánh Hòa và Đắk Lắk nói riêng. Chính vì vậy, việc ký kết thỏa thuận hợp tác sẽ đánh dấu một bước ngoặt mới trong xu hướng phát triển của hai tỉnh. Mở ra cơ hội để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ gắn bó giữa chính quyền hai địa phương, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước và mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp và người dân”.

Thời cơ mới

Tuyến đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột hoàn thành đi vào sử dụng, có ý nghĩa chiến lược “nối rừng với biển”, rút ngắn thời gian lưu thông Tây Nguyên với đồng bằng duyên hải miền Trung.

Xây dựng nhà máy chế biến sâu, mở thị trường xuất khẩu cho nông sản Tây Nguyên là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền các địa phương. Ảnh: Lệ Giang

Để đón thời cơ mới, Khánh Hòa đã tập trung quy hoạch phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phía Nam Khu kinh tế Vân Phong, thuộc thị xã Ninh Hòa. Tại đây đã có Nhà máy đóng tàu biển Hyundai Việt Nam, lớn nhất Đông Nam Á, Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1, cảng, kho xăng dầu… “Khu vực Nam Vân Phong đã xuất hiện nhịp độ phát triển mới, tuyến đường cao tốc nối Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa, có điểm “đấu nối” gần với cảng Nam Vân Phong. Tỉnh Khánh Hòa tập trung phát triển Khu công nghiệp Ninh Thủy mạnh lên, xúc tiến làm Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng. Song song đó, chúng tôi nỗ lực mời gọi các nhà đầu tư có uy tính, năng lực tốt, để cùng tham gia làm khu công nghiệp ở khu vực Nam Vân Phong” - ông Ninh thông tin.

Điều đặc biệt, Quốc hội đã ban hành các nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa và thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Đây là những cú hích phát triển liên vùng, điểm “đấu nối” hai tỉnh quan trọng, mang tính chất “cửa ngõ” liên vùng, tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp của hai tỉnh xây dựng nhà máy chế biến sâu nông sản, thủy sản… tại Khu công nghiệp Ninh Thủy, hoặc làm nhà máy ngay tại vùng nguyên liệu Đắk Lắk, để giảm giá thành sản phẩm trong xuất khẩu, có tính cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.

“Tỉnh Đắk Lắk cam kết sẽ tạo điều kiện, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí gia nhập thị trường, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư của tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu, đầu tư và phát triển trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời, đề nghị chính quyền tỉnh Khánh Hòa tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk trong quá trình đầu tư, sản xuất, giao thương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa” - ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nêu vấn đề thực tiễn.

Lệ Giang

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hop-tac-phat-trien-kinh-te-giua-khanh-hoa-va-dak-lak-post460106.html